Ngày này cách đây 80 năm, tại vùng đất Tam Xuân (nay là Tam Xuân 1, Núi Thành), Chi bộ Mỹ Sơn ra đời. “Hạt giống đỏ” được gieo xuống mảnh đất Tam Xuân không ngừng phát triển lớn mạnh, chuẩn bị các điều kiện tiên quyết cùng cả tỉnh đứng lên giành chính quyền cách mạng vào tháng 8.1945.
Mốc son ngày 19.5
Ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Tiếp đến sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ vào ngày 15.8.1933 tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) do đồng chí Phan Truy làm Bí thư, là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở Quảng Nam phát triển.
Sau khi chuẩn bị các điều kiện, ngày 19.5.1935, Phủ ủy Tam Kỳ quyết định thành lập chi bộ ghép Mỹ Sơn, gồm đảng viên của 2 làng Khương Mỹ (nay là xã Tam Xuân 1) và làng Danh Sơn (xã Tam Sơn, Núi Thành) với 4 đảng viên, gồm các đồng chí Võ Nghiệm, Võ Oanh, Võ Toàn (tức Võ Chí Công) - người làng Khương Mỹ và Nguyễn Hoàng (tức Nguyễn Phước) - người làng Danh Sơn. Đồng chí Võ Toàn được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên đất Tam Xuân - tiền thân của Đảng bộ Tam Xuân 1 và Đảng bộ Tam Xuân 2 hiện nay. Sau khi ra đời, Chi bộ Mỹ Sơn đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong những năm 1936 -1939 và chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng vào tháng 8.1945. Từ sau năm 1959, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, Chi bộ Mỹ Sơn đã tích cực lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tổ chức các đội vũ trang tiến hành diệt ác phá kìm; từng bước tham gia đập tan các âm mưu đánh phá của Mỹ ngụy, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Ngày ấy, Tam Xuân còn là địa phương được cấp trên chọn làm nơi đứng chân hoạt động của các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam và Phủ ủy Tam Kỳ nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8.1945.
Bia lưu niệm nơi Tỉnh ủy Quảng Nam tiến hành hội nghị bàn kế hoạch thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa 1945 dưới chân tháp Khương Mỹ. Ảnh: H.P |
Tiếp bước
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ xã Tam Xuân 1 đã tập trung lãnh đạo chính quyền và các tầng lớp nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Ông Huỳnh Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 cho hay: “Từ một xã thuần nông, đến nay tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 68% cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp giữ mức ổn định với sản lượng lương thực đạt 5.000 tấn/năm. Thu ngân sách năm 2014 đạt hơn 10 tỷ đồng, gấp 40 lần so với năm 1996. Hệ thống truyền thanh được đầu tư, sóng điện thoại, Internet phủ khắp địa bàn, 100% người dân sử dụng điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng cao, thu nhập bình quân trong nhân dân ước đạt 23 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng với tổng giá trị hàng năm trên 10 tỷ đồng. Nhờ vậy, các công trình trường học, trạm y tế được tầng hóa. Đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa thôn được xây dựng khang trang, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc. Đến nay địa phương đã hoàn thành được cơ bản 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.
“Lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ và nhân dân xã Tam Xuân 1 giai đoạn 1930 - 1975” ghi rõ: Được sự lãnh đạo của Phủ ủy, cuối năm 1933, đồng chí Nguyễn Kế - đảng viên của Chi bộ Diêm Trường (xã Tam Giang, Núi Thành) đã tổ chức kết nạp đồng chí Võ Nghiệm (tức Võ Dương) ở thôn Khương Mỹ (nay xã Tam Xuân 1) vào Đảng. Cụ Võ Nghiệm trở thành người đảng viên đầu tiên của đất Tam Xuân. |
Theo ông Đinh Hiếu Trung - Bí thư Đảng ủy xã Tam Xuân 1, để có được những kết quả phát triển đáng mừng như hiện nay, lãnh đạo địa phương luôn chú trọng phát huy tích cực tinh thần đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn được quan tâm phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, từ đó, đã huy động sức mạnh về nhân lực, vật lực của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Nhằm nâng cao sức chiến đấu, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, đảng ủy thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để các bí thư chi bộ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó rút ra các kinh nghiệm trong công tác nâng cao chất lượng tổ chức đảng. Ngoài ra các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tam Xuân 1 được phân công đứng điểm sinh hoạt tại các chi bộ. Rồi cán bộ xã cũng được tăng cường về đứng điểm làm Bí thư chi bộ thôn đã giúp cho Đảng ủy nắm chắc tình hình của các thôn, kịp thời có giải pháp xử lý các vấn đề mới phát sinh.
“Từ một đảng bộ lúc mới thành lập chỉ có 15 chi bộ với 157 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã đã có 20 chi bộ với 303 đảng viên. Qua từng giai đoạn, mỗi thế hệ cán bộ đảng viên đều thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tin tưởng, trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng. Trong tâm thức của mỗi cán bộ, đảng viên xã Tam Xuân 1 luôn nhắc nhớ về “mốc son ngày 19.5”, vì vậy, là thế hệ tiếp bước, họ luôn phấn đấu rèn luyện mình, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, nỗ lực cống hiến, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” - ông Trung chia sẻ.
Dụng kế Đề cập về vai trò lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng của Chi bộ Mỹ Sơn lúc bấy giờ, có một câu chuyện vẫn được người làng Khương Mỹ thường nhắc đến: Xứ Trung Kỳ xuất hiện một võ sư rất giỏi võ có tên Trịnh Cát. Ông này có tư tưởng thân Pháp, rất được chính quyền sở tại xem trọng. Vì vậy, việc Trịnh Cát đến khu vực chân tháp Khương Mỹ mở một lò luyện võ khiến nhân dân cảnh giác. Nhận được tin, đồng chí Võ Văn Quý - em ruột đồng chí Võ Chí Công đến nắm tình hình, nhận thấy phải dụng mưu đuổi Trịnh Cát đi, xóa bỏ ngay tụ điểm làm tai mắt của địch. Rồi ông Quý giao cho ông Võ Ngọc Hải (em con chú ruột) đến gặp ông Nhường - một tay lực điền của làng Khương Mỹ khích tướng rằng: “Trịnh Cát về làng này mở lò võ và thách thức trai tráng cả làng ra đánh nhau. Chưa hết, Trịnh Cát còn hay lân la ra quán mỳ ve vãn, bẹo má chọc ghẹo cô Tám Bẹ (người tình trong mộng của ông Nhường)”. Đang giã gạo nóng nực, nghe Võ Ngọc Hải nói vậy, ông Nhường nổi đóa quăng cái chày, nhấc bổng cái cối đá ném ra sân, đi một mạch đến lò võ. Đến nơi, ông Nhường đứng chống tay vào một gốc tre già, lên tiếng thách thức Trịnh Cát. Lúc này Trịnh Cát đang ngồi xếp bằng trên tấm liếp ở trong sân cũng lên tiếng thách đấu với Nhường. Tức khắc Nhường nhổ phăng gốc tre, xông vào thẳng tay bổ xuống đầu Trịnh Cát, cú bổ nửa chừng lại biến thế quét ngang khiến Trịnh Cát luống cuống tránh né. Dân làng phấn khích reo hò ầm ĩ. Không xảy ra một trận thư hùng đổ máu nhưng từ sau trận ấy Trịnh Cát bỏ đi, lò võ ngừng hoạt động, bí mật của tổ chức cách mạng cơ sở được giữ vững. |
HÀN GIANG - PHƯƠNG GIANG