Sáng qua 14.4, hơn 20 doanh nghiệp có hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh mời đến tuyên truyền, quán triệt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đồng thời phổ biến thông tin về đợt cao điểm xử lý vi phạm cơi nới thành thùng, chở quá tải, quá khổ sắp triển khai thực hiện.
Sẽ xử phạt rất nặng
Trung tá Trần Minh Hiếu - Đội trưởng Đội CSGT số 1 thông tin, thời gian qua, Bộ Công an, Cục CSGT và Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đảm bảo tải trọng, kích thước thành thùng xe.
Đợt cao điểm xử lý vi phạm do Cục CSGT triển khai theo chỉ đạo của Bộ Công an sẽ bắt đầu từ giữa tháng 4 này, nhằm quyết liệt lập lại trật tự an toàn giao thông trong cả nước.
“Theo thống kê, dù tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong quý 1 năm nay giảm cả 3 tiêu chí, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình trạng xe chở quá tải, tự ý cơi nới thành thùng, chở hàng hóa rơi vãi trên đường vẫn tái diễn ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân, là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Phòng CSGT đề nghị các doanh nghiệp vận tải phải quán triệt nghiêm với đội ngũ lái xe chấp hành tốt các quy định khi điều khiển phương tiện, đặc biệt không được tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải” - Trung tá Trần Minh Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại diện Phòng CSGT, đối với các lỗi vi phạm, nhất là cơi nới thành thùng xe, chở quá khổ quá tải, không chỉ lái xe bị phạt, mà mức phạt với chủ doanh nghiệp có thể gấp 10 lần so với mức phạt đối với lái xe.
Cụ thể, đối với hành vi chở quá tải trọng 10 - 30%, lái xe bị xử phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, nhưng chủ doanh nghiệp vận tải sẽ bị phạt 4 - 8 triệu đồng. Đối với hành vi chở hàng vượt quá chiều cao cho phép, mức phạt đối với chủ doanh nghiệp 8 - 12 triệu đồng, gấp 8 - 10 lần so với mức phạt dành cho tài xế.
“Trong quý 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã triển khai chuyên đề xử lý vi phạm về quá tải trọng, quá khổ, tự ý cải tạo, lập biên bản nhiều trường hợp, xử phạt số tiền hơn 400 triệu đồng.
Công an toàn tỉnh đã phát hiện hơn 4.500 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, xử phạt số tiền hơn 5,3 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 300 trường hợp, trong đó có hơn 200 trường hợp liên quan đến tải trọng” - Trung tá Trần Minh Hiếu thông tin.
Doanh nghiệp tự hạ tải
Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa hơn 10 năm, điều hành hơn 20 xe tải chở hàng ở địa bàn Quảng Ngãi và các huyện Núi Thành, TP.Tam Kỳ của Quảng Nam, bà Phạm Thị Minh Lý - Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn (trụ sở tại Quảng Ngãi) cho hay, công ty đã quán triệt các tài xế phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông, tuyệt đối không được sử dụng bia rượu, ma túy khi lái xe.
“Từ thông tin của Phòng CSGT, chúng tôi sẽ chấp hành hạ thành thùng về kích thước đăng ký, cam kết không chở quá tải, quá khổ, không tự ý cơi nới khi chở hàng hóa, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Việc này vừa giúp cho lái xe, doanh nghiệp không bị xử phạt nặng khi vi phạm, còn thể hiện ý thức, trách nhiệm, văn hóa của công ty” - bà Lý nói.
Theo Thượng tá Võ Ngọc Lành - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt, nhằm đưa hoạt động vận tải đi vào nền nếp, nỗ lực giải quyết triệt để tình trạng xe tải chở hàng hóa quá tải, quá khổ và cơi nới thành thùng, Phòng CSGT đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen của chủ hàng cũng như lái xe.
Trong đợt này, các lái xe, doanh nghiệp vận tải nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm gia tăng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
“Để công tác xử lý các phương tiện vi phạm quá khổ, quá tải có hiệu quả về lâu dài, Phòng CSGT đã tập trung tuyên truyền, tổ chức cho doanh nghiệp vận tải trên các tuyến giao thông trọng điểm ký cam kết không chở quá khổ, quá tải, cơi nới cải tạo thành thùng xe. Chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp tự giác tháo dỡ cơi nới, trả lại nguyên kích thước thành thùng” - Thượng tá Võ Ngọc Lành cho biết.