Nhiều tuyến đường huyện (ĐH), tỉnh lộ (ĐT) và nguyên ĐT đang hiện hữu nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) do đường sá xuống cấp, thiếu biển báo an toàn, lưu lượng giao thông tăng sau khi thông đường…
Thiếu cảnh báo
Những năm về trước, tuyến ĐH3.DX có điểm đầu nối từ quốc lộ 1, thuộc thị trấn Nam Phước xuống xã Duy Phước về vùng đông Duy Xuyên xuống cấp trầm trọng. Bề mặt cung đường lại nhỏ hẹp gây khó khăn cho người tham gia giao thông; nhà của cư dân sinh sống ven tuyến có nguy cơ mất an toàn, mỹ quan nhếch nhác. Nhờ vào nguồn vốn thông qua đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH (giai đoạn 2015-2020) của tỉnh và sự đồng thuận cao từ phía người dân, Duy Xuyên đã triển khai hoàn thành kiên cố hóa, mở rộng mặt đường qua địa bàn xã Duy Phước. Năm 2016, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của đề án, huyện tiến hành nâng cấp đoạn tuyến còn lại phía tây, chạy qua khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước (giáp xã Duy Phước lên đến quốc lộ 1). Trong đó, chi phí dành cho khâu thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn có giá trị là 0 đồng; địa phương chủ yếu vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc để mở đường. Thị trấn Nam Phước linh hoạt hỗ trợ nhân công để giúp những hộ nghèo, gia đình không có lao động, người già neo đơn, hộ ảnh hưởng nặng di dời công trình, vật kiến trúc bị ảnh hưởng. Cuối cùng, con đường có bề rộng mặt cắt ngang 13,5m (lòng đường rộng 9,5m) đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhân dân địa phương.
Tuyến ĐH3.DX qua xã Duy Phước không có kẻ vạch phân chia làn đường, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm.Ảnh: C.TÚ |
Tuyến ĐH3.DX, đoạn từ quốc lộ 1 qua thị trấn Nam Phước xuống hết Trạm y tế xã Duy Phước mặt đường được mở rộng khang trang. Thế nhưng từ khi mở đường, phương tiện lưu thông trên tuyến ngày càng đông với tốc độ cao hơn. “Xe ô tô chạy qua ĐH3.DX nhiều lắm. Trong lúc, khu vực trên có nhiều đường ngang dân sinh khớp nối, nằm ven tuyến là trường học, trạm xá, phòng khám bệnh tư nhân… nhưng huyện không bố trí biển cảnh báo, gờ giảm tốc để cảnh báo nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện nắm bắt, phòng tránh” - ông Lê Trung Linh, trú thôn Lang Châu Nam (xã Duy Phước) nói. Ghi nhận của chúng tôi, đoạn tuyến ĐH3.DX nối từ quốc lộ 1 xuống khỏi Trạm y tế xã Duy Phước không có lắp đặt hệ thống cảnh báo nào, ngoài biển cấm tải trọng xe tải và biển báo đường cong. Mặt đường không kẻ vạch phân chia làn. Trong khi đó, ven tuyến hiện diện 2 trường học, 1 trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề có đông học sinh vào ra. Tại ngã tư Lang Châu Nam, người qua lại cũng rất đông vào giờ cao điểm, cạnh góc phải tuyến là Xí nghiệp may Tấn Minh... Có thể khẳng định, người dân lo sợ nguy cơ mất an toàn khi đi trên đoạn tuyến trên là xác đáng.
Quá tải, mất an toàn
Quốc lộ 40B (qua địa bàn tỉnh trước đây là ĐT616) đã chứng tỏ được vai trò tuyến huyết mạch phục vụ lưu thông cho các huyện phía tây bắc của tỉnh. Đặc biệt, đoạn tuyến xây dựng mới từ Tắc Pỏ, huyện Nam Trà My lên giáp huyện Tu Ma Rông (Kon Tum) đã “mở nút thắt” nối thông với tỉnh bạn, kết nối đường Hồ Chí Minh và đi tới cửa khẩu Bờ Y. Từ đây, đồng bào Nam Trà My có “mặt tiền” cất nhà, an cư. Đường sá liên hoàn, mật độ phương tiện đi lại trên quốc lộ 40B ngày càng đông đúc, nhất là qua Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My. Còn nhớ khi chưa “lên đời”, ĐT616 được tỉnh bỏ kinh phí nâng cấp mặt đường nhiều đoạn, quy mô bề rộng có biến động song không lớn.
Sau ngày chuyển thành quốc lộ 40B đến nay, việc triển khai mở rộng nền, lòng đường từ phía Bộ Giao thông vận tải (quốc lộ do Trung ương quản lý) hầu như chưa thực hiện. Thực trạng “bình mới rượu cũ” khiến cho vấn đề đảm bảo ATGT luôn đặt ra nhức nhối. Gặp mưa lũ kéo dài là đất đá, cây cối phía taluy dương sạt lở ập xuống mặt đường chật hẹp gây ách tắc dài ngày. Hệ quả mùa mưa năm 2016 là một minh chứng điển hình. Mưa chỉ vài giờ, lũ đã băng qua hai ngầm Sông Trường và Nước Oa làm lưu thông tuyến Nam Trà My đình trệ. Nếu không đầu tư mở rộng, cung đường chiến lược từ biển Tam Thanh lên cửa khẩu Bờ Y sẽ khó phát huy hiệu quả như mong muốn.
Ngược về phía bắc, thông tin về cầu Giao Thủy và tuyến ĐT610 (đoạn nối Nông Sơn - Duy Xuyên) sẽ chính thức liên hoàn và đưa vào sử dụng cuối tháng 3 khiến đông đảo nhân dân và cán bộ nhiều địa phương vui mừng. Thế nhưng, “liệu rằng đoạn từ ngã ba Hòa Đông đến ngã ba Đại Hiệp, Đại Lộc có đủ khả năng đáp ứng lưu lượng giao thông tăng sau khi thông tuyến” - một người dân lo lắng đặt vấn đề. Đoạn tuyến ĐT609B từ ngã ba Đại Hiệp (xã Đại Hiệp, giáp quốc lộ 14B) lên ngã ba Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa) dài hơn 4,7km đã đồng loạt xuống cấp. Quảng Nam đang chờ động thái sửa chữa bằng cách thảm hoàn trả mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5m như khi mượn làm đường công vụ từ phía chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trước đề nghị của tỉnh phải hoàn trả cho xong trước dịp khánh thành cầu Giao Thủy, chủ đầu tư phản hồi rằng không kịp vì khó hoàn tất hồ sơ liên quan. Tháng 12.2016, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư về hoàn trả đường địa phương, đặc biệt ưu tiên hoàn trả ngay đoạn tuyến hư hỏng nặng và đông người qua lại trước Tết Đinh Dậu 2017. Chưa rõ, đơn vị nào sẽ sửa chữa “đoạn đường đen” trên ĐT609B kịp thời khắc cầu Giao Thủy chính thức kết nối đôi bờ sông Thu Bồn. Nhưng những “ổ voi”, vũng sâu vẫn tồn tại cùng nỗi lo chính đáng của người dân.
CÔNG TÚ