Mặt đường nhỏ hẹp và xuống cấp, nước chảy xiết qua ngầm tràn mỗi lần mưa kéo dài… khiến cho việc lưu thông trên quốc lộ (QL) 14G mất an toàn.
Ngầm tràn Dốc Rùa km38+050 thường xuyên bị nước lũ băng qua. Ảnh: C.T |
Nhiều hạn chế
Những ngày mưa lũ vừa qua, người dân ở các xã Sông Kôn, Jơ Ngây… của huyện Đông Giang luôn ra đứng trước cổng mong ngóng xe tải chở hàng thực phẩm tươi sống từ dưới xuôi lên. “Hàng khô thì đồng bào đã trữ sẵn. Nhưng với thực phẩm tươi sống, rau củ quả ngày nào họ cũng đưa tới tận đây bán” - một người dân xã Sông Kôn nói. Tuy nhiên, tư thương đi xe “chợ di động” ngại cảnh mưa lũ làm taluy dương sạt lở ách tắc, một số đoạn tuyến QL14G xuống cấp và trơn trợt nên sợ xảy ra sự cố. Đặc biệt, ngầm Dốc Rùa thuộc địa phận thôn Aliêng của xã A Ting thường chia cắt con đường “tiếp viện” lên vùng cao nhiều ngày. Cán bộ và nhân dân ở xã Ba, xã Tư có việc gấp muốn về trung tâm huyện đều không thể qua ngầm tràn. Chiều ngược lại, xe khách chạy tuyến Tây Giang - Đà Nẵng đành tạm dừng phục vụ, hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, QL14G là trục giao thông độc đạo từ TP.Đà Nẵng lên các huyện Đông Giang và Tây Giang. Nhờ tuyến đường này, điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa của đồng bào vùng cao với dưới xuôi diễn ra thuận lợi hơn. Song, mặt đường QL14G được xây dựng từ trước những năm 2000 (nguyên là ĐT604) rộng chỉ 4,5 - 5,5m bị hư hỏng nhiều chỗ khiến không ít vụ tai nạn xảy ra.
Tháng 5.2012, Bộ GTVT đã ban hành quyết định nâng cấp tuyến ĐT604 lên thành QL14G. Tuyến đường có lý trình từ km0+000 (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đến km66+000, giao với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao, Đông Giang. Kể từ ngày “lên đời”, QL14G qua địa phận Quảng Nam vẫn có kết cấu chủ yếu là mặt đường láng nhựa. Nền sụt lún và bề mặt bị hư hỏng, bong tróc, lề bị xói lở. Hệ thống cảnh báo chưa đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt ngầm tràn Dốc Rùa thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn nhói lòng. |
Theo người dân địa phương, ngầm tràn Dốc Rùa trên QL14G còn là “điểm đen” gây nên nhiều vụ đuối nước nhói lòng. Mới đây nhất ngày 19.12, em Đinh Thị Bé (học sinh lớp 8/2, Trường THCS Lê Văn Tám) trú thôn Aliêng sau khi đi học về đã cùng vài người bạn rủ nhau đến con suối tại ngầm để tắm và bị nước cuốn lọt vào cống dưới ngầm. Không may cho Bé, giữa cống có một cành cây chắn ngang khiến cơ thể em bị mắc kẹt không thể trôi về phía hạ lưu. Lực lượng cứu hộ của địa phương có mặt ứng cứu thì em đã tử vong. Đến chia buồn cùng gia đình, anh Hốih Hồng Sang - một thanh niên địa phương nói: “Ngầm tràn Dốc Rùa đã cuốn trôi cả ô tô rồi. Nhiều thời điểm trung tâm A Ting không mưa, song ở thượng nguồn mưa to kéo dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ là nước lũ về rất bất ngờ qua ngầm tràn”.
Cấp thiết phải làm cầu
Mỗi lần nước lũ băng ngầm Dốc Rùa, xã A Ting thường xuyên cắt cử lực lượng công an, dân quân đứng canh gác phía tây không cho người dân liều lĩnh vượt qua. Nhưng theo Trưởng Công an xã A Ting - ông Bnướch Đanh, lực lượng chức năng chỉ có thể đứng ngầm phía bên trên phong tỏa lưu thông. Họ không thể xuống ngầm giáp xã Ba vì nước lũ vừa sâu lại chảy xiết không lội qua được. “Nhà nước cần phải sớm đầu tư làm cầu thay ngầm tràn. Nhiều lần tham gia ứng trực tại đây, xe cứu thương đưa người bị bệnh nặng ra Đà Nẵng cấp cứu đành phải quay về” - một dân quân địa phương kể. Ông Nguyễn Tấn Tuân thì cho hay, UBND huyện Đông Giang nhiều lần gửi văn bản lên các cấp, trong đó có Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu thay thế ngầm Dốc Rùa, vừa đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân lại vừa phục vụ hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn mùa mưa bão. Việc cải tạo nâng cấp QL14G nói chung còn là điều kiện thông thương hàng hóa từ vùng đồng bằng lên miền núi để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, làm động lực khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội của khu vực núi cao, góp phần cải thiện đời sống đồng bào, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các cụm dân cư...
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác của Bộ GTVT ngày 9.6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiến nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020 hoặc xúc tiến nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G. “Trường hợp khó khăn về kinh phí, đề nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng trước 2 cầu vượt lũ để thay thế ngầm tràn Dốc Rùa tại km37+480 (dài 20m) và km38+050 (dài 50m) hiện có trên tuyến. Hiện các ngầm tràn này thường xuyên bị ngập lũ vào mùa mưa, nước chảy xiết, gây nhiều vụ tai nạn bất ngờ” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói. Trong thông báo kết luận sau đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết đã tổng hợp dự án nâng cấp mở rộng QL14G vào danh mục các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, đặc biệt là ngầm Dốc Rùa. Theo lãnh đạo huyện Đông Giang, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất cải tạo đảm bảo an toàn trên QL14G, gồm cả ngầm Dốc Rùa. Tháng 8 năm nay, Bộ GTVT cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra cụ thể hiện trường. “Chúng tôi mong Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ III sớm triển khai. Có như vậy, tính mạng người dân mới đảm bảo an toàn, tránh sự cố đáng tiếc qua ngầm Dốc Rùa” - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đinh Văn Hươm nói.
CÔNG TÚ