Tăng cường vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng đẩy nhanh tiến độ công trình được xem là yêu cầu tiên quyết của Điện Bàn để các dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Vừa làm vừa vận động
Sau nhiều lần thương lượng, thuyết phục, ông Ngô Xuân Tri (thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh, Điện Bàn) cũng đã đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho dự án nâng cấp, mở rộng đường trục chính qua trung tâm thị xã Điện Bàn.
“So với thị trường thì giá bồi thường của nhà nước thấp hơn nhiều, nhưng vì việc chung mình cũng không tính toán so đo gì” - ông Tri chia sẻ.
Tại dự án này, diện tích đất ông Tri phải bàn giao khoảng 50m2, với mức giá bồi thường 8,4 triệu đồng/m2, cộng vật kiến trúc trên đất, tổng số tiền ông Tri nhận gần 600 triệu đồng.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường trục chính qua trung tâm thị xã Điện Bàn (đoạn từ ngã ba Cây Sợp đến ngã ba đường tránh Điện Minh) được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt đầu tư (điều chỉnh) cuối tháng 10.2020, có chiều dài 1.330m (tổng mức đầu tư gần 110 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng (GPMB) 80 tỷ đồng); hơn 4ha đất được thu hồi, với 225 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, khoảng 80% số hộ dân phía đông trục đường đã chấp nhận thỏa thuận bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Ông Dương Tấn Bình - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn khẳng định, GPMB đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hầu hết dự án thi công. Tuy nhiên, đây cũng là khâu khó khăn nhất vì chênh lệch giữa giá đất nhà nước quy định và giá thị trường, chưa kể vướng về nguồn gốc đất và giá đất tái định cư…
Năm 2021, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn đảm nhận 62 dự án (kể cả dự án chuyển tiếp). Ngoài 33 dự án đang làm thủ tục đầu tư thì hầu như cả 29 dự án đang thi công (bao gồm 10 dự án lớn) phần lớn vướng GPMB. Dù vậy, với phương châm vừa làm vừa vận động, rất nhiều dự án đã được bàn giao mặt bằng sạch. Những dự án làm tốt công tác GPMB có thể kể đến như đường 773, ĐH7, dự án đường dẫn và bãi tập kết cát sỏi tại Điện Ngọc…, qua đó giúp việc thi công được thuận lợi.
“Người dân hoàn toàn thống nhất, ủng hộ chủ trương của nhà nước, nhưng do giá bồi thường thấp hơn thị trường nên nhiều hộ do dự không chịu. Chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vận động để người dân đồng tình, hợp tác. Nếu mình làm tốt khâu lập phương án, kiểm kê, khâu xét duyệt nguồn gốc đất kỹ càng, đúng đủ thì người dân sẽ hiểu và đồng ý, công tác GPMB cũng sẽ dễ dàng hơn” - ông Bình chia sẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tính đến năm 2021, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có khoảng 200 dự án đã, đang và sẽ triển khai. Ngoài 62 dự án do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn quản lý, làm chủ đầu tư, khoảng 140 dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn thực hiện GPMB, hầu hết gặp vướng. Không ít dự án công tác GPMB kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm dẫn đến tiến độ thi công, hoàn thành dự án bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Văn Côi - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi để giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan đến GPMB, nhất là giá đất và vật kiến trúc trên đất do những quy định áp dụng chưa sát thực tế. Trong số khoảng 140 dự án Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn đảm nhiệm, không ít dự án qua nhiều năm vẫn còn vướng GPMB chưa thể giải quyết ổn thỏa.
Đơn cử, vệt 20m cây xanh đoạn qua dự án Công ty Du lịch Kim Vinh (Điện Dương), dù phương án đã được duyệt từ năm 2007 và 2014, đến nay vẫn còn 13/18 hộ chưa nhận tiền với yêu cầu bố trí thêm lô tái định cư.
Hay dự án vệt cây xanh đoạn qua khu du lịch Vina Capital Hội An, dù phương án được triển khai từ năm 2008 và 2014 nhưng hiện vẫn còn 19/22 hộ chưa nhận tiền với lý do giá đất bồi thường thấp…
Ngoài ra, có thể kể đến dự án Khu tái định cư làng chài ven biển (Điện Dương) vẫn còn 41/75 hộ dân từ chối nhận tiền do giá bồi thường thấp, thậm chí tại dự án vệt 20m cây xanh đoạn qua Khu du lịch sinh thái sông Hàn, người dân không hợp tác đo đạc do giá đất bồi thường quá thấp (2,35 triệu đồng/m2)…
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận, hầu hết dự án khi triển khai đều vướng GPMB, nhất là các dự án đô thị và giao thông. Những vấn đề thường gặp nhất chính là giá đất bồi thường, giá vật kiến trúc, giá đất tái định cư, kể cả xác định nguồn gốc đất…
Ông Hiếu cho hay, thời gian tới, tùy trường hợp cụ thể thị xã sẽ có những giải pháp phù hợp; trong đó, đối thoại nhân dân được xem là giải pháp đầu tiên. Thời gian qua, thị xã cũng đã chỉ đạo các địa phương củng cố lại các ban tuyên truyền vận động để người dân chấp hành các chủ trương chính sách nhà nước liên quan đến GPMB. Đồng thời kiến nghị tỉnh điều chỉnh cơ chế cho phù hợp thực tế; thành lập ban chỉ đạo để giải quyết những vướng mắc liên quan đến các dự án đang triển khai…
Khi các quy định, chủ trương của nhà nước đã được thực hiện đầy đủ mà người dân vẫn cố tình không chấp hành thì thị xã sẽ có biện pháp chế tài để bàn giao mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án đúng thời gian.