Độ che phủ rừng ở nhiều địa phương tiếp tục nâng cao nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng giảm sút. Đây là thách thức không nhỏ trong giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường bền vững.
Giảm diện tích rừng phòng hộ
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, diện tích rừng đặc dụng của Quảng Nam là 139.895,8ha, tăng 6.348,1ha so với quy hoạch 3 loại rừng năm 2013, chiếm 19,2% tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng; diện tích rừng phòng hộ 315.812,5ha, so với quy hoạch cũ giảm 11.828,7ha, chiếm 43,3%. Trong khi đó, rừng sản xuất điều chỉnh quy hoạch lên 274.048,5ha, tăng 15.315,2ha so với quy hoạch cũ, chiếm 37,5%.
Độ che phủ rừng ở Quảng Nam đến nay đạt hơn 59%, tính luôn cả rừng trồng sản xuất ít hoặc không có chức năng phòng hộ. Đáng nói, trong các khu rừng phòng hộ ở Đông Giang, Phú Ninh, Bắc Trà My, hàng nghìn héc ra đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ bị người dân lấn chiếm trồng rừng sản xuất.
Hiện nay, Quảng Nam lập kế hoạch chống mất rừng và suy thoái rừng theo chương trình REDD+. Theo đó sẽ nâng cao độ che phủ rừng theo hướng chất lượng, trồng rừng gỗ lớn, đồng thời chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tiếp cận chương trình REED+, các địa phương sẽ tăng cường trữ lượng các-bon rừng thông qua trồng rừng và làm giàu rừng; thúc đẩy quản lý bền vững rừng sản xuất. Từ năm 2020, ngành kiểm lâm tỉnh đã đồng bộ kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, kể cả diện tích đất có rừng nằm ngoài quy hoạch lên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu quốc gia.
Ông Trần Văn Thu – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, đơn vị chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc thường xuyên truy cập hệ thống cảnh báo mất rừng sớm để kịp thời nắm bắt thông tin, kiểm tra thực địa, cập nhật diện tích rừng có biến động. Kết quả diễn biến rừng hàng năm là cơ sở để nghiệm thu thanh toán, chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Nghèo hóa rừng giàu
Bộ NN&PTNT thống kê, tổng diện tích rừng cả nước thời điểm này là 14,3 triệu héc ta, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu héc ta, rừng trồng hơn 4 triệu héc ta, tỷ lệ che phủ rừng hơn 41%. Diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm dần, từ 4,3 triệu héc ta năm 2010 xuống còn 3,95 triệu héc ta năm 2019. Dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố của Tổng cục Lâm nghiệp về hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng. Số liệu cho thấy, diện tích rừng phòng hộ giàu và trung bình hơn 1 triệu héc ta, chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ và tăng về diện tích nhờ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi; diện tích rừng trồng sản xuất tăng nhanh, góp phần phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên thấp, trong đó 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, còn lại 50% diện tích rừng nghèo, nghèo kiệt và còn suy giảm ở nhiều nơi.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, nước ta có 14,6 triệu héc ta rừng, độ che phủ gần 42%. Do chủ trương mở rộng diện tích rừng trồng nên chất lượng của rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Chính phủ đang xem xét phê duyệt chương trình đầu tư công về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để phát huy kết quả chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và mặt nước (Chương trình 327), chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng (Chương trình 661), chương trình mục tiêu bảo vệ phát triển rừng 2011 – 2020 (Chương trình 886). Ngành lâm nghiệp đang hướng dẫn các địa phương kiểm kê đối chứng trên thực địa để xác định, đối chiếu, kiểm chứng, hiệu chỉnh các yếu tố về chủ rừng, trạng thái rừng… phù hợp giữa bản đồ giải đoán ảnh viễn thám và thực tế.