Mắt của đảo

Bút ký của TRUNG VIỆT 16/02/2018 17:26

Người ta đang nói chuyện làm du lịch ở đảo Tam Hải (Núi Thành) bởi đã nhìn thấy được tiềm năng. Trong hình dung của tôi, tiềm năng của Tam Hải lơ lửng như trái dừa cho quả ngọt trên cao, vấn đề là hái xuống để làm chi, hay để nó rụng rồi đem bán xô cho đầu nậu?...

Bàn Than - Tam Hải. Ảnh: TRẦN CÔNG
Bàn Than - Tam Hải. Ảnh: TRẦN CÔNG

1. Ông Trần Toàn bây giờ đã qua tuổi 90 nhưng còn mẫn tiệp. Ở thôn Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành) lứa như ông đã giã từ trần gian về với ông bà hết rồi. Tôi hình dung, một bữa biển động, ông ra đứng ở mũi Bàn Than, “bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân” (trên sóng bạc đầu có người đầu bạc đang ngụp lặn - thơ Bạch Cư Dị). Ký ức vùn vụt qua, giờ còn lại nỗi đăm chiêu mà lắm khi người già khó buông bỏ.

Mười lăm tuổi ông đã đi biển. Chỉ là ghe nan, cứ phăng phăng, la bàn là sao trời, rồi như bao ngư phủ thuở nước mặn áo rách lúc đó, ông cứ thấy hướng bắc chớp, tức thì biết chuẩn bị gió mù trời, nhóc lớn, cứ thế cắm đầu chạy, miết miết nằm lòng cái câu “Chùa Hang ráng đỏ - Lượn vào đưa vô”, nhìn chùa Hang và Trà Kiệu mà chèo. “Ui cha, cái thời ngó đâu cũng thiếu, nấu thì củi, con cúi; đau thì đoán bậy bịnh ni tê rồi xoa dầu; rước mấy ông phù thủy về cúng, mất con gà mà bịnh có  hết mô. Gạo phải lên nguồn đổi, bà già tôi phải xay, giã rã tay, rồi trồng thêm khoai lang”. Cơ cực như giăng màn qua đôi mắt đã đục mờ, kèm theo chút kiêu hãnh trong khốn cùng để tồn tại, mà hình như mọi thứ nó như thế, bởi lúc này chỉ có một thứ dư thừa đó là tôm cá, nhưng “tôm cá làm được đem bán, ăn thì ăn chơi thế thôi chứ giá trị bao nhiêu. Cả xóm, có được mấy người sướng mô”. Chuyện cực còn dài nữa, khi rét mướt luồn cho bờ bãi, phủ giá sương trên những mành lưới, quần áo không có, cứ thế co ro khoanh tay. “Tôi học tới sơ học yếu lược, nhưng tri thức làm giàu là không có” - ông Toàn nói.

Không dễ gì ở tuổi này, người ta khái quát được điều đó, bởi gánh nặng của “bệnh” già, sự thừa nhận những giá trị bị tác động từ nhiều phía. Tôi bất ngờ hơn nữa khi ông nhìn anh con rể, kẻ đã bỏ biển phiêu dạt thị thành nhưng lòng dạ nói năng hành xử vẫn lấm lem cát và nước biển, rằng chừ làm ăn khó hơn trước, làm thì ít, sắm sanh thì nhiều, không đủ điều kiện thì khó sống nổi. “Vậy ở Tam Hải, làm cách chi thì giàu?”. Ông nhìn tôi, thở dài: “Khó, biển thì gay rồi, quán xá thì ai tới, quanh quẩn trong xóm ngồi nhậu với nhau. Ngày xưa, “ông” (cá Ông - NV) có lụy thì một “ông” sống đưa “ông” vô bờ. Chừ làm hồ tôm, xả nước xả vỏ tôm ra biển, “ông” có lụy thì mình “ông” tấp vô chứ “ông” sống không vô nữa.

2. Tôi đi với H. về làng Thuận An. Vẫn là xóm nhỏ mấy năm trời trở lại, y chang vậy, những lối đi nhỏ mà dễ thương, những tiếng chào í ới, cả những thở dài mệt mỏi pha chút âu lo khi cơn bão vừa qua thổi một vệt dài làm sập mấy cái nhà. Căn nhà cũ không người ở, bởi song thân đã khuất núi, nên cô quạnh. H. nói rằng, hồi đó ông già chở cát bên hòn Dứa, hòn Mang bằng thúng chai, cả tuần chưa được 10 thúng cát, nước ngọt không có, ông sáng kiến bằng cách chiều nào tắm thì cũng đứng giữa đống cát mà xối, lâu ngày nước lạnh rửa sạch cát mặn.

Gió biển buổi sáng vặn mình qua những nhấp nhô cây và nhà, trong gió vẫn mang mùi của bão còn tiếp diễn dông dài, nên sóng ở Bàn Than hình lưỡi búa trắng xóa. Có ông nào đó đang câu. Một vài con như ngón tay. Thì ra là anh, tôi đã từng cụng ly trong một lần đám giỗ ông già H. “Răng, độc cô cầu bại sát cá, xụi lơ ri trưa lấy chi mà làm mồi?”. Anh lắc đầu: “Không có em ơi, đi câu cho đỡ ghiền”. Dưới chân là đá. Đá như tranh trúc chỉ, xuyến chi, những đường ngang kẻ dọc lúc vàng lúc nâu đỏ, lúc như những hình thù lộn ngược đầu mình như tranh Van Gogh, lúc như bức sơn mài đơn sơ mà đẫm tự tình. Sóng lớn quá, tạt tứ tung. Nơi bờ, mấy tấm bạt dựng trên 4 cây tre, dấu vết của chỗ ai đó ngồi ăn nhậu, trơ trọi, rác phủ đầy và hôi hám kinh khủng. Tôi phóng nhìn dọc dài từ đó lên tuốt ngõ bến qua Tam Quang, trời ơi là rác, từ bờ ra dày đặc cả mấy chục thước rồi kéo dài miên man. Đoán được ý tôi, H. nhăn mặt: “Rác tấp vào Tam Hải thì vạn nẻo, nhưng bài toán xử lý rác triệt để vẫn còn vời xa”.

Những ghềnh đá ở Tam Hải. Ảnh: TRẦN CÔNG
Những ghềnh đá ở Tam Hải. Ảnh: TRẦN CÔNG

3. Một hội thảo khoa học về tiềm năng của Tam Hải đã được tổ chức. Tóm lại, là người ta cho rằng, hoàn toàn biến Tam Hải thành công viên địa chất toàn cầu, bởi những mạch đá triệu năm ở đó là bảo vật quý giá lâu nay ngủ yên trong lòng biển. Đó là chuyện của các nhà khoa học, nhưng không thể chờ họ công bố lúc đó mình mới tính. Cảng biển, sân bay Chu Lai, mỏ khí Cá Voi Xanh, tất cả đã và đang đặt ra những lối đi, mà địa phương như Tam Hải không thể không làm kiểu dân gian, là nhân tiện ông làm, tôi ké một chút. Một địa thế xã đảo lâu nay có tiếng là hoang sơ xinh đẹp, mùa hè khách du lịch đổ về đông nghịt, nhưng rồi được cái gì? Khách đông, nhưng có ổn định không, mà muốn được vậy, phải hội tụ nhiều yếu tố để du lịch bền vững, Tam Hải có không? Không có.

Tôi nhớ bạn nói rằng, dịp lễ, gần đây khách đến Bàn Than đông hơn. Có hôm vài chục chiếc 4 bánh xuống là bí, bởi không có chỗ gửi xe, quay xe. Nhà hàng cũng chưa nên mạnh nhà ai nấy chèo kéo khách, giá cả loạn xị. Khách có nhu cầu ra giữa biển nhưng địa phương cấm vì không đảm bảo an toàn về cả phương tiện, người lái... Bến bãi càng không. Làng Thuận An không thể làm âu thuyền, nên khó sắm tàu biển lớn. Ngay cả để có hạ tầng (kè, cầu tàu... ) để sắm thuyền, ca nô đón đưa khách như Cù Lao Chàm tại Thuận An cũng căng. Vừa rồi có một dự án đầu tư nhà máy xử lý rác, nhưng địa điểm thì dân chưa đồng thuận. Nhưng nếu làm được rồi, thì có làm du lịch được không? Ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói ngắn gọn: “Làm cầu tốn tiền quá thì phải đầu tư cho cái phà tử tế, không giải quyết được giao thông, thì khó lắm!”. Ngổn ngang bài toán phải giải. Môi trường nhếch nhác, đường sá nội bộ thì xuống cấp. Nghề đi biển không còn là thế mạnh của Tam Hải nữa, lợi dụng địa thế sẵn có và cơ hội phía trước với những công trình dự án, hạ tầng tầm cỡ quốc gia như đã nêu, thì lối duy nhất để làm giàu, chính là du lịch.

Nhưng làm du lịch đâu có dễ. Nói đâu xa, phía bên kia kìa, Lý Sơn của Quảng Ngãi, bây giờ đau đầu với  rác và xây dựng bát nháo, chưa nói là tư duy làm du lịch ở mỗi nhà mỗi người còn quá lơ mơ, vẫn kiểu được chăng hay chớ. Ông Đinh Hài - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL không cần đắn đo, nói ngay: “Cơ hội đã mở ra, vấn đề bây giờ là tài chính, nhưng quan trọng hơn chính là tư duy. Tam Hải sẽ giàu, đẹp, trên cơ sở đã có thì phải biết làm cho ra địa chỉ du lịch đúng nghĩa, đó là giải quyết căn cơ bài toán môi  trường; chỉnh trang hạ tầng nông thôn, từ nhà cửa đến đường sá; xong việc đó mới tính chuyện làm du lịch. Xin lưu ý, đừng ham nhà cao cửa rộng, nhất định sẽ phá vỡ không gian xanh tươi, khoáng đãng ở biển. Chỗ ở lưu trú, chỉ nên tổ chức nhà cửa gắn liền với cộng đồng, tự nhiên, giản dị, gần gũi nhưng tiện ích và quan trọng hơn là phải nhìn rộng ra: Tam Hải phải kết nối Tam Thanh (Tam Kỳ) - sân bay Chu Lai; du lịch đường thủy phải tính chuyện đặt nó trong vòng quay Chu Lai - Tam Hải - Lý Sơn - Cù Lao Chàm”.

Đất có, nước có, giống có, thời tiết thuận mà làm ăn không được là tại mình. Tam Hải chưa phải là thuận hết, nhưng giấc mơ để chòi đạp khỏi con sóng cô lẻ, khó khăn, mầm cơ hội đã và đang có. Cái còn lại là quyết chí thôi. Tôi ra đứng chỗ rặng dừa, chỗ mà mấy ông chụp ảnh hay tìm tới, ngó xa xa là chốn làm lễ cầu ngư. Trong hình dung của tôi, ở Tam Hải có con mắt, con mắt của cả đảo, chính là đây. Nó lơ lửng như trái dừa cho quả ngọt trên cao, vấn đề là hái xuống để làm chi, hay để nó rụng rồi đem bán xô cho đầu nậu? Tôi nhớ ông già Toàn nói rằng lớp trẻ chừ có chịu ngồi yên đâu, nó sẽ làm khác cha ông, theo kịp thiên hạ. Sẽ khác và phải khác…

Bút ký của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mắt của đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO