Thành phố đón thêm một đợt nắng nóng nữa. Những căn nhà trọ lụp xụp trở thành lò lửa. Đàn ông đi làm, còn lại những người mẹ trẻ ở nhà ôm con. Giấc ngủ trưa dính dấp mồ hôi, váng vất bên tai tiếng trẻ quấy khóc ngằn ngặt vì nóng nực. Khi tôi chuyển đến, những cánh cửa đều mở toang để đón gió trời. Dù ngoài kia ngay cả lá cây cũng không động đậy. Họ giúp vợ chồng tôi quét dọn, vệ sinh, kê đồ đạc, mang cho nhau cốc nước sấu đá. Tối đó còn chưa kịp tắm giặt thì điện vụt tắt. Nhà thì vừa ngồi xuống mâm cơm, nhà thì đang vo gạo. Bọn trẻ con đang tắm dở sợ ma hét toáng. Có anh cậy tinh mắt đang ngồi bậc cửa xâu kim hộ vợ cũng ngơ ngác than trời. “Nóng chảy mỡ mà còn cắt điện, sống sao đây?”. Mọi người kéo nhau ra cổng cầm theo đủ “đồ nghề”. Chiếu cói, quạt nan, bộ ấm chén, ít hạt hướng dương nhấm cho vui miệng. Đám đàn ông rủ nhau đánh bài quỳ. Phụ nữ ngồi quây lại nựng nịu dỗ dành tụi con nít và kể chuyện bán mua trong chợ đầu mối họp lúc ba giờ sáng.
Ảnh minh họa. |
Lần lượt những con người túa ra từ nhiều ngôi nhà kín cổng cao tường. Hàng ngày khó có thể thấy mặt nhau vì ai cũng bận bịu từ mờ sáng đến tối mịt. Và vì tường cao quá, chó tợn quá, mấy cây thông cảnh to che kín mít ngôi nhà. Tôi vốn sống ở phố đã lâu, thấy hàng xóm hiếm có cơ hội để chào hỏi chuyện trò. Năm đôi lần họp tổ dân phố thì may chăng đông đủ. Hoặc vài lần cùng thò đầu ra khi có người đến ghi số điện, thu tiền nước, kẻng xe đổ rác đi qua. Nên tối nay bế con ra ngồi ngoài cổng hóng chút gió trời tôi đã được nhìn thấy một đời sống khác. Vứt bỏ vẻ mặt lo toan, cau có đời thường, những người hàng xóm có dịp ngồi gần nhau nói đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện cơn bão mới đi qua thành phố tuần trước đã hất bung gốc táo ngọt đầu nhà, kéo theo cả giàn gấc đang ra quả bằng nắm tay cũng gãy giàn héo quắt. Chuyện thằng lớn đang tuổi ẩm ương nếu không để mắt canh chừng là đua đòi lêu lổng. Chuyện ra chợ nhìn quanh mà không biết mua gì vì sợ độc. Bỗng một chị lên tiếng “nhà em tuần nào cũng có xe gửi đồ từ quê xuống. Trứng gà, rau quả tất cả đều tươi sạch. Nhà ai muốn ăn thực phẩm vừa sạch vừa rẻ thì để em nhờ mẹ mua chợ quê gửi xuống. Tiện công đi gửi”. Câu chuyện từ đó sôi nổi hẳn lên. Tôi cũng đăng ký một suất rau sạch để nấu bột ăn dặm cho con. Cả xóm còn rủ nhau ăn chung lợn rừng, đặt hải sản từ người quen ở Thanh Hóa, Nghệ An. Mỗi người góp một mối vui. Cứ thế này thì mâm cơm cả xóm không còn lo hóa chất.
Thêm một vài chiếc chiếu được trải ra nối tiếp nhau trên vỉa hè. Trẻ con được đặt nằm trên chiếu ê a hóng chuyện. Quạt nan được huy động. Từng ấy con người quây lại quạt cho ba đứa nhỏ. Tiếng ai đó nựng con “nhờ mất điện mà mới ba tháng tuổi mình đã được nằm đường hóng gió”. Những tiếng cười vang lên quên cả nỗi bực dọc của một tối mùa mất điện. Lẫn đâu đó trong làn gió trời hiếm hoi là mùi mồ hôi cơ thể còn chưa kịp tắm giặt. Là tiếng ai đó sủi bụng khi đã tám giờ tối mà chưa được ăn cơm. Là tiếng xuýt xoa “trời ơi, xem bàn chân nó này, mới mũm mĩm làm sao. Cưng quá đi, cho cô thơm một miếng”. Những chiếc xe máy đi qua dường như cũng giảm ga. Mỗi lần thấy xe đi qua là mấy bà mấy chị lại giơ quạt nan che bớt khói bụi và tiếng ồn bên tai trẻ.
Rồi thì điện vụt sáng, nhà nào về nhà nấy. Đám đàn ông đánh bài quỳ còn chưa chịu đứng lên. Tiếng người mẹ giục con đi tắm. Tiếng vợ gọi chồng ăn cơm. Tiếng ai đó gọi vọng qua hàng rào xóm trọ xin quả ớt. Con nhỏ đã ngủ ngoan trong vòng tay mẹ. Trên vành môi vẫn còn giữ nụ cười thơ ngây thơm mùi sữa…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG