Mặt nạ, nghệ thuật và đời

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/06/2020 06:07

Âu Tây có những lễ hội hóa trang mà ở đó tự mỗi người tìm cho mình cái mặt nạ. Những nhân vật trong thần thoại, ác thần hay thiên thần thường được tái hiện qua mặt nạ. Cũng thấy rất nhiều hình con thú, quái vật được đắp vẽ trên trang phục và người ta nhảy múa trong sự… vô danh vì đã hóa trang.

Ở ta, nghệ thuật vẽ mặt nạ, hóa trang đã có từ lâu. Người ta có thể đắp vẽ bằng màu lên da mặt, hoặc có thể vẽ mặt nạ, để rồi hóa thân vào nhân vật và diễn trên sân khấu tuồng, chèo, cải lương. Thậm chí, trò chơi dân gian cũng có dùng mặt nạ như ông địa, tề thiên đại thánh trong múa lân; hay vẽ mặt ông tổng trong bả trạo, hò đưa linh. Vậy thì hóa trang, mặt nạ cũng hiện diện trong đời sống dân ta lâu rồi. Thấy cách chơi mặt nạ, hóa trang quả đủ kiểu do ý niệm văn hóa, không thể kể hết.

Thử xem mặt nạ tuồng/hát bội/hát bộ của ta thế nào? Cố Nghệ sĩ ưu tú Vĩnh Huế từng thống kê được 82 kiểu mẫu mặt các nhân vật tuồng. Vẽ mặt theo nghệ thuật ước lệ tượng trưng nhưng hàm ý đúc kết kinh nghiệm quan sát từ người đời, vậy nên có nét khác nhau người trung/người nịnh, quân tử/tiểu nhân, người thiện/kẻ gian… Vai diễn sân khấu nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương có nhân vật hề, cũng mang các gương mặt khác nhau như ngoài đời có những người mang cốt tính trào lộng, trào phúng, tiếu lâm vậy. Nghệ thuật chèo, có hề áo ngắn và hề áo dài. Hề áo ngắn gồm có hề Gậy và hề Mồi. Hề Gậy thường là các anh chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu thầy trên đường thiên lý, khi ra sân khấu do thường mang theo gậy đường trường hoặc cây đòn gánh, nên gọi nôm na là hề Gậy. Hề Mồi là những nhân vật hầu hạ sai vặt, điếu đóm trong nhà hoặc lính canh, lính hầu nơi quan phủ, tư dinh… Hề áo dài (còn gọi là hề tính cách), thường hả hê vui sướng tự giễu cợt mình, tự lột mặt nạ bản thân và tự đẩy mình vào tình huống lố bịch. Loại hề này cười cợt trên sân khấu chèo sân đình với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn, trêu chọc, nghịch ngợm… với mục đích tự bôi bác mình.

Có người Quảng cũng mê theo nghệ thuật tuồng rồi trở về chọn nghề vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An như ông Bùi Quý Phong. Kết hợp những trải nghiệm trên sân khấu hát bội truyền thống và hiểu biết về mặt nạ dân gian, ông Phong đã sáng tạo cái gọi là “mặt nạ thời gian”. Cách phát triển nghệ thuật vẽ mặt nạ của ông Phong dần tiến đến những nội dung như dụ ngôn về cách thể ứng xử trong cuộc sống, chẳng hạn mặt nạ “Chịu đựng” với nửa khuôn mặt nam/nữ hai màu trái ngược nói về tình yêu và hôn nhân gia đình, hay mặt nạ “Cuộc đời” với 4 con cá từ bé đến lớn đang cố ăn thịt nhau.

Mặt nạ trong nghệ thuật dù tinh tế thế nào cũng không thể mô tả hết mặt nạ đời. Như xem tuồng, nhân vật nào xuất hiện thì khán giả biết ngay nhân vật đó thuộc loại tính cách nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay điềm tĩnh,…qua cách vẽ/hóa trang khuôn mặt. Anh Nguyễn Ngọc Linh, con trai Nghệ sĩ ưu tú Vĩnh Huế, từng mê đắm với mặt nạ tuồng, có thể vẽ chi tiết sống động khuôn mặt từng nhân vật như Tạ Ngọc Lân, Phàn Diệm, Lữ Bố… Anh cũng thuộc làu nghệ thuật quy ước của cách vẽ mặt nạ tuồng như: Mặt chữ điền là người chính trực/ Mặt lưỡi cày là tay đoản hậu/ Râu rìa lông ngực là tội phản thần/ Lưỡi mục bất động, tâm tính bất minh… Nhưng ở ngoài đời có dễ nhận ra đâu là khuôn diện gắn với tính cách mặt thật/mặt nạ của con người như thế không?

Cảm nhận nghệ thuật vẽ mặt nạ bất giác cho ta thấy sinh vật nhiều mâu thuẫn nội tại nhất có lẽ là… con người. Nó bày ra muôn nghìn trò đời để làm phong phú vẻ mặt của mình trong xã hội, nhưng nó cũng cô đơn khắc họa khuôn mặt mình. Nó vừa muốn phô diễn mình vừa muốn giấu mình đi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mặt nạ, nghệ thuật và đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO