Mắt người thẩm định chất lượng sâm

ALĂNG NGƯỚC 02/04/2023 08:15

Các phiên chợ sâm núi Ngọc Linh, chừng như người ta đều thấy sự góp mặt của Hồ Văn Dang và cộng sự. Ngay trước cổng khu trưng bày sản phẩm dược liệu đặt tại Tắk Pỏ (Nam Trà My), sâm của những hộ kinh doanh và người dân mang đến được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đưa vào bên trong phiên chợ bày bán.

Hồ Văn Dang tham gia hội đồng chấm thi sâm Ngọc Linh tại lễ hội của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hồ Văn Dang tham gia hội đồng chấm thi sâm Ngọc Linh tại lễ hội của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Lễ hội sâm và phiên chợ sâm núi Ngọc Linh được chính quyền Nam Trà My duy trì tổ chức gần 5 năm nay, là dịp quảng bá đưa sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách. Để các thương gia yên tâm tìm mua đúng loại dược liệu mình cần, địa phương thành lập một nhóm người tại chỗ có kinh nghiệm về sâm làm nhiệm vụ thẩm định chất lượng sâm Ngọc Linh, giúp bảo vệ thương hiệu “quốc bảo” trước vấn nạn sâm giả có nguy cơ trà trộn.

Kiểm tra bằng… mắt

Trên tay cầm những cây sâm Ngọc Linh còn nguyên bùn đất, một chủ sâm người Xê Đăng hối hả bước vào khu trưng bày các gian hàng dược liệu tại phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ngay lập tức, người đàn ông bị chặn lại bởi các thành viên tổ thẩm định chất lượng sâm đang làm nhiệm vụ.

“Phải qua bước kiểm tra, nếu nhận thấy đó đúng là sâm thật thì mới được vào tiếp khu vực bày bán. Đó là quy định khi người dân mang sâm Ngọc Linh đến bán tại phiên chợ” - anh Hồ Văn Dang, người đứng trước quầy thẩm định chất lượng sâm trong phiên chợ ngày hôm đó nói với tôi khi đã hoàn tất thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt.

Gần 5 năm làm nhiệm vụ, kể từ khi phiên chợ sâm được khai mở, anh Dang nay là Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh trở nên quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là các thương lái, hộ kinh doanh và người trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Anh Dang bén duyên với công việc đặc biệt này như một sự tình cờ, sau thời gian địa phương tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh vào năm 2018.

“Lúc ấy, anh Thể (ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh - PV) vì bận công việc nên xin rút khỏi tổ thẩm định. Anh Thể đề xuất mình vào tổ, thay thế anh làm nhiệm vụ với các thành viên, như bây giờ” - anh Dang kể về “duyên sâm ập đến” như cách anh đang nghĩ về sâm, về thương hiệu của sản vật núi rừng.

Người dân mang sâm đến tổ thẩm định kiểm tra chất lượng.
Người dân mang sâm đến tổ thẩm định kiểm tra chất lượng.

“Nhưng, làm sao có thể phân biệt đâu là sâm giả, đâu là sâm thật?”. “Người ngoài nhìn vào thì đúng là rất khó. Nhưng với những người trồng sâm lâu năm, chỉ cần nhìn qua là có thể phân biệt ngay. Đó là nhờ kinh nghiệm và có thời gian dài sống với sâm” - Dang nói, rồi cầm lấy một cây sâm trong quầy giải thích.

“Đây, như củ sâm này, anh thấy không? Phía dưới phần củ có từng đốt mắt sâm gợn lên. Mỗi đốt tương ứng với một chu kỳ sinh trưởng, thường là một năm. Vì thế, người trồng sâm thường nhìn vào đó để đoán tuổi. Nhưng để biết được sâm đó được trồng ở núi Ngọc Linh hay đưa từ nơi khác đến, còn phải phụ thuộc vào màu sắc của lá, của thân và củ sâm nữa” - Dang bộc bạch.

“Làm nhiệm vụ này, như kiểu chặn đứng cơ hội “làm ăn” phi pháp của một số đối tượng nên lúc đầu cũng có chút lo sợ mình bị trả thù. Nhất là sau khi phát hiện vụ mang sâm giả đến phiên chợ, một số người cũng tỏ rõ sự không bằng lòng nên sinh ghen ghét. Nhưng về sau, nhiều người dần hiểu về công việc của tổ nên hết sức ủng hộ, bởi suy cho cùng, việc làm đó của mình và cả tổ cũng đều xuất phát từ chuyện bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh ngày càng được bảo tồn và phát triển”.

(Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh - Hồ Văn Dang)

Cách Dang kể, thoạt nghe có vẻ rất dễ để nhận biết độ chính xác về sâm. Nhưng để làm được điều đó, phải dành rất lớn thời gian, công sức và tình yêu với “cây thuốc giấu”.

Từ chuyện của Dang, hôm nọ tôi hỏi một lãnh đạo Nam Trà My, họ nói cả huyện này, nếu chọn ra được người như Dang, giỏi lắm cũng chỉ vài ba ông.

Bởi ngoài sự tinh tế, phải có thêm con mắt tinh tường để nhìn xuyên thấu quá trình sinh trưởng của sâm cho cả một vòng đời. Chưa kể, kinh nghiệm và sự hiểu biết riêng có của người trồng sâm.

“Có khi nào, nhìn bằng mắt mà mình thẩm định sai không?”. “Gần như không có đâu. Sống với sâm từ nhỏ nên chỉ cần nhìn qua là biết sâm đó bao nhiêu tuổi, thậm chí là trồng ở xã nào nữa” - Dang nói đầy sự tự tin.

Minh chứng là cách đây vài năm, khi phiên chợ lần thứ 2 được tổ chức, chính Dang phát hiện và nghi ngờ sâm giả trà trộn vào quầy sâm thật nên đề nghị xử lý. Làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng khai nhận sâm mang đến được mua từ một người quen và không trồng ở Nam Trà My.

Phát huy vai trò thẩm định chặt chẽ của lực lượng chức năng, về sau phiên chợ sâm không chỉ được duy trì, mà còn trở thành không gian tin cậy cho hoạt động quảng bá thương hiệu sâm núi Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu quý của địa phương đến với du khách.

Giữ thương hiệu “quốc bảo”

Hồ Văn Dang, thực ra chỉ như một lát cắt nhỏ trong câu chuyện rất lớn của những người yêu sâm ở vùng đất Nam Trà My. Điển hình như Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Hành và nhiều chủ hộ tỷ phú sâm Ngọc Linh khác, họ đã dành cả tuổi thanh xuân cho việc trồng sâm, phát triển sâm và bảo tồn chất lượng sâm đạt chuẩn. Nhưng, ở Dang là sự tiếp nối, bởi anh còn trẻ, được tín nhiệm để chọn vào tổ thẩm định chất lượng và giám khảo các cuộc thi sâm, là điều không hề đơn giản.

Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ.
Sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cũng bày tỏ sự tin tưởng ở Dang và các cộng sự trong tổ thẩm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Bằng trách nhiệm của mình, chính tổ thẩm định này sẽ góp sức cho mục tiêu bảo tồn, phát triển và giữ vững thương hiệu “quốc bảo” trong cộng đồng.

“Nhóm của Dang, ngoài làm nhiệm vụ thẩm định chất lượng sâm tại phiên chợ, còn tham gia kế hoạch kiểm tra liên ngành tại các vườn sâm. Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng giống sâm kém chất lượng, hoặc sâm từ nơi khác đến trà trộn trồng trong cộng đồng.

Với vai trò là cán bộ xã, Dang và một số anh em tại cơ sở đã góp sức rất lớn trong việc vận động, tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng sâm, cũng như nói không với việc mua bán, thu mua sâm giả, giống sâm kém chất lượng từ nơi khác về trồng tại vườn của mình” - ông Hưng nói.

Phiên chợ đầu năm sau Tết Nguyên đán, tôi ngồi với Dang ngay không gian trưng bày dược liệu và nghe anh kể về tuổi thơ gắn bó với sâm. Ngày trước, loài “cây thuốc giấu” này, người thân của Dang chọn trồng chỉ để… chữa bệnh là chính. Kinh tế thời đó từ sâm, mặc nhiên chưa ai có thể hình dung được như bây giờ.

“Bà con ngày trước chủ yếu nhổ sâm đổi rượu để uống và chữa bệnh nên đâu có biết giá trị thật sự của sâm đâu” - Dang nói, làm tôi nhớ đến chuyện lần đầu tiên đặt chân đến nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh) hơn 10 năm trước.

Hôm đó, trời mưa tầm tã, tôi cùng một đồng nghiệp chứng kiến người dân địa phương mang sâm đến đổi lấy thuốc lá và rượu gạo từ một quán tạp hóa của vợ chồng cô giáo miền xuôi sinh sống tại làng. Thời đó, sâm chưa có giá trị cao về kinh tế nên ngay cả chủ quán tạp hóa cũng dùng lá sâm để nấu nước giải khát uống hằng ngày.

Tôi lang thang phiên chợ sâm Ngọc Linh. Lần nào đến cũng bắt gặp nụ cười của Dang và các thương lái. Giữa dòng người đông đúc qua lại, như thành lệ, phiên chợ sâm đều luôn bắt đầu bằng công việc thầm lặng của Dang và các cộng sự, mỗi khi lễ hội và phiên chợ sâm núi được tổ chức, trưng bày…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mắt người thẩm định chất lượng sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO