Mặt sân và câu chuyện quản lý

AN NHI 26/04/2020 06:58

Bóng đá Việt Nam tính đến nay đã có quãng thời gian tròn 20 năm làm chuyên nghiệp. Vậy mà, mặt sân xuống cấp bao năm rồi vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”.

Mặt sân Tam Kỳ khá cứng, lồi lõm, hệ thống xương cá bị sụp nhiều chỗ, bị VPF cảnh báo cần nâng cấp mới đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức. Ảnh: A.N
Mặt sân Tam Kỳ khá cứng, lồi lõm, hệ thống xương cá bị sụp nhiều chỗ, bị VPF cảnh báo cần nâng cấp mới đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức. Ảnh: A.N

Chưa nói đến việc có đội bóng bị tước quyền tham gia đấu trường châu lục, ngay cả giải nội địa như V-League cũng đã có không ít sân bị “thổi còi” do không đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đấu. Những đôi chân cầu thủ được định giá tiền tỷ đối diện rất lớn với nguy cơ bị chấn thương khi phải thi đấu trên mặt sân đơ cứng vào mùa nắng và lầy lội khi trời mưa.

Thế nên mới có câu chuyện không biết “cười hay mếu” khi ông Nguyễn Húp - Chủ tịch CLB Quảng Nam chia sẻ câu chuyện, cầu thủ người Braxin đang khoác áo Viettel là Bruno lẽ ra đã thi đấu cho Quảng Nam ở mùa giải năm 2019. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên đến chào sân Tam Kỳ chứng kiến điều kiện cơ sở vật chất, mặt sân xuống cấp nên hôm sau cầu thủ này đã nói lời chia tay và sau đó gia nhập Viettel rồi trở thành vua phá lưới V-League 2019.

Tại V-League hiện nay, ngoại trừ một số mặt sân khá đẹp và đạt chuẩn quốc tế được đầu tư trong thời gian gần đây như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Cẩm Phả, Hòa Xuân, còn lại phần lớn đều khá xấu. Người xem truyền hình cả nước từng xem các trận đấu của Sông Lam Nghệ An trên sân Vinh hay Hải Phòng tại Lạch Tray đều thừa nhận, đây là những sân cỏ xấu nhất cả nước hiện nay. Khó tưởng tượng đó là sân thi đấu của giải bóng đá vô địch quốc gia khi mặt sân chẳng khác mặt ruộng sau mùa gặt. Sau vòng đấu thứ 2, sân Vinh đã bị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) “tuýt còi” và đứng trước nguy cơ phải “treo” sân vì không đảm bảo điều kiện tổ chức thi đấu.

Trong khi đó, sân Tam Kỳ nhìn trên truyền hình hay từ khán đài không đến nỗi tệ, song thực tế mặt sân khá cứng, lồi lõm, hệ thống xương cá bị sụp nhiều chỗ, nhiều cầu thủ đội khách than phiền khi thi đấu tại đây. Sân Tam Kỳ cũng nhiều lần bị VPF “điểm mặt” phải nâng cấp, cải tạo để được cấp phép tham dự trong đó gần nhất là trước mùa giải 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể sửa chữa được.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho phần lớn sân cỏ Việt Nam không đạt chuẩn. Bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp song cơ sở vật chất phục vụ cho hầu hết CLB bóng đá lại đang còn ở thời kỳ bao cấp. CLB gần như chỉ đầu tư về mặt con người, từ việc chuyển nhượng, lương bổng đến chuyện ăn ở của đội bóng. Còn các sân đấu, sân tập, kể cả nơi ở, hiện nay thuộc quyền quản lý của Nhà nước và đều được đầu tư xây dựng quá lâu nên xuống cấp, mặt sân cỏ cũng không được bảo dưỡng tốt. Cũng vì Nhà nước quản lý nên việc đầu tư ngân sách có phần khó khăn, chưa kể vướng víu nhiều thủ tục theo quy định. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Nam mỗi năm hỗ trợ cho CLB Quảng Nam 16 tỷ đồng để chăm lo cho đội bóng V-League và công tác đào tạo trẻ. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất chắc chắn sẽ bị hạn chế. Nói chung, một bên là CLB sử dụng sân còn một bên là Nhà nước quản lý, đầu tư xây dựng nên hẳn nhiên có sự “lệch pha”, không kịp thời với nhu cầu thực tế.

Thế mới thấy, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn nghiệp dư lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mặt sân và câu chuyện quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO