Hôm qua 1.7, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về kết quả công tác Mặt trận của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018, công tác tổ chức cán bộ, chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024 và công tác vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới.
Dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và Mặt trận các địa phương.
Băn khoăn chuyện cán bộ
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Phi Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình tư tưởng và đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định; thu ngân sách vượt tiến độ và tăng so với cùng kỳ; an sinh xã hội được đảm bảo… Về nhiệm vụ công tác Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hoàn thành việc hướng dẫn, quán triệt, tập huấn công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp tiếp tục được phát huy. Tại các địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã triển khai thực hiện 38 cuộc giám sát tại 147 đơn vị; cấp xã chủ trì tổ chức 92 cuộc giám sát tại 187 đơn vị. Nhiều diễn đàn nhân dân, diễn đàn đối thoại cũng được Mặt trận các cấp chủ trì thực hiện. Trong 6 tháng, Quỹ vì người nghèo toàn tỉnh (3 cấp) vận động hơn 13,5 tỷ đồng; Quỹ cứu trợ vận động được 14,9 tỷ đồng, hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với 249 trường hợp xây mới và 264 nhà sửa chữa…
Quang cảnh buổi làm việc về công tác tổ chức cán bộ, chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: VINH ANH |
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác Mặt trận, đặc biệt là công tác cán bộ, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Võ Xuân Ca cho biết, hiện nay về công tác cán bộ, vướng nhất là ở vấn đề cán bộ không chuyên trách cấp xã. Nguyên nhân là lương của cán bộ không chuyên trách thấp (chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng), trong khi yêu cầu làm việc đòi hỏi phải có bằng cấp chính quy, như vậy thì không đảm bảo đời sống để cán bộ yên tâm công tác. Do đó, Mặt trận tỉnh kiến nghị trung ương sớm sửa đổi Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phó chủ tịch Mặt trận cấp xã là cán bộ cấp xã như đối với phó chủ tịch HĐND và UBND cùng cấp để nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận cơ sở. Bởi theo Điều lệ Mặt trận quy định, phó chủ tịch Mặt trận cấp xã là hoạt động chuyên trách, còn Nghị định 92 thì quy định là hoạt động không chuyên trách.
Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18, ông Võ Xuân Ca cho biết, Mặt trận tỉnh đã xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo hướng tinh gọn các bộ phận tham mưu từ 6 xuống còn 5 bộ phận (gồm: 4 ban và văn phòng). Việc sắp xếp các ban ở Mặt trận tỉnh như vậy đã hết giới hạn, không thể giảm thêm; nếu cứ áp theo quy định giảm biên chế một cách cơ học thì rất khó khăn cho hoạt động. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách Mặt trận tỉnh theo Nghị quyết 18 gặp lúng túng vì đang áp dụng Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1.4.2015 của Ban Bí thư “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và cấp huyện” . Trong khi Mặt trận trung ương chưa có định hướng để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.
Sẽ kiến nghị sửa đổi Quy định 282
Chia sẻ với kiến nghị của Mặt trận tỉnh, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc quy định phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã là người hoạt động chuyên trách, còn phó chủ tịch Mặt trận, phó các đoàn thể lại hoạt động không chuyên trách là chưa hợp lý. Bởi vì, yêu cầu tuyên truyền, vận động cho nhân dân ở cơ sở trực tiếp lại là những cán bộ không được coi là chuyên trách này.
Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn cho biết, việc phó chủ tịch Mặt trận cấp xã phải hưởng chế độ như phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã là rất khó vì ngân sách hạn hẹp. Vấn đề này đã có nhiều kiến nghị nhưng không thể điều chỉnh được. Do đó không còn cách nào khác là mong địa phương khắc phục khó khăn. Xung quanh vấn đề sắp xếp bộ máy, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện cả nước, hệ thống Mặt trận cấp huyện, tỉnh và trung ương chỉ có 5.999 cán bộ - có thể thua số lượng cán bộ của một bộ. Còn chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn khoảng 11 nghìn người; trưởng ban công tác Mặt trận khoảng hơn 100 nghìn người. “Bộ máy của Mặt trận không tăng trong hơn 10 năm nay nhưng nay theo quy định cũng phải thực hiện giảm 10% biên chế theo Nghị quyết 18” - ông Mẫn nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn cho hay, Đảng đoàn Mặt trận sẽ làm việc với Ban Tổ chức Trung ương để xác định rõ những vấn đề liên quan, trong đó có việc sáp nhập trưởng ban Dân vận và chủ tịch Mặt trận cấp huyện. Cụ thể là địa phương nào sẽ sáp nhập và chỉ tiêu là bao nhiêu phần trăm số huyện sáp nhập/tỉnh. Đồng thời xung quanh sắp xếp ban, phòng thì tới đây Ban Bí thư sẽ thông qua sửa đổi Quy định 282. Đảng đoàn Mặt trận sẽ làm việc với Ban Tổ chức Trung ương để xác định rõ ở cấp tỉnh còn bao nhiêu ban, biên chế cấp huyện, cấp tỉnh như thế nào là phải cụ thể.
* Cùng ngày, đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã đến viếng hương và đặt vòng hoa tại Nhà lưu niệm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (thị xã Điện Bàn). Đồng thời thăm hỏi, tặng quà thân nhân mẹ Thứ và các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng tại thị xã Điện Bàn. Dịp này, ông Trần Thanh Mẫn trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn (40 triệu đồng/hộ).
ANH ĐÔNG