Mặt trận Quảng Nam tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013:Thống nhất cao, góp ý sát sườn
(QNO) - Đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm năm 2013; trong đó cụm từ "trực thuộc Mặt trận" nêu tại điểm 2, Điều 9 ghi nhận nhiều sự quan tâm.

Sáng nay 21/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cùng các Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Mau chủ trì hội nghị.

Lo "trực thuộc" thành "lệ thuộc"
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Các ý kiến góp ý tại hội nghị đều bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhiều ý kiến góp ý sôi nổi về một số nội dung, câu chữ được nêu tại các Điều 9, Điều 10, Điều 110, Điều 115…
[VIDEO] - Ông Lê Văn Lai - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh góp ý về cụm từ "trực thuộc Mặt trận":
Trong đó, cụm từ "trực thuộc Mặt trận" tại điểm 2 Điều 9 quy định "Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đã nhận được nhiều ý kiến với cách nghĩ, lập luận khác nhau.
Các ý kiến quan tâm từ "trực thuộc" hiểu như thế nào? Ông Lê Văn Lai - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nêu: "Tôi thống nhất nên nhập Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội vào một tổ chức để tinh gọn hơn, nhưng sắp xếp như thế này tôi cho là chưa đồng bộ và rất khó thực hiện. Thứ hai, khi nói "trực thuộc Mặt trận" thì yếu tố "liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện" coi ra bị phá vỡ. Nói chung lại, chữ "trực thuộc" cần bàn thêm và phải cần sửa nhiều luật thì mới đồng bộ trong thực hiện sắp đến" - ông Lai phát biểu.
[VIDEO] - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi về ý kiến đại biểu quanh cụm từ "trực thuộc Mặt trận":
Cũng băn khoăn về cụm từ "trực thuộc Mặt trận", bà Đoàn Thị Mỹ Nương - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, nếu nhận thức không đúng, có khi từ "“trực thuộc" thành "lệ thuộc". Do đó, phải có cơ chế thế nào để đảm bảo tính độc lập tương đối các đoàn thể.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo góp ý, để đảm bảo hài hòa nên sửa cụm từ "là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam" thành "là các tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt của MTTQ Việt Nam".
Không đồng ý bỏ quyền chất vấn ở Điều 115
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm đến Điều 115 dự thảo Nghị quyết khi đã sửa đổi, bỏ nội dung đại biểu HĐND có quyền chất vấn "Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân". Theo đó, phần lớn các ý kiến đều không đồng ý bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Ông Lê Văn Lai cho rằng, không thể có tổ chức nào nằm ngoài quyền chất vấn. Chất vấn thể hiện tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Bỏ chất vấn là tước đi vũ khí sắc bén hiệu quả, đem lại quyền và lợi ích cho nhân dân thiết thực nhất.
Không chỉ đề nghị giữ nguyên nội dung quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, một số ý kiến còn đề nghị bổ sung quyền chất vấn đối với cơ quan thi hành hành án. Bởi trong thực tế, công tác thi hành án đang tồn tại nhiều vấn đề, nhiều vụ việc bị tồn đọng…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, sửa từ "dưới" thành từ "thuộc" tại Điều 110 quy định "Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".
Đồng thời đề nghị không bỏ quy định "phải lấy ý kiến nhân dân" đối với "Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định".

Nhiều ý kiến đề nghị sửa cụm từ "tạo điều kiện" thành "phối hợp, bảo đảm điều kiện" trong điểm 3 Điều 9 quy định "Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động"...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cảm ơn sự tham gia, góp ý sôi nổi của các đại biểu, đồng thời cho biết Mặt trận tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý và tổng hợp gửi Mặt trận Trung ương trước ngày 5/6/2025.
Làm rõ hơn một số nội dung được đại biểu quan tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc bổ sung từ "trực thuộc" tại Điều 9 là cơ sở để xây dựng các luật sau này; khẳng định sự lãnh đạo tập trung, chịu sự chủ trì của Mặt trận.
Thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu, ông Lê Trí Thanh cũng cho rằng, giữ quyền chất vấn với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện VKSND là cần thiết. Khi được đưa vào Hiến pháp, đó là căn cứ pháp lý để xây dựng các luật khác sau này…
[VIDEO] - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh góp ý về Điều 15: