Cuốn sách “Mặt trời & hoa cúc - Biểu tượng vương quyền Việt Nam” của tác giả Vũ Kim Lộc (NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 12/2023) là nguồn tư liệu quý trong nghiên cứu, tìm hiểu các triều đại xưa.
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc tên thật là Vũ Văn Giót sinh năm 1957, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề kim hoàn, cùng với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, đã khiến ông trở thành nghệ nhân phục chế mũ miện đầu tiên và duy nhất cho tới nay tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cho biết: Mặt trời - hoa cúc và ngược lại là thuật ngữ do tôi đặt ra cho đỡ rườm rà trong khảo tả, trong đó được hiểu về ý đồ của nghệ nhân xưa thể hiện. Như mặt trời - hoa cúc tức là trong mặt trời có hoa cúc; còn hoa cúc - mặt trời là trong hoa cúc có mặt trời.
Đồng thời đây cũng chính là sự phân biệt về đẳng cấp, như trên mũ vua là mặt trời - hoa cúc, còn trên mũ quan thì ngược lại. Về vòng tròn có chấm giữa hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa được tôi giải mã là biểu tượng của hoa cúc ở nền văn hóa Đông Sơn, bởi thực tế bản thân các loài hoa cúc như cúc bất tử, cúc đồng tiền, cúc vạn thọ…, đã là hình tròn; rồi các lớp cánh hoa bên trong và nhụy hoa ở trung tâm cũng hình tròn.
Như vậy, cấu trúc tự nhiên của hoa đã là những vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa rồi. Vì thế, chúng ta không nên nghi ngờ gì khi cho rằng: các nghệ nhân Đông Sơn đã cách điệu hóa bằng cách chọn những nét tiêu biểu nhất, cô đọng nhất của loài hoa này để trở thành như một biểu tượng. Còn về những hình tròn có tiếp tuyến, có lẽ là biểu đạt một cách kết hoa.
Cuốn sách gồm lời dẫn giới thiệu sự tương đồng về hình tượng hoa cúc của Việt Nam và các nền văn minh khác trong lịch sử, 8 chương tiếp theo bao gồm chương 1 giới thiệu về hoa cúc, chương 2 - 8 hình tượng mặt trời - hoa cúc từ thuở Văn Lang Âu Lạc đến thời Nguyễn. Đi kèm với nội dung là rất nhiều hình ảnh minh họa từ các đợt điền dã, khảo sát của chính tác giả hoặc được tác giả sưu tầm từ nhiều nguồn uy tín.
Cũng theo tác giả, số lượng hình tượng mặt trời - hoa cúc đã được khắc, in, đúc, thêu ở nước ta trong thời gian hơn 2.500 năm là rất nhiều và số còn tồn tại đến nay như trên các hiện vật, di tích, nhất là đền, chùa cũng phải gần cả trăm nghìn.
Ðặc biệt, trên các di tích kiến trúc, mặt trời - hoa cúc đã được trang trí như một quốc huy trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ kinh đô Huế đến tận cổng làng và đình chùa. Đây là cơ sở quan trọng để tác giả đề xuất đưa hình tượng mặt trời - hoa cúc thành biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Ngoài ra, tác giả cũng chỉ ra rằng một số hoa văn họa tiết hình tròn có tia lửa phải là mặt trời chứ không phải là mặt trăng như lâu nay vẫn nhầm lẫn.
Để có thể đem tới cho độc giả cuốn sách này còn phải kể đến sự dụng công biên tập của TS. Trần Đức Anh Sơn - Trường Đại học Đông Á. Theo ông Sơn, đây là một trong những cuốn sách mà ông biên tập vất vả nhất, do lượng thông tin đồ sộ và chi tiết mà tác giả Vũ Kim Lộc đã viết.
Cần phải nói thêm rằng, ông Sơn là người vô cùng kỹ lưỡng, chặt chẽ và nghiêm khắc trong vấn đề biên tập, đây cũng là sự bảo chứng cho hàm lượng khoa học, sự chỉn chu hoàn thiện của cuốn sách này.
Sách bìa cứng, gồm 8 chương, hơn 300 trang, có giá bìa 350 nghìn đồng, với nhiều hình ảnh màu sắc nét, hiện bán tại các nhà sách trên toàn quốc.