Mất việc do "mất mùa" tuyển sinh

XUÂN PHÚ 04/11/2015 08:58

Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật (KTKT) Quảng Nam vừa ban hành đề án tinh giản lao động. Theo đó, hơn 100 cán bộ, giảng viên, nhân viên sẽ phải nghỉ việc khi hợp đồng lao động chấm dứt, theo lộ trình từ năm 2015 đến 2017.

Trường Cao đẳng KTKT Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn về tuyển sinh và tài chính nên buộc phải tinh giản lao động. Ảnh: X.P
Trường Cao đẳng KTKT Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn về tuyển sinh và tài chính nên buộc phải tinh giản lao động. Ảnh: X.P

Tinh giản 118 lao động

Ông Lương Văn Vui - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KTKT Quảng Nam cho biết, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường hiện có tổng số 326 người, trong đó 153 biên chế, 173 hợp đồng (số lao động hợp đồng sẽ hết hạn từ cuối tháng 10.2015 đến tháng 7.2018). Tuy nhiên, qua xác định nhu cầu vị trí việc làm, quy định về tỷ lệ cán bộ, giảng viên so với quy mô học sinh - sinh viên (HSSV) thì hiện tại nhà trường chỉ cần 208 cán bộ, giáo viên. Vì vậy, đề án tinh giản lao động đã được nhà trường xây dựng. Theo đó, có 118 trường hợp sẽ được cho nghỉ việc sau khi hết hợp đồng lao động. Lộ trình tinh giản thực hiện trong 3 năm, theo đó năm 2015 là 45 người, năm 2016 là 40 và năm 2017 là 33.

Đây là thông tin có thể gây sốc trong dư luận xã hội, nhưng với những người trong cuộc thì việc này sớm muộn gì cũng phải diễn ra và đây có lẽ là thời điểm thích hợp để giải quyết. Bởi theo ông Vui, nguyên nhân tinh giản là vì trong những năm qua số lượng tuyển sinh của trường ngày càng sụt giảm. Cụ thể, kể từ năm học 2012 - 2013 đến nay, tuyển sinh không năm nào đủ chỉ tiêu và có chiều hướng đi xuống. Thế nên, quy mô HSSV từ gần 8.000 thời điểm năm 2012 giảm xuống chỉ còn 4.500 năm học 2014 - 2015 và năm học 2015 - 2016 còn chưa đến 3.700. Sự sụt giảm này dẫn đến một bộ phận giảng viên, người lao động dôi dư, không có việc làm. Nguồn thu ngày một giảm sút kéo theo việc đầu tư cho các hoạt động của nhà trường gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và thu nhập của người lao động. Để không trở thành “con nợ”, những năm gần đây, nhà trường hầu như không đầu tư mua sắm trang thiết bị, cắt giảm hầu hết khoản chi tiêu, phụ cấp cho cán bộ, giảng viên. Dù vậy, dự toán cân đối thu chi năm 2015 của trường hụt 1,3 tỷ đồng và năm 2016 sẽ hụt gần 6 tỷ đồng. “Mấy năm qua làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Bắt đầu từ tháng 11 này nhà trường buộc phải tạm dừng chi trả phụ cấp đứng lớp cho giảng viên” - ông Vui chia sẻ. Vì vậy, trường thực hiện đề án tinh giản lao động nhằm giải quyết dôi dư, sắp xếp lại lao động hợp lý, đảm bảo cân đối nguồn kinh phí để duy trì sự ổn định và phát triển.

Thực hiện đảm bảo quyền lợi

Được hỏi nhà trường có làm công tác tư tưởng đối với cán bộ, giảng viên trước khi xây dựng đề án tinh giản lao động, ông Vui cho biết ban giám hiệu và công đoàn trường đã tổ chức gặp mặt cán bộ, giáo viên thông tin thực trạng khó khăn hiện nay của đơn vị, nêu phương án tinh giản để cùng thảo luận và động viên, khuyến khích người lao động dôi dư nghỉ việc. Trước đó, Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ của trường là sớm xây dựng và thực hiện đề án việc làm; động viên, khuyến khích và có chế độ hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên dôi dư nghỉ việc. Yêu cầu của nhà trường là việc tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, khách quan; đảm bảo hoạt động của nhà trường không bị xáo trộn. “Thật ra nhiều người đã biết rõ tình hình khó khăn của trường, thu nhập anh em bị giảm rất đáng kể, giảng viên thiếu giờ dạy. Vì vậy trong thời gian qua, một số cán bộ, giảng viên cũng đã chủ động xin nghỉ việc đi tìm việc nơi khác” - ông Vui thông tin thêm.

Theo ông Vui, phương án tinh giản lao động dựa trên nhu cầu công việc của từng đơn vị, tình hình tuyển sinh và tài chính của nhà trường. Vì vậy, nhà trường sẽ không tiếp tục hợp đồng lao động nếu không có nhu cầu. Trường hợp cán bộ, giáo viên của trường là vợ chồng thuộc diện tinh giản trong cùng một năm học thì tạm thời tinh giản trước một người. Ngay cả đối với lao động trong biên chế trường cũng khuyến khích số dôi dư nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giảng viên khi chấm dứt hợp đồng lao động, bên cạnh thực hiện theo quy định, nhà trường còn có chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng lương hiện hưởng, nếu công tác tại trường đủ từ 4 năm trở lên được hỗ trợ thêm 2 tháng lương, dưới 4 năm hỗ trợ thêm 1 tháng lương. Ngoài ra, nhà trường còn đề xuất trình UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho cán bộ, giảng viên nghỉ việc. “Cán bộ, giảng viên cần chia sẻ khó khăn của nhà trường hiện nay. Bản thân tôi mới về công tác tại trường, rất buồn khi phải thực hiện việc tinh giản lao động, nhưng tình hình hiện nay không thể kéo dài thêm được” - ông Vui tâm sự.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mất việc do "mất mùa" tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO