"Mắt xanh" của một nhà văn xứ Quảng

VU GIA 08/02/2013 09:43

Sau 80 năm nhìn lại, không ai phủ nhận công đầu của người tổ chức, góp phần làm nên cuộc cách mạng văn học ở thế kỷ XX là Nhất Linh, nhà văn xứ Quảng, người có “mắt xanh"…

Các đại biểu cả hai miền Nam - Bắc đều đánh giá cao vai trò của Tự lực văn đoàn tại hội thảo "Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại" vừa tổ chức. Tuy có nhiều ý kiến sắc sảo cho từng mảng đề tài, nhưng tựu trung vẫn như đánh giá của Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn học sử yếu: "Về đường văn học, phái ấy đã gây nên cái phong trào “thơ mới” và làm cho thể văn tiểu thuyết được đắc thắng; phái ấy lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giảng, khiến cho nhiều người thích đọc".

Chân dung nhà văn Nhất Linh (sơn dầu của Nguyễn Gia Trí).
Chân dung nhà văn Nhất Linh (sơn dầu của Nguyễn Gia Trí).

Thích dụng nhân tài

Sau 80 năm (1932-2012) nhìn lại, không ai phủ nhận công đầu của người tổ chức, góp phần làm nên cuộc cách mạng văn học ở thế kỷ XX thuộc về Nhất Linh. Chính vì có "mắt xanh" mà ông mới làm được việc đó. Tú Mỡ cho biết, sau khi tốt nghiệp cử nhân Lý - Hóa ở Pháp về, Nhất Linh có mong ước ra một tờ báo trào phúng với hy vọng làm "một cuộc cách mạng trong làng báo quốc ngữ". "Còn cái bằng cử nhân khoa học? Chỉ là cái cứu cánh để phòng xa, nếu làm báo thất bại sẽ ra làm giáo sư cũng tốt. Thế là "tiên vi báo, cáo vi sư", anh muốn bắt cá hai tay. Chu đáo thật!", dẫn theo cuốn “Tiếng cười Tú Mỡ” (NXB Hội Nhà văn).

Nhất Linh đã mua lại tờ báo Phong hóa của Phạm Hữu Ninh đang sống dở chết dở. Ngày 22.9.1932, Phong hóa (bộ mới) số 14 ra mắt bạn đọc Hà thành, trở thành "quả bom nổ giữa làng báo". Từ báo, Nhất Linh bàn bạc và cùng với anh em "làm giàu văn sản trong nước".

Chỉ có 5 người (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng), họ đã làm nên chuyện. Dựa vào khả năng của từng người, Nhất Linh động viên, khuyến khích mỗi người tập trung vào một "mũi nhọn". Chẳng hạn, trước khi Trần Khánh Giư (Khái Hưng) về với Phong hóa đã viết cho một số tờ báo bằng lối văn nghị luận (bút danh Bán Than), văn hoạt kê (bút danh Khái Huyết), thì ở Phong hóa, Nhất Linh đã góp phần tạo nên tên tuổi Khái Hưng. Hồn bướm mơ tiên là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng và cũng là đầu tiên của Tự lực văn đoàn, được Nhất Linh đánh giá là rất "đặc sắc, khác những lối viết truyện xưa nay". Và Khái Hưng trở thành người đổi mới văn chương trong giai đoạn văn học 1930-1945.

Nhất Linh bên mâm cơm gia đình tại Đà Lạt, năm 1956.
Nhất Linh bên mâm cơm gia đình tại Đà Lạt, năm 1956.

Thầy phán Hồ Trọng Hiếu về báo Phong hóa được khuyến khích đi vào lĩnh vực thơ trào phúng và chỉ trong một sớm một chiều tên tuổi Tú Mỡ rực sáng trên văn đàn, "đã khiến mấy anh bạn cũ ở trường Bưởi ngạc nhiên, không tin rằng cái chú ranh con, nghịch ngợm, làm "thơ thối", nay lại thành Tú Mỡ được, và họ đoán rằng viết được như thế, tôi phải được tòa soạn nâng đỡ và sửa chữa cho rất nhiều. Sự thực thì đó chỉ là kết quả của sự "gần đèn thị rạng "mà thôi" (Tiếng cười Tú Mỡ). Trong quá trình làm báo Phong hóa, Tú Mỡ cũng muốn "nhảy" qua một số lĩnh vực khác. Một lần, ông viết gửi cho Nhất Linh một bài phóng sự, nhưng không thấy đăng. Khi được hỏi, Nhất Linh "nói thực ngay, không cần úp mở: "Dở quá! Anh cứ nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn".

 Qua những tư liệu được công bố hơn từ thập niên 40 đến nay, ai cũng nghĩ báo Phong hóa (sau khi đóng cửa có tờ Ngày nay thay thế) "chơi" Tản Đà đến nơi đến chốn. Nhưng thực sự không phải vậy. Họ chỉ phê phán cái tật uống rượu bét nhè của Tản Đà chứ không hề chê nhân cách và thơ văn Tản Đà. Khi Tản Đà nhiều lần thất bại trong nghề báo, Nhất Linh mời Tản Đà cộng tác với báo trong mục dịch thơ Đường. Qua việc này, Tú Mỡ thừa nhận Nhất Linh là người "biết thích dụng nhân tài". Ngày nay, chúng ta có tập Thơ Đường (Tản Đà dịch) là nhờ vào thời gian Tản Đà cộng tác với Nhất Linh.

Người… ngửi thơ số một

Đối với trường hợp Thế Lữ, ta càng thấy Nhất Linh trên cả tuyệt vời. Nghe đến tên tuổi Thế Lữ, hầu hết bạn đọc nghĩ Thế Lữ đến với báo Phong hóa bằng những bài thơ hay của mình. Sự thật không phải vậy, Thế Lữ đến với báo Phong hóa bằng văn xuôi với truyện Thây ma xuống thang gác, ký tên Nguyễn Thế Lữ, đăng báo Phong hóa ngày 23.12.1932. Đây là truyện đầu tiên của Thế Lữ đăng trên báo Phong hóa. Tiếp đến là truyện Con châu chấu ma. Báo Phong hóa số đặc biệt về Tết năm 1933, Thế Lữ mới đăng bài thơ đầu tiên: Con người vơ vẩn (tặng Trần Bình Lộc), rồi mới đến các bài thơ Lựa tiếng đàn, Tiếng chuông chùa và truyện Cô Bụt. Đến thời điểm này, những thành viên chính thức của báo Phong hóa cũng có đăng thơ mới trên báo nhà, như: Tân Việt (Nhất Linh), Tứ Ly (Hoàng Đạo), Việt Sinh (Thạch Lam). Thế nhưng, qua 4 bài thơ của Thế Lữ (số lượng chỉ bằng Lưu Trọng Lư trên báo Phong hóa) và đọc một số bài thơ của Thế Lữ còn ở dạng bản thảo, Nhất Linh đã không chút ngần ngại viết bài Nguyễn Thế Lữ - Một nhân vật mới trong làng thơ mới (báo Phong hóa, ngày 7.7.1933). Ông đánh giá: “Ta không nên sợ cái mới. Sợ cái mới tức là sợ tương lai, tức là có sẵn tính lười biếng chỉ muốn theo con đường cũ vạch sẵn mà đi (…). Về mặt thi ca, ông Thế Lữ cũng là một người trong bọn người không muốn theo con đường cũ vạch sẵn, ông muốn đi tìm một lối khác, tuy chưa biết chắc đưa đến đâu, nhưng lúc ông lần theo lối đó, ông có cái thú của người đi tìm những sự mới lạ”.

Ở bài này, Nhất Linh trích dẫn rải rác các câu trong bài Con người vơ vẩn, Lựa tiếng đàn, Người phóng lãng, Tiếng chuông chùa (đã đăng trên báo Phong hóa) và các bài còn nằm trong dạng bản thảo: Một giấc mơ dữ dội, Nhớ rừng, lại cho đăng riêng bài Trước cảnh trời cao rộng. Từ những gì đã trích dẫn, Nhất Linh viết tiếp: “Tả cảnh, ông tả khác hẳn các nhà thi sĩ xưa nay, điệu thơ ông dùng khác hẳn các điệu thơ khác, ông bỏ hẳn những ý tưởng cũ rích, ông đặt câu, dùng chữ một cách mạnh bạo. Ông thật hoàn toàn là một nhà thơ quả quyết xoay về lối thơ mới”. Cầm trong tay chưa tới chục bài thơ (mới trình làng 4 bài), nói như người xưa là mới… ngửi thơ, mà đã dám viết: “Có cái linh hồn thơ như ông, thêm được cái tài đặt câu, dùng chữ, lại đi vào con đường thơ mới rộng rãi, phong quang thì lo gì sau này ông không có cái tương lai rực rỡ; và làng thơ mới cũng mừng rằng được một người tiên phong có giá trị”, quả Nhất Linh có cặp mắt tinh đời. Và trong thời điểm này, Thế Lữ là thành viên thứ 6 của Tự lực văn đoàn (Nhất Linh, Tú Mỡ, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ).

Qua Nhất Linh, tôi nghĩ đến tên tuổi những người con xứ Quảng trong thế kỷ XX đã góp phần làm đẹp trang sử vàng của dân tộc, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Bình, Nguyên Ngọc, Võ Quảng, Nam Trân… Và tôi tin thế kỷ XXI, xứ Quảng cũng sẽ có những người con như thế và hơn thế, nhất là có được nhiều người có "đôi mắt xanh" trên nhiều lĩnh vực.

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mắt xanh" của một nhà văn xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO