"Mắt xích" đô thị

HỮU PHÚC 17/03/2017 09:49

Các đô thị lớn trong tỉnh đang tận dụng tối đa những lợi thế cạnh tranh của vùng đất để đẩy nhanh chuỗi liên kết, tương hỗ giữa các vùng. Tuy nhiên, các địa phương cần phải có tầm nhìn, chất lượng trong quy hoạch - những yếu tố quyết định số phận của đô thị tương lai.

  • QUẢNG NAM - 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
TP.Tam Kỳ sẽ “trung thành” với mục tiêu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Ảnh: HỮU PHÚC
TP.Tam Kỳ sẽ “trung thành” với mục tiêu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Ảnh: HỮU PHÚC

Phát huy tính khác biệt

Quảng Nam đã hình thành chuỗi đô thị liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên hệ thống phát triển. Đô thị Điện Bàn sinh sau đẻ muộn nhưng phát triển khá nhanh, không chỉ mở rộng Vĩnh Điện - phường trung tâm, mà lan tỏa ra cả vùng ven, trong đó điểm sáng là Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Nếu TP.Tam Kỳ mở rộng không gian đô thị theo chức năng của trung tâm hành chính, thì vùng ven thị xã Điện Bàn hình thành đô thị trên nền tảng phát triển công nghiệp. Lợi thế của địa phương là nằm trong chuỗi đô thị trung tâm vùng Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Nhìn rộng ra, khu vực này là trung tâm kinh tế trọng điểm của miền Trung. Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Trần Úc cho rằng, trong quy hoạch, chính quyền luôn xác định phải liên kết chặt chẽ với TP.Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Các vùng của địa phương cũng phải hình thành chuỗi liên kết. Từ đó, chỉ chọn lọc phát triển công nghiệp nhẹ, giảm bớt áp lực và gánh nặng về lao động, việc làm, nhà ở, hình thành vùng chuyên canh công nghiệp hóa nông nghiệp. Thị xã Điện Bàn không thể  là “đối thủ” trong cạnh tranh với  “thành phố đáng sống” Đà Nẵng và “đô thị già” Hội An. Vì vậy, nơi đây đang bắt đầu chú ý đến những thế mạnh, bản sắc đô thị đặc trưng mà 2 địa phương trên không có.

Hiện nay, Đô thị mới Điện Nam -  Điện Ngọc có tổng diện tích 2.700ha. Các khu dân cư mới, nhà cao tầng san sát mọc lên dọc đường ĐT607A, đường ven biển tại khu vực giáp ranh với TP.Đà Nẵng kéo theo đời sống đô thị sôi động vào loại bậc nhất. Các chính sách bất động sản, việc làm đa dạng ở các khu - cụm công nghiệp đã thu hút dòng người di cư đến tìm việc làm ngày càng đông, làm cho tốc độ đô thị hóa nơi đây phát triển mạnh. Thành công bước đầu của Điện Bàn là định hướng quy hoạch dài hạn phát triển theo dạng tuyến, dải và chuỗi đô thị gắn với các trục kinh tế - đô thị. Điểm nhấn là phát triển mạnh các cực đô thị, cụm đô thị làm động lực phát triển lan tỏa.

Trong khi ở Điện Bàn tốc độ đô thị hóa nhanh thì ngược lại Hội An diễn ra chậm. Du lịch phát triển tạo ra nhiều áp lực lên đô thị. GS-TS-KTS. Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cảnh báo, sự chuyển dịch lao động từ các ngành nghề và vùng miền khác đổ về Hội An làm tăng áp lực giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Sức ép tăng dân số cơ học trong khi hạ tầng của thành phố chưa theo kịp với tốc độ gia tăng dân số. Thực tiễn đô thị cổ rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng cao. Năng lực tài chính hạn chế, gần như các khoản đầu tư hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu phụ thuộc nhiều vào Trung ương. Nhận thấy những sai lầm trong quy hoạch đô thị, thời gian qua chính quyền TP.Hội An đã thay đổi tư duy, định hướng phát triển đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch; tuyệt đối không cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng, resort ở ven biển Cửa Đại.

Du lịch phát triển tạo ra nhiều áp lực lên đô thị Hội An. Ảnh: HỮU PHÚC
Du lịch phát triển tạo ra nhiều áp lực lên đô thị Hội An. Ảnh: HỮU PHÚC

Còn tại Tam Kỳ, thành phố vẫn “trung thành” với định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Kinh tế khu vực đô thị chuyển dịch đúng hướng sang công nghiệp và dịch vụ. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ, thành phố sẽ bám theo đồ án quy hoạch mở rộng Tam Kỳ hướng ra biển mà UBND tỉnh đã phê duyệt; khai thác tối đa lợi thế còn nguyên vẹn cảnh quan môi trường sông - biển - hồ. Khi các trục đường giao thông khớp nối 2 vùng đông - tây, địa phương sẽ chăm chút nâng cao chất lượng đô thị và thị dân. Trước mắt, sẽ tạo cảnh quan, mỹ quan cho đô thị bằng cách cương quyết xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán; đồng bộ hệ thống hạ tầng khung (giao thông chính, cấp nước, thoát nước, xử lý nước và rác thải...).

Đô thị nhỏ nhưng đáng sống

Theo KTS.Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, ngoại trừ “đô thị già” Hội An có bề dày lịch sử và văn hóa, hầu hết đô thị còn lại trong tỉnh đều hình thành non trẻ, quy mô vừa phải. Hình thành chuỗi đô thị là xu thế tất yếu, nhưng thay vì phải đầu tư quy mô, nên chú ý đến chất lượng đô thị nhiều hơn. Nếu đầu tư dàn trải, chắp vá mà yếu hạ tầng khung, chưa định hình rõ lối sống thị dân, thì đô thị đó chỉ là cái xác không hồn.  “Vỏ” phố  nhưng “hồn” quê. Tại các đô thị Hội An, Tam Kỳ, bất cập là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển. Nghĩa là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Về quy hoạch, vướng mắc là chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng; quy hoạch vùng, ngành và các địa phương có sự chồng chéo nhau. Quy hoạch xây dựng điều chỉnh nhiều lần, thậm chí một số nơi phá vỡ quy hoạch, lỏng lẻo quản lý hiện trạng. Ở Tam Kỳ, trước đây quy hoạch các khu dân cư, thành phố dành diện tích đất bố trí cho hạng mục cây xanh, công viên nhưng bây giờ đã chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng. Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ, Tam Kỳ lấy vùng đông để dịch chuyển không gian đô thị là sự lựa chọn thông minh, bởi vùng đông nam của tỉnh sẽ là nơi chọn đầu tư 6 nhóm dự án tầm cỡ. Mặt khác, nơi đây có nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhiều dự án chiến lược, nổi bật là Khu công nghiệp Tam Thăng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ là động lực để phát triển mạnh mẽ đô thị.

“Nhược tiểu” nhất của các đô thị trẻ là sử dụng lãng phí đất đai, hiệu quả thấp trong đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị. Cả đô thị Hội An lẫn Tam Kỳ luôn trong tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa; hạn chế trong xử lý nước thải và thiếu các cơ sở y tế, trường học có thương hiệu, đẳng cấp. Đơn cử là nhiều người dân vẫn đặt niềm tin hơn vào việc chữa trị bệnh tại các bệnh viện lớn của TP.Đà Nẵng. Trước đây các nhà quy hoạch đã “vẽ” ra ý tưởng cao siêu, chính quyền thì lựa chọn nhà đầu tư (doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có đẳng cấp) dễ dãi nên hậu quả trả giá về môi trường, cũng như làm tắc nghẽn con đường phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong các khu kinh tế, đô thị hiện đại.

Động lực để hình thành chuỗi đô thị tương lai là nhiều dự án hạ tầng đã đầu tư dọc tuyến ven biển Quảng Nam để hỗ trợ phát triển du lịch. Quy hoạch đô thị Hội An, Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn hầu như không mang tính cục bộ địa phương mà bám theo quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh nghiệm cho thấy, quy hoạch có tầm nhìn, chất lượng là yếu tố quyết định số phận của đô thị tương lai. Tuyệt đối tránh kiểu quy hoạch tràn lan, chưa phù hợp với thực tế từng địa phương. Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, cùng với nâng cấp hạ tầng đô thị, địa phương sẽ tập trung phát triển các khu - cụm công nghiệp, xem đây là bệ phóng phát triển đô thị gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cạnh đó tạo “mắt xích” với các đô thị lân cận để làm nên sự liên hoàn trong phát triển.

KTS.Trần Bá Tú cho rằng, trong cuộc “chạy đua” xây dựng hình ảnh thương hiệu đô thị, TP.Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn phải tìm cách thoát khỏi tư duy cũ mòn trong phát triển na ná nhau; thẩm định quy hoạch một cách có chất lượng, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, xác định vùng đô thị trọng điểm làm “đầu tàu” kéo các khu vực khác phát triển theo. “Nói chung, đô thị không cần lớn nhưng phải đáng sống và làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Đừng quá sa đà về tầm nhìn mà nên tập trung vào giải quyết triệt để hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đảm bảo các dịch vụ xã hội cần thiết của đô thị văn minh và thông minh” - KTS.Trần Bá Tú nói.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mắt xích" đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO