Vùng Đông của tỉnh được xác định đầu tàu kéo các vùng khác phát triển. Trong tầm nhìn quy hoạch trước đây, đã định hình nhiều lĩnh vực, khu vực có thế mạnh để khớp nối và tạo động lực cho cả vùng. Tuy nhiên, thực tiễn lại đặt ra những nhu cầu mới trong lộ trình phát triển vùng Đông. Quy hoạch vùng Đông giai đoạn mới đã nhìn lại tư duy hạn hẹp của một thời ồ ạt thu hút đầu tư, từ đó vạch ra đường hướng phát triển hài hòa, cân bằng giữa lợi ích kinh tế, ổn định xã hội với bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, sinh thái.
TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng Đông bằng đồ án Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh Quảng Nam (Sở Xây dựng chủ trì) đã kế thừa những “nền móng” cũ và mở rộng thêm không gian với tầm nhìn phát triển bền vững.
Hình thành những vùng động lực
Quy hoạch vùng Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 389, ngày 28.1.2011 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quy hoạch 389). Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch, đồ án đóng vai trò là công cụ điều phối, kiểm soát quá trình phát triển đô thị, nông thôn toàn vùng; là cơ sở cho công tác lập quy hoạch đô thị, nông thôn và các khu chức năng…
Tiếp cận đa chiều để giải quyết những vấn đề cốt lõi
Tại hội nghị góp ý Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh Quảng Nam mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng đơn vị xây dựng đồ án cần có cách tiếp cận mới mẻ, cầu thị, khoa học, không phải chắp nối những cái đang có. Vùng Đông cần nhận diện để tổ chức lại, là vùng đất có thương hiệu, rất đáng sống. Cần cách tiếp cận đa chiều (điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa…) để giải quyết những vấn đề cốt lõi. Cần khảo sát, đánh giá hiện trạng kỹ càng. Định hướng chủ đạo là phát triển bền vững.
Theo quy hoạch, mô hình phát triển vùng Đông theo hình thức đa cụm, kết hợp với các trục kinh tế tỉnh và vùng Duyên hải Trung Bộ. Với 3 cụm động lực chính: cụm động lực số 1 gồm Điện Bàn và Hội An; cụm động lực số 2 là khu vực nam Hội An, gồm Duy Xuyên, Quế Sơn và Thăng Bình; cụm động lực số 3 là khu vực Chu Lai, gồm Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành. Mục tiêu chung là phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng gắn với đặc thù từng vùng…
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, quá trình triển khai quy hoạch, đầu tư các dự án theo quy hoạch vùng Đông vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan đến quy hoạch; sự thay đổi của một số định hướng phát triển đô thị, nông thôn, của từng ngành; nhiều chỉ tiêu, định hướng theo quy hoạch xây dựng đã phê duyệt không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đông là cần thiết, nhằm xác lập hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của vùng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Định hình chiến lược phát triển
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh Quảng Nam xác định phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính 9 địa phương phía đông của tỉnh, gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành với tổng diện tích 2.742km2, dân số gần 1,2 triệu người (theo Quy hoạch 389, diện tích 1.095km2, dân số 794 nghìn người).
Giai đoạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045. Trong khi đó, phạm vi lập Quy hoạch 389 là từ tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về phía đông của tỉnh, chưa gắn với đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo Sở Xây dựng, Quy hoạch 389 không còn phù hợp với các phân vùng lớn được xác lập theo các chủ trương, định hướng, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (các cụm phát triển trong Quy hoạch 389 chỉ bao gồm một phần ranh giới trong quy hoạch vùng Đông, không bao gồm huyện Đại Lộc).
Do Quy hoạch 389 chưa gắn với địa giới hành chính cấp huyện nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong các định hướng có liên quan đến hành chính: ranh giới phát triển đô thị, một số định hướng hạ tầng kỹ thuật…
Trong khi đó, 9 địa phương đồng bằng, trung du của tỉnh có tương đồng về địa chính trị, kinh tế, tự nhiên; có tính liên kết phát triển chặt chẽ, bổ sung cho nhau, không nên tách rời. Việc tách ra sẽ tạo khó khăn trong kết hợp, phát triển hài hòa, đồng bộ...
Điểm mới trong Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh Quảng Nam là xác định tầm nhìn: lấy sự bền vững, sức khỏe và khả năng phục hồi/thích ứng của hệ sinh thái làm chân đế phát triển văn hóa – xã hội và các cụm mục tiêu kinh tế.
Cụ thể, phục hồi hệ sinh thái đặc thù và đa dạng sinh học nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an toàn trước thiên tai; khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước; phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái và du lịch di sản; ưu tiên phát triển công nghiệp xanh…
Mục tiêu tổng quát của đồ án điều chỉnh là xây dựng vùng Đông thành một khu vực quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng; kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Cụ thể, đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; phục hồi hệ sinh thái.
Tổ chức lại và triển khai, đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm dự án trọng điểm vùng Đông nam. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Định hướng tổ chức không gian toàn vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm: không gian xây dựng đô thị, nông thôn; không gian công nghiệp tập trung - tiểu thủ công nghiệp; không gian du lịch; không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; không gian cảnh quan…
Một viễn cảnh phát triển bền vững dựa vào những động lực mới đã được xác lập cho vùng Đông, đang chờ phê duyệt và triển khai trên thực tế.
QUY HOẠCH BÁM SÔNG
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh xác định vai trò đặc biệt của hệ thống sông; được xem là mạch nguồn để hình thành các vùng đô thị, nông thôn xanh, hài hòa với thiên nhiên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hiện trạng
Vùng liên huyện phía đông của tỉnh có hạ lưu sông Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò chảy qua. Trong số 3 con sông này, thì Cổ Cò (qua địa phận TP.Đà Nẵng, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn) “quá nóng” về tốc độ đô thị hóa. Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đang tiếp tục giải phóng mặt bằng, triển khai nạo vét dòng chảy Cổ Cò và lên kế hoạch xây dựng các cây cầu bắc qua sông để phát triển hạ tầng giao thông, tạo điểm nhấn cho cảnh quan kiến trúc và quan trọng phục hồi giao thông đường thủy.
Năm 1999, quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kỳ vọng biến nơi đây thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, du lịch và nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực.
Các khu đô thị ở Điện Ngọc, Điện Dương (Điện Bàn) hay Hội An bám dọc theo hai bờ sông Cổ Cò. Tuy nhiên, nhiều dự án đô thị giải phóng mặt bằng kiểu da beo, thi công dở dang khiến hiện trạng sử dụng đất ven bờ sông nham nhở. Chạy dọc ven sông Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An bây giờ đan xen trong các khu quy hoạch đô thị, bất động sản, nhà ở là những thửa đất nông nghiệp ít ỏi còn sót lại.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng hôm nay vẫn còn đang giải quyết hậu quả việc băm nát quy hoạch chung
Theo UBND thị xã Điện Bàn, 64 dự án trong tổng 79 dự án của Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc đang thực hiện các thủ tục đầu tư (31 dự án đang tổ chức thi công dở dang và 33 dự án chưa xây dựng). Nhiều dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã triển khai thi công trước, làm mất hiện trạng phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Khác hẳn với Cổ Cò, hiện trạng của sông Trường Giang là người dân lấn chiếm lòng sông đặt ngư cụ tự phát, hay đào ao nuôi trồng thủy sản trái phép. Theo kế hoạch, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), năm 2022, Quảng Nam dự kiến sẽ nạo vét sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở với tổng chiều dài 60km, đi qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Bất cập là sông Trường Giang chưa có quy hoạch đồng bộ vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, giao thông đường thủy nội địa.
Lấy sinh thái để sinh lợi kinh tế
Theo Sở Xây dựng, ý tưởng quy hoạch vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Cổ Cò, Trường Giang hoàn toàn không bị trùng lắp, chồng chéo khi xác định nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh; ngược lại còn bổ sung, hỗ trợ cho quy hoạch vùng Đông có chất lượng hơn.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Ngọc Hùng cho biết, vùng hạ lưu sông Thu Bồn có nhiều lợi thế sinh thái, văn hóa, nằm trong tổng thể vùng liên huyện phía đông. Ranh giới quy hoạch con sông này từ cầu Giao Thủy đến cầu Cửa Đại được xác định là vùng hạ lưu con nước động, có diện tích 15.500ha nằm trong ranh giới của Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn và Thăng Bình. Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng vùng hạ lưu sông giúp chính quyền quản lý được hiện trạng, tối ưu hóa lưu vực sông; lấy phát triển để nuôi dưỡng, bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa con sông.
Khu vực ven sông và hệ thống các cồn bãi trên hạ lưu sông Thu Bồn sẽ được quy hoạch theo các phân khu phát triển đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch. Quy hoạch vùng Đông giai đoạn mới sẽ lấy các con sông làm chủ đạo, nên việc lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch xây dựng liên huyện vùng đông tỉnh sẽ triển khai cùng lúc với ý tưởng quy hoạch các dòng sông Trường Giang, Cổ Cò, hạ lưu Thu Bồn.
Theo KTS.Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch), trong nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông Quảng Nam, sẽ đề xuất xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn. Đó là vùng ven sông Thu Bồn gắn với đô thị Hội An và Mỹ Sơn; vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; vùng sinh thái Phú Ninh và một số hành lang xanh nông nghiệp đông - tây.
Bài học chậm quy hoạch cảnh quan sông Cổ Cò đã trả giá đắt khi nơi đây hình thành hàng loạt dự án quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch phát triển trước khi thu hút đầu tư. Không gian kiến trúc cảnh quan gần như bỏ ngỏ và thiếu linh hồn, bản sắc của các đô thị trẻ.
Sở Xây dựng khẳng định, kiểm soát không gian kiến trúc từng công trình dọc sông Cổ Cò là rất cần thiết, muốn vậy phải có sự dẫn dắt của quy hoạch, dù muộn. Trong khi đó, theo kế hoạch nạo vét lòng sông Trường Giang, chính quyền tỉnh đang tính toán thuê đơn vị tư vấn uy tín trong và ngoài nước thực hiện quy hoạch gắn kết biển đến hai bên bờ sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đưa ý tưởng quy hoạch giữ nguyên ruộng đồng thông thoáng ven sông. Trong trường hợp khai thác quỹ đất thì chỉ thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh để thực hiện những dự án quy mô ít nhất vài trăm héc ta. Sông Trường Giang sẽ được quy hoạch đồng bộ từ lòng sông và dọc 2 bên bờ đến tiếp giáp biển; giữ nguyên hiện trạng tự nhiên như vốn có. Các trục giao thông sẽ cách xa bờ sông, chỉ ép sát bờ khi nào địa hình không thể thay đổi được.
LAN TỎA TỪ DỰ ÁN ĐỘNG LỰC
Nhiều dự động lực ở vùng Đông đưa vào khai thác đã giúp các địa phương có nguồn thu ngân sách ổn định, người dân có việc làm, từng bước chuyển dịch lao động hiệu quả.
Hưởng lợi với hạ tầng đồng bộ
Đường Võ Chí Công giai đoạn 2 theo dự kiến cuối tháng 8.2021 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của vùng ven biển, kết nối liên vùng giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuyến đường này hình thành, kết nối các xã vùng Đông của Núi Thành với nhiều địa phương lân cận.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến (Núi Thành) - ông Nguyễn Giúp nói: “Hưởng lợi đầu tiên là ngư dân. Có đường, các loại cá, mực khai thác của ngư dân dễ dàng tiêu thụ khắp vùng”.
Một thời gian dài nhiều địa phương vùng Đông rơi vào cảnh thiếu nước sạch, bởi bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Các dự án quy mô sẽ không thể “chọn mặt gửi vàng” nơi đây nếu như không đảm bảo an ninh nguồn nước. Vì vậy, quy hoạch và xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch đã “đi trước một bước” trước khi thu hút dự án vào đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, đến nay ở vùng Đông dự án cấp nước quy hoạch phục vụ cho từng cụm. Khu vực Duy Xuyên - Điện Bàn - Hội An hiện có 4 nhà máy cấp nước đô thị. Còn khu vực Tam Kỳ - Núi Thành xây dựng 3 nhà máy cấp nước. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh kêu gọi đa dạng hóa hình thức đầu tư dự án nước sạch. Đơn cử, Công ty CP Nhà máy nước Phú Ninh giai đoạn 1 đầu tư nhà máy để có thể nâng công suất hoạt động lên đến 100.000m3/ngày đêm.
Chuyển dịch cơ cấu lao động
Dự án điển hình ở vùng Đông làm thay đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành tạo ra hơn 2.000 việc làm cho lao động địa phương. Tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) gần 1.000 hộ dân giải tỏa trắng, hiện nay đã dần thích nghi với các ngành nghề dịch vụ.
Tại các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình), đã hình thành lực lượng công nhân lao động tại các nhà máy, công ty đóng chân trên địa bàn. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình quả quyết, giá trị từ lao động phi nông nghiệp gia tăng, sẽ tạo động lực cho nhiều địa phương vùng Đông.
Tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) hiện có ít nhất 14 dự án đưa vào hoạt động, 13 dự án đang xây dựng. Theo đó, có khoảng 10.000 lao động phổ thông làm việc.
Tại Núi Thành, các chuỗi dự án động lực vùng Đông do Công ty CP Ô tô Trường Hải làm chủ đầu tư đang làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất. Đó là Khu công nghiệp nông lâm nghiệp tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành), dự án Khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai mở rộng, dự án đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn và khu nhà ở công nhân, tái định cư trong Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tỉnh đã xác định rõ 6 nhóm dự án động lực vùng Đông nam, nhiệm vụ quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, để có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Sắp tới, vùng đông sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.