Tàu rời ga, lui lại phía sau những cao ốc, ồn ào, khói bụi thành phố. Anh ngồi bên ô cửa sổ, lặng lẽ. Nắng len qua tấm rèm hoa nhỏ li ti, chơi trò xếp hình lên những ô cửa.
Anh kéo tấm rèm che sang hai bên, ngoài kia, từng mảng mây trắng xốp thong thả trôi trên bầu trời xanh thẫm. Tàu vừa ngang qua cánh đồng lúa gặt xong còn trơ gốc rạ, vài chú trâu nhẩn nha dưới đồng. Bầy sẻ cất cánh vù ra từ lùm cây nhỏ. Vài khoảnh khắc đó đánh thức trong anh cảm giác bình yên hay còn bởi chuyến tàu đang đưa anh về làng cũ.
Ngôi làng từ khi anh thơ bé đến giờ vẫn giữ lại được nhiều nếp xưa. Như chợ Gũ còn họp theo phiên, ký ức có những ngày nghỉ học ngồi bên sạp hàng nhỏ của mẹ tảo tần. Lớn thêm chút nữa, lúc biết thương thầm một đôi mắt đen thì anh không còn ra chợ. Mới đó mà thật nhanh. Giờ anh ở thành phố, siêu thị tiện lợi mở cửa cả ngày đêm, có lúc nhớ mùi chợ, nhớ tiếng xôn xao quá chừng…
Anh vừa xuống ga gặp bác xe ôm đang ngồi chờ khách đầu quốc lộ. Xe chạy thêm mười mấy cây số nữa trên con đường đất đỏ quen thuộc là về đến nhà. Ngồi sau lưng áo cũ sờn, loang mồ hôi nồng khét, anh chợt nao lòng thương, thương cả những làn bụi đỏ, những ổ gà xói lở, dốc lên dốc xuống của con đường.
Dặn bác gần tới giếng Bồng cho anh dừng chân. Giếng Bồng được dân làng xây bằng đá tổ ong, từ thuở nào anh không biết. Chỉ biết nước giếng Bồng đầy ăm ắp, mát trong, xanh thăm thẳm, soi một khoảng trời quê. Từ giếng Bồng anh đi thẳng qua con dốc trước mặt là tới nhà.
Ngõ nhà xanh mướt những cây tre cao vút ríu rít tiếng chim. Sân nhà vắng lặng. Cửa nhà trên để mở, không có ai, anh ngó quanh, có tiếng nước chảy bên thềm giếng. Nhìn từ phía sau, vai mẹ gầy quá. Lưng mẹ cúi xuống, cong cong. Nơi vạt nắng chiều xiên ngang bóng mẹ, sao thương thật thương.
“Mẹ!” - nghe tiếng anh gọi mẹ giật mình quay lại. Mẹ chống hai tay vào đầu gối vịn đứng lên, bỏ quên nước chảy từ chiếc vòi đầy rêu xuống chậu rau xanh mướt. “Về rồi à con. Đi xe đường xa có mệt? Bữa trước thấy có con chim lạ về đậu trên tán cây xoài, hót vang. Mẹ nghĩ sắp có chuyện vui, thế mà con về thật. Mà sao hai anh em không rủ nhau cùng về?”.
Nắng chiều đã nhạt dần đầu ngõ. Mây kéo nhau đi trôi dạt về cuối trời. Mẹ vội đi thổi cơm. Những dải khói màu lam nhẹ bay trên vòm bếp. Nhiều lần anh xót ruột nói mẹ chuyển sang nấu bếp gas cho tiện, mẹ già rồi, một mình ăn uống đâu có là bao mà sớm tối cứ tèm nhèm củi lửa. Nhưng mẹ bảo gần cả cuộc đời đã thân quen mùi khói mất rồi. Chợt nhận ra cuộc sống vội vã có bày biện ra bao thứ hiện đại tiện nghi cũng chẳng mảy may len lỏi vào chái bếp nhỏ giăng bồ hóng này và cả ngôi nhà bình yên nữa.
Mẹ trải chiếu ra hiên. Anh bưng mâm cơm đặt lên giữa chiếu. Bữa cơm có canh cá lóc nấu chua, tép đồng rang khế, ốc xào chuối đậu, toàn những món anh thích. Ở phố những món đồng quê như thế này nào có thiếu gì, nhưng cảm giác đâu ngon như của mẹ. Ánh trăng soi tỏ rõ, sóng sánh trong bát canh, bóng mẩy từng hạt cơm trắng, mẹ hỏi: “Cơm gạo mới gặt, có ngọt dẻo như cơm thành phố không con?”. Cả đời mẹ nào được đi đâu xa mà biết, gạo ở phố, hạt nào cũng đánh bóng căng tròn, không lo mối mọt, vo gạo nước trắng tinh nhưng nấu thành cơm thì nhàn nhạt.
Ngồi bên thềm nhìn trăng đổ dài ăm ắp khoảng sân gạch đỏ nhớ những đêm sáng trăng anh cùng bạn đánh khăng đánh đáo. Mái ngói rêu xanh, mưa xong chim sà xuống chấp chới chân. Còn hai anh em hò nhau tắm mưa, sân gạch rêu trơn trượt, nào đếm hết những lần ngã đau. Khi ấy, mẹ vừa xoa dầu cù là vào đầu gối cho hai anh em vừa dặn, ngã phải biết tự mình đứng lên, ngã đau thì nhớ lâu. Sau này thêm nhiều lần ngã, chỉ khác không phải trên sân rêu nhà mẹ, ngã giữa cuộc đời, anh học khôn thêm chút ít.
Thềm nhà hướng nam đón gió về mát rượi. Mẹ lại hỏi: “Mà ngoài đó con ăn uống thế nào. Ba mấy tuổi đầu sao không thấy tính chuyện vợ con”. Mẹ chờ mong. Còn anh chưa muốn nói cho mẹ biết tỏ tường chuyện tình cảm làm gì. Chưa đâu vào đâu cả biết nói thế nào. Nỗi buồn khẽ trượt qua trên khuôn mặt nhiều vết đồi mồi của mẹ.
Anh vội nói vài lời cho qua chuyện cũng là để mẹ an lòng: “Mẹ đừng lo. Ở thành phố người ta lập gia đình muộn lắm, con gái ba mươi đâu vội lấy chồng. Chuyện trăm năm chờ duyên mẹ ạ”.
Nhớ hồi hai mươi bảy tuổi anh cũng đã yêu. Mà cũng không hẳn vậy. Bởi khi ấy anh và người ta cùng đồng ý cho nhau cơ hội. Có một lần, anh đưa người ta đến quán cà phê nghe nhạc.
Suốt buổi tối cả hai không nói năng gì, chỉ ngồi im nghe người con trai trên sân khấu hát về câu chuyện tình đầu mỏng manh rạn vỡ của đôi trai gái nào đó, rất xa xôi, thế thôi. Nhưng người ta buồn rơi nước mắt, những ngón tay rối bời khuấy tròn tách cà phê mãi không chạm môi. Anh buồn nhớ về một đôi mắt đen, thẳm sâu. Thế là đồng ý chia tay nhau...
Cô gái trẻ bước vào sân, những bước đi sải nhanh, trên tay cầm chiếc rổ nhỏ. Đến thềm, cô gái lấy đĩa bánh trong rổ đưa cho mẹ anh nói: “Gạo mới, mẹ con làm ít bánh lá biếu bác và anh ăn lấy thảo. Anh Du mới về ạ, bữa nào qua nhà em chơi”.
Anh gật đầu cười, gặp lại một đôi mắt đen, đã thương. Đôi mắt sao giống đôi mắt Dịu ngày xưa quá. Ngày Dịu lên xe hoa về làm dâu phố huyện, anh còn đang theo chân công trình mãi ở tận nơi nào, lúc trở về, chỉ còn xác pháo. Qua ngõ nhỏ có giậu rào hoa dâm bụt đỏ, đứng chết lặng, rồi ngược về nhà đạp xe một mạch ra bờ sông cũ. Bờ sông ào ạt gió.
Những cánh chuồn chuồn mỏng chấp chới bay trên triền hoa mua dại, tím nhức nhối. Hôm ấy, nước mắt anh đã chảy. Nước mắt của thằng con trai hai ba tuổi khờ khạo. Bao nhiêu lần mẹ đùa hay sau này Dịu về làm con dâu của mẹ. Là bấy nhiêu lần anh chờ mong Dịu sẽ nói gì. Nhưng Dịu đâu nói gì. Dịu chỉ bẽn lẽn cười, im lặng. Im lặng mà anh hiểu. Tình yêu Dịu đã gửi về phía bên kia sông. Tình đầu buồn như chiếc lá…
Mẹ mỏi lưng đi nằm sớm. Anh muốn đi loanh quanh đường làng ngó trăng, hít hà hương quê. Làng quê về đêm tĩnh mịch, rộn ràng nói cười ban ngày đã thu về bên trong từng căn nhà nhỏ.
Lúc đi ngang qua vòm cây trứng cá, loang loáng dưới ánh trăng những bông hoa trắng, trong veo, bình dị rớt trên vòm lá xanh mà biết thương nhớ những ngày tháng cũ. Gió cứ đuổi nhau vít qua những ngọn tre cao vút, rít lên từng hồi, sâu hun hút. Ngày nhỏ có lần đi chơi về khuya, qua bụi tre nghe tiếng gió thế này anh rùng mình co chân bỏ chạy thật nhanh.
Cái ý nghĩ sợ ma giờ khiến anh bật cười, khờ khạo. Tiếng ếch nhái ngoài đồng rộ lên từng tràng. Có vì sao lẻ bạn nào rớt xuống đêm nay. Đến cuối con đường nghĩ thế nào anh đi vào ngõ nhỏ có giậu rào hoa dâm bụt đỏ ngày xưa giờ đã xây tường gạch đỏ.
Đứng sát bờ tường, trông vào thấy cô gái nhỏ hồi tối qua nhà đang ngồi bên cửa sổ cặm cụi thêu tranh. Cô nhỏ ngày nào còn bám chân Dịu đi chơi giờ đã thành thiếu nữ, đôi mắt giống Dịu, thẳm sâu.
Hình như gió buông rơi thứ gì xuống tóc, anh đưa tay lên tìm, dưới ánh trăng bông hoa khế tím biếc. Chao ôi, cái màu tím bẽn lẽn, mỏng manh, dịu dàng. Ngước nhìn lên gặp biết bao bông nhỏ xinh như thế đã trổ tím những nách lá, đầu cành. Tưởng như gặp lại giấc mơ của ngày thơ ấu.
“Cậu có nhìn thấy con bướm to rực rỡ sắc màu đang đậu trên cành khế kia không?”. “Đâu nào?”. “Kia kìa, nhìn theo tay tớ”. “A thấy rồi, cậu thích không, tớ bắt nhé?”. “Thôi đừng, để yên nó đang bận suy tư đấy”. “Một con bướm thì suy tư về điều gì được, cậu nói xem”.
Cuộc đối thoại của hai đứa nhỏ kết thúc bằng tràng cười của anh và sự giận dỗi của đôi mắt đen. Bọn con gái ấy mà, thật là khó hiểu… Lòng nhẹ thoảng như một vệt gió, khẽ hát lại bản tình ca ngày cũ. Bản tình ca ấy, bao lần anh ngồi hát một mình trong những buổi chiều nhớ nhung đôi mắt xưa. Chuyện đã qua lâu rồi…
Anh về đến nhà trời đã khuya. Bước ra bể nước rửa tay chân cho sạch mồ hôi, bụi bặm, mới hay trong tay còn vương bông khế tím. Cầm cái gáo dừa khua nhè nhẹ, ánh trăng trong bể lóng lánh loang ra, nước mát lạnh. Không biết mẹ đã ngủ hay chưa, nhưng chiếc đài đặt ở đầu giường vẫn đang hát bài ca cải lương. Bài ca mẹ nghe từ ngày anh còn bé xíu.
Mẹ bảo cây cỏ thì thầm những câu chuyện riêng, con người muôn đời làm sao hiểu hết được, như chuyện con bướm suy tư ngày xưa ấy. Anh nằm nghe tiếng gió khua lòng. Thấy gió đem theo cánh hoa đậu lên khung cửa sổ khẽ khàng như sự dịu dàng của Thụy. Ý nghĩ của anh chảy về thành phố, không biết giờ này Thụy đang làm gì nhỉ.
Anh luôn tin vào sự đưa đẩy của nhân duyên. Nhưng anh cũng tin, nếu hành trình trưởng thành là đối diện với mất mát thì những cảm xúc bâng khuâng, rung động, thiết tha một cách vẹn tròn là điều cần phải học cách nâng niu, gìn giữ mới có được. Tình yêu sẽ neo vào giấc mơ đêm nay, trong ngôi nhà và khu vườn xanh yêu thương của mẹ…