Vượt qua gian khó, sự chung tay, đồng hành của người dân và cả hệ thống chính trị xã Tam Sơn (Núi Thành) đã chạm tới dấu mốc lớn khi được công nhận xã nông thôn mới.
Gian khó một thời
Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã Tam Sơn đạt 42,9 triệu đồng (tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo từ 31,52% (371 hộ) năm 2010 giảm còn 4,68%. Tổng chiều dài hơn 6km đường trục chính thôn đều được bê tông hóa đạt chuẩn; không còn đường ngõ xóm lấy lội vào mùa mưa. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2021 là 4.050/4.656, đạt 86,98%... Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM đến năm 2021 hơn 86,6 tỷ đồng.
Ông chủ quán ăn nhỏ ở thôn Thuận Yên Đông, nằm gần UBND xã quả quyết, những người từng đến đất Tam Sơn chừng mươi, mười lăm năm trước giờ trở lại, chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng với những đổi khác của miền quê “nửa núi, nửa sông” - cách ông gọi vui về miền đất. Ông tên Nguyễn Lương Thông, đã 59 tuổi, có gần nửa đời gắn với tiệm ăn nhỏ của mình.
“Thời trước, chỉ mở quán bán cho vui, chứ khách khứa làm gì có. Chúng tôi muốn lên đến trên này, phải đi bằng đò từ đập tràn, một ngày hai chuyến, phận lụy đò thăm thẳm suốt nhiều năm.
Chừng chục năm trở lại đây, mọi thứ dần đổi thay, điện, đường, trường trạm, đời sống cũng khá lên. Nhà tôi xưa chủ yếu làm nông, nay nhờ đường sá thông thương, có người lên kẻ xuống, việc bán buôn cũng thuận hơn nhiều. Đời sống, rõ ràng phát triển hơn trước” - ông Thông nói.
Hằn khắc trong trí nhớ ông Thông và nhiều người dân Tam Sơn thuở trước, là những gian khó trập trùng vây lấy những ngôi làng nhỏ nép bên lòng hồ, dựa lưng vào đồi núi. Trước năm 2010, đường liên xã Tam Trà, Tam Thạnh (Núi Thành), Tam Lãnh (Phú Ninh) còn là đường đất sét, đồi núi bao quanh.
Dân cư thưa thớt, nhà dân không tập trung, người dân đi lại chủ yếu bằng xe đạp hoặc đi bộ, xe máy cũng là thứ xa xỉ đối với nhiều gia đình. Các thôn Thuận Yên, Danh Sơn còn phải lụy đò, học sinh ở hai thôn này mỗi lần đến lớp phải đi đò qua sông Mùi, chưa kể trường học tạm bợ, điều kiện dạy học quá nhiều thiếu thốn.
“Nhắc về quá khứ, Tam Sơn là xã quá nhiều khó khăn. Điện sinh hoạt thiếu và yếu, nhiều gia đình vẫn thắp đèn dầu. Trạm y tế chưa đạt chuẩn, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng tốt phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Về kinh tế, người dân sống chủ yếu bám vào nông nghiệp là chính, trồng lúa trồng khoai, nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, chưa có đập dâng, kênh mương dẫn nước…
Kinh tế chưa phát triển, hạ tầng cũ kỹ, nên điều kiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân cũng vì thế mà hạn chế hơn nhiều so với địa phương khác” - ông Nguyễn Xuân Công, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn nhớ lại.
Khởi sắc nông thôn
Nông thôn mới (NTM) như một cú hích quan trọng, tạo động lực cho Tam Sơn đi nhanh và xa hơn trong chặng đường phát triển của mình. Năm 2010, địa phương chính thức phát động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Rất nhanh sau đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, chung tay dựng xây từng tiêu chí cụ thể. Bộ mặt nông thôn xã Tam Sơn đã thay đổi toàn diện theo đúng phương châm “Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới”.
Mạng lưới điện được phủ khắp toàn xã, tất cả hộ dân được sử dụng điện an toàn trong nhà phục vụ sinh hoạt, điện thắp sáng bằng năng lượng được lắp đặt hầu hết các tuyến đường liên xã, liên huyện.
Đáng chú ý, thay cho những con đường đất “nắng bụi, mưa bùn” ngày nào, đường giao thông được nhựa hóa, cứng hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, các tuyến đường liên thôn đều được bê tông hóa.
Những ngày tháng lụy đò đối với người dân Danh Sơn, Thuận Yên Tây, Mỹ Đông cùng lùi xa, khi cây cầu Thuốc Hột bắt qua sông Mùi được hoàn thành, nối liền các thôn khác, nhân dân, học sinh đi lại thuận tiện hơn.
Cơ sở vật chất các trường học đáp ứng đảm bảo nhu cầu dạy và học của học sinh, các cơ sở trường mới được đầu tư xây dựng khang trang. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Trong chặng đường dài dựng xây để đến hôm nay, xã Tam Sơn chính thức được công nhận là xã NTM, có công sức của rất nhiều thế hệ người dân Tam Sơn. Cả những người con địa phương làm ăn, sinh sống nơi xa cũng ủng hộ, góp sức.
Mọi người tự nguyện hiến đất, hiến cây cối hoa màu, tự góp tiền làm đường, góp ngày công lao động. Cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đã được người dân tiếp cận kịp thời và đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất tại địa phương như tiếp cận nguồn vốn khuyến nông, khuyến lâm, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, một số mô hình trong nhân dân đã phát triển mạnh, tạo được nguồn thu nhập ổn định như mô hình trồng tiêu ở thôn Thuận Yên Tây, mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn toàn xã, mô hình trồng chè Đức Phú, trồng rau sạch…
Địa phương cũng đã vận động thành lập Hợp tác xã Chè Đức Phú để liên kết tiêu thụ sản phẩm, trồng và chế biến chè Đức Phú để góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân.
Môi trường nông thôn cũng được quan tâm, nhiều phong trào hiệu quả, thiết thực ra đời, giúp cho diện mạo của xã khởi sắc hơn so với trước” - ông Nguyễn Công Hiệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho hay.
Sẽ còn nhiều việc phải làm, để nâng cao từng tiêu chí trong xây dựng NTM, để phấn đấu vì mục tiêu cao hơn: xây dựng Tam Sơn thành xã NTM nâng cao giai đoạn 2022 - 2025. Nhưng những đổi thay của ngày hôm nay là minh chứng cho nỗ lực, tạo niềm tin, tiền đề để tiếp tục xây dựng quê hương Tam Sơn phát triển bền vững.