Mẫu người văn hóa tiên phong

PHẠM PHÚ PHONG 10/02/2013 14:40

Nếu văn hóa là những thành tựu về vật chất và tinh thần do con người tạo ra, thì với xứ Quảng còn phải có thêm phẩm chất tiên phong, mở đầu trong tư duy và hành động của mẫu người mới làm nên “mẫu gốc” của những nhà văn hóa.

Người ta nói nhiều đến tính cách “Quảng Nam hay cãi”, cũng hàm nghĩa về phẩm chất tư duy trong đời sống tinh thần đưa đến hành động, việc làm của con người xứ Quảng: luôn nhạy bén với cái mới, có tư duy đổi mới, thích ứng với sự vận động, đổi thay và phát triển. Vì vậy, nhu cầu tự thân của những phẩm chất làm nên “danh sĩ đất Quảng” (danh sĩ chứ không phải kẻ sĩ như “kẻ sĩ Bắc hà”) đã là một “thương hiệu” đậm đặc chất liệu được sàng lọc qua bao đời tạo nên, xuất phát từ tư duy và hành động có ý nghĩa tiên phong, đi đầu, thậm chí đi trước thời đại.

Viếng mộ cụ Phạm Phú Thứ ở Điện Bàn. Ảnh: H.X.H
Viếng mộ cụ Phạm Phú Thứ ở Điện Bàn. Ảnh: H.X.H

Văn hóa Việt Nam không cao siêu, trừu tượng, không sặc mùi lý thuyết mà rõ ràng cụ thể, biểu hiện qua văn hóa ứng xử, văn hóa hành động. Khi đất nước có kẻ thù xâm lược, người có văn hóa cao nhất là người hành động cứu nước, chống xâm lược. Trào lưu yêu nước có tổ chức, có quy mô lớn và có ý nghĩa bạo lực cách mạng đầu tiên ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX là phong trào Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến... hưởng ứng hịch Cần Vương đã khởi nghĩa, lập “Tân tỉnh”, lập nên cả vùng kháng chiến, làm thực dân Pháp phải khiếp sợ. Tiếp đến là phong trào yêu nước lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nổ ra đầu tiên ở Quảng Nam là phong trào Duy tân, mà những người tiên phong khai mở và lãnh đạo chủ chốt vắt ngang qua hai thế kỷ là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Cả ba nhân vật này đều nổi tiếng học giỏi, đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà dốc lòng, dốc chí vào công cuộc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, canh tân đất nước với mục tiêu tự cường, làm cho dân giàu nước mạnh, bất kể gian khổ và nguy hại về tính mạng.

Lênin, bấy giờ đang làm cách mạng bên trời Âu, cũng đã nhìn thấy: “Ở An Nam, nhân dân đã vùng lên đấu tranh vũ trang chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng Á Đông”. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên của biểu trưng 2 lá cờ khởi nghĩa: lá của cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam 1916 nền trắng, thêu chiếc búa màu đen; còn lá cờ của Cách mạng tháng Mười 1917 nền đỏ thêu lồng cả búa và liềm. Đó là chính là sự gặp nhau của tư tưởng bạo lực cách mạng của thời đại.

Phong trào Duy tân xuất phát từ Quảng Nam và lan tỏa cả nước, được tiếp nối bởi Việt Nam quang phục hội. với 2 nhân vật tiêu biểu người Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân, đã đánh thức lòng yêu nước của vua Duy Tân, làm nên cuộc khởi nghĩa năm 1916, không chỉ vang dội cả nước mà còn có ý nghĩa quốc tế. Chính Lênin, bấy giờ đang làm cách mạng bên trời Âu, cũng đã nhìn thấy: “Ở An Nam, nhân dân đã vùng lên đấu tranh vũ trang chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng Á Đông” (Phong trào giải phóng của các dân tộc ở phương Đông, Nxb Sự thật, 1963, tr.125). Có sự trùng hợp ngẫu nhiên của biểu trưng 2 lá cờ khởi nghĩa. Lá của cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam 1916 nền trắng, thêu chiếc búa màu đen với hàm ý chiếc búa của người nước Nam sẵn sàng đánh tan thực dân Pháp (do cách giải thích chữ Việt trong tên nước Việt Nam không phải là động từ vượt mà là danh từ cái búa). Lá cờ của Cách mạng tháng Mười 1917 nền đỏ thêu lồng cả búa và liềm. Đó chính là sự gặp nhau của tư tưởng bạo lực cách mạng của thời đại.

Về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Phạm Phú Thứ là người tiên phong học và dạy cách làm xe đạp nước tưới ruộng, cho in và phổ biến những cuốn sách viết về khoa học kỹ thuật tiên tiến của Âu Tây như Bác vật tân biên (Sách mới viết về khoa học), Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai thác mỏ), Hàng hải kim châm (Cách thức đi biển), Vạn quốc công pháp (Cách thức giao thiệp quốc tế)... Đó là những ghi chép và thu hoạch của ông trên đường đi sứ sang Pháp và ghé thăm một số nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Ông được đánh giá là có đầu óc canh tân, rất nhạy bén với công cuộc cải tiến kỹ thuật. Trên đường đi sứ sang kênh đào Suez (Ai Cập), ông đã vẽ kiểu xe đạp nước và khi về nước cho đóng hàng loạt để phục vụ tưới nước ở các vùng của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Phạm Phú Thứ cũng là người đầu tiên cho in sớm nhất các cuốn sách nói về khoa học kỹ thuật ở Việt Nam. Phạm Phú Thứ là nhà khoa học thực nghiệm, khi làm Tổng đốc An Hải (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) đã vận dụng những kiến thức trong Khai môi yếu pháp, cho khai thác mỏ than đầu tiên ở nơi đây.

Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thu hút quá nhiều những mẫu người văn hóa tiên phong ở Quảng Nam. Có lẽ, không nơi đâu có đội ngũ đông đảo những người mở đầu trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật như nơi đây. Lương Khắc Ninh, người đứng ra thành lập tờ báo kinh tế đầu tiên ở nước ta, tờ Nông Cổ mín đàm (1901), cũng là tờ báo đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết (1905); người đầu tiên đề xuất tên gọi loại hình nghệ thuật cải lương (1917) là loại hình vận dụng làn điệu đàn ca tài tử vào hát và diễn các tuồng tích cũ; người đầu tiên đưa hát bội xứ Quảng sang biểu diễn ở Pháp (1922). Huỳnh Thúc Kháng ngoài vai trò của một lãnh tụ phong trào Duy tân, Bộ trưởng và Quyền Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, còn là người đứng ra thành lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ, tờ Tiếng Dân (1927). Phan Khôi với bài thơ Tình già (1932) đã mở đầu cho phong trào thơ mới, cùng với lời tự giới thiệu và thuyết minh Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Huỳnh Thị Bảo Hòa với cuốn tiểu thuyết phóng tác Tây phương mỹ nhơn (1927) được coi là “người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết” quốc ngữ. Nhất Linh cùng với các em ruột Hoàng Đạo, Thạch Lam là những người chủ trương các tờ Phong hóa, Ngày nay được coi là ngọn cờ trung tâm mở đầu cho chủ nghĩa lãng mạn và với Tự Lực văn đoàn được coi là tổ chức nghiệp đoàn văn học đầu tiên ở nước ta.

Có thể kể thêm Lê Văn Hiến - nhà văn, nhà cách mạng, từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại sứ Việt Nam tại Lào, với Ngục Kon Tum (1938) được coi là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của dòng văn học cách mạng nước ta. Nguyễn Đình - nhà giáo, nhà thơ trào phúng, người đầu tiên nghiên cứu Luật hỏi ngã (1939) của tiếng Việt. Lê Đình Thám - Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới đầu tiên của Việt Nam (1949-1954), người đầu tiên phát minh ra sérum (1926) được giới y học thế giới nể trọng, sáng lập An Nam Phật học hội (1928), sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đầu tiên nguyệt san Viên âm (1929), sáng lập Đoàn Thanh niên Phật tử Việt Nam (1940)...

Chỉ lướt qua bấy nhiêu gương mặt, bấy nhiêu nhân cách kể trên cũng có thể khẳng định: Văn hóa Quảng Nam, ngoài những phẩm chất chung của truyền thống văn hóa Việt, còn là văn hóa tiên phong, thể hiện cốt cách, tinh thần và tầm vóc lịch sử - thời đại của con người xứ Quảng.

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẫu người văn hóa tiên phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO