Máu rừng vẫn chảy…

ALĂNG NGƯỚC 02/04/2018 09:08

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cánh rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng được phát hiện tại địa bàn các huyện miền núi, từ Tiên Phước, Bắc Trà My cho đến Đông Giang, Nam Giang. Trong khi công tác quản lý ngày xuất hiện thêm nhiều lỗ hổng, phía núi “máu rừng” vẫn tiếp tục đổ xuống…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại Đông Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại Đông Giang.

TRIỆT HẠ RỪNG LIM CỔ THỤ

Vụ phá rừng ở Đông Giang chưa kịp nguôi, chúng tôi đã lại tận mắt chứng kiến trên một khu đất rộng chừng chưa đầy héc ta tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung (thuộc địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang).

Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi ghe quanh lòng hồ thủy điện, rồi ngược núi hiểm trở, phóng viên Báo Quảng Nam mới tiếp cận được hiện trường nơi cánh rừng lim xanh quý hiếm bị lâm tặc “hạ sát” một cách không thương tiếc, nhiều cây dấu cưa còn khá mới. Nhiều người dân địa phương cho biết, rừng lim quý hiếm này có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Sông Bung (Chi cục Kiểm lâm tỉnh). Điều đáng nói, mặc dù rừng bị tàn phá với quy mô lớn nhưng cơ quan chức năng không phát hiện ra để kịp thời ngăn chặn.

Hiện trường vụ phá rừng lim xanh quý hiếm xảy ra tại huyện Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hiện trường vụ phá rừng lim xanh quý hiếm xảy ra tại huyện Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Xẻ thịt” rừng xanh

Trưa 31.3, sau một hồi lưỡng lự, người dân địa phương đã đồng ý dùng ghe chở chúng tôi đến cửa rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Ghe vừa cập bờ, cửa rừng nguyên sinh hiện ra trước mắt với những phách gỗ được tập kết. Chúng tôi men theo đường mòn vận chuyển gỗ của lâm tặc đi xuyên núi dưới rừng cây rậm rịt và dốc đứng. Một lán trại của lâm tặc ngay bìa rừng, cạnh con suối nhỏ vẫn còn nguyên một số đồ dùng, được che phủ bởi tấm bạt loại lớn. Tiếp tục ngược núi, những gốc cây lim xanh đầu tiên được phát hiện, nằm ngổn ngang nơi sườn núi. Những khúc gỗ bi tròn đường kính 1-2m, có cây đã bị xẻ hơn nửa, còn sót lại hiện trường, bên những cây lim đã được cưa thành phách. Trên mặt đất, lớp mùn cưa vẫn còn rất tươi, cho thấy cây mới bị triệt hạ chỉ chừng vài ngày trước. Cách đó không xa, một gốc cây lim cổ thụ khoảng hơn 4 người ôm bị chặt hạ còn nguyên thân cây dài khoảng 50m nằm vắt ngang góc rừng phòng hộ. Trên vài gốc lim, nhựa cây rỉ ra vẫn chưa kịp khô.

Theo quan sát của phóng viên, phần lớn số gỗ đã được chuyển đi, theo đường trâu kéo còn in lằn trên mặt đất. Nhiều nhánh rẽ đường trâu kéo trong rừng được lâm tặc tạo ra, trên mỗi nhánh rẽ có 2 - 3 gốc lim bị đốn hạ, trơ gốc giữa rừng già. Nguồn tin của phóng viên cho hay, trước đây cánh rừng gỗ lim quý hiếm này luôn được người dân địa phương gìn giữ nguyên vẹn. Nhưng vài năm trở lại, khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước đã tạo cơ hội để lâm tặc lợi dụng khai thác gỗ rừng. Có 2 cách vận chuyển gỗ, hoặc là kéo trâu đường rừng về một địa điểm của xã Chà Vàl, hoặc vận chuyển theo khe suối, rồi di chuyển theo lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 để đưa về xuôi tiêu thụ. Ngay sau khi vụ phá rừng được phát hiện, một điểm chốt chặn của BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung được dựng lên tại ngã ba lòng hồ thủy điện, cách đây hơn 2 tháng.

Chính quyền bất ngờ!

Theo phản ảnh của một số người dân địa phương, tình trạng khai thác gỗ lim xanh trái phép tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã xảy ra từ nhiều năm nay với quy mô lớn nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng lại không hay biết (!?). Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn. Ông Trần Lanh - Hạt trưởng kiêm Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung cho rằng, lâu nay lãnh đạo ban đã chỉ đạo nghiêm túc, phân công trách nhiệm với kiểm lâm địa bàn rất rõ ràng trong việc giữ rừng phòng hộ trên lâm phận đã được giao quản lý. Từ trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm cũng đã tổ chức đi kiểm tra truy quét nhiều đợt nhưng không lường trước được tình hình. Cán bộ kiểm lâm địa bàn báo cáo tình hình đã giảm nhưng không ngờ sau tết, khi đồng loạt tổ chức truy quét với quy mô lớn lại phát hiện vụ việc. Cho rằng bản thân vừa mới về nhận công tác tại BQL chỉ được vài tháng, ông Lanh nói cũng không nắm hết được vấn đề liên quan đến các “điểm nóng” phá rừng trên lâm phận quản lý.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - bà Phạm Thị Như nói, địa phương rất bất ngờ sau khi nhận được thông tin xảy ra phá rừng với quy mô lớn tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Bởi lâu nay tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện đã có chiều hướng giảm, giảm cả việc người dân địa phương phát nương làm rẫy. Tuy nhiên, không ngờ chỉ trong thời gian ngắn, qua công tác kiểm tra, truy quét của lực lượng chức năng lại phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn xã Chà Vàl. Bất ngờ hơn, khu vực rừng phòng hộ bị xâm hại đã được giao khoán cho các nhóm hộ quản lý, và lâu nay cũng thường xuyên làm tốt công tác phối hợp tuần tra, truy quét… Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khu rừng lim bị tàn phá thuộc tiểu khu 335 (địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl), với có 34 cây gỗ rừng tự nhiêm bị chặt hạ (gồm 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235m3. Trước đó, vào đầu tháng 3.2018, cơ quan chức năng địa phương cũng phát hiện một vụ phá rừng lim xanh xảy ra tại xã khu vực Khe Bưa (xã Tà Pơơ, Nam Giang), với khối lượng khoảng 30m3. Vụ án sau đó đã được khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan để tiếp tục mở rộng công tác điều tra. Điều đáng nói, khu vực rừng bị xâm hại cũng thuộc lâm phận quản lý của BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

ALĂNG NGƯỚC

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM, XỬ LÝ NGHIÊM

Trước tình trạng rừng phòng hộ liên tục bị tàn phá trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, đã có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ lâm phận của chủ rừng. Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm.

Do lực lượng mỏng(!)

Không phải cho đến bây giờ câu chuyện về trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được nhắc đến. Mà trong tất cả cuộc họp liên quan đến rừng, công tác quản lý, cũng như trách nhiệm của các chủ rừng, các ban quản lý (BQL) luôn được đưa ra để nhìn nhận trước tình hình thực tiễn. Nhưng, có một trùng hợp không ngẫu nhiên là cứ sau mỗi vụ phá rừng được phát hiện, trong số rất nhiều nguyên nhân, “lực lượng quá mỏng so với diện tích rừng quản lý”, luôn là nội dung được đại diện đơn vị có trách nhiệm nói đến.

Và vụ phá rừng phòng hộ tại Đông Giang (Báo Quảng Nam liên tục phản ánh những ngày qua) cũng không ngoại lệ, khi ông Hồ Văn Minh - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho rằng, rất khó khăn trong việc giữ rừng khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng so với diện tích quản lý lâm phận. Từ đó, dẫn đến việc tuần tra, kiểm soát địa bàn chưa kịp thời và đầy đủ. Ở cấp quản lý cao hơn, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng bảo rằng, những năm qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai công tác bảo vệ rừng một cách quyết liệt nhưng do địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng nên…

Thiếu trách nhiệm trong quản lý

Liên quan đến vụ rừng phòng hộ Sông Kôn bị xâm hại, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đinh Văn Hươm nói, trước mắt chính quyền địa phương sẽ kiểm điểm tập thể, cá nhân ở các xã có liên quan trong vụ việc. Đồng thời đề nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo và cán bộ BQL rừng phòng hộ Sông Kôn và các đơn vị liên quan do thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phận được giao. Đông Giang cũng sẽ yêu cầu Công an huyện củng cố hồ sơ vụ phá rừng để xử lý án điểm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện năm 2018. “Sau khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, không bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan” - ông Hươm nhấn mạnh.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng sau khi nói đến chuyện lực lượng kiểm lâm địa bàn còn “quá mỏng” so với diện tích rừng quản lý, ông cho rằng, bên cạnh thiếu tinh thần trách nhiệm của các chủ rừng, chính sách bảo vệ rừng hiện nay còn bất cập khác từ phía người dân, khi một số vụ phá rừng xảy ra có liên quan đến các nhóm hộ nhận giao khoán, bảo vệ rừng. Đây cũng chính là “lỗ hổng” trong công tác quản lý và thực hiện chính sách giao cho nhóm hộ nhận giao khoán rừng ở miền núi. Vì thế, theo ông Hưng, để mô hình này đem lại hiệu quả, ngoài chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát, cần gắn trách nhiệm với cộng đồng vùng cao và các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Ông Hưng cũng thừa nhận thời gian qua, trách nhiệm của chủ rừng, của địa phương trong công tác phối hợp, quản lý bảo vệ rừng còn thiếu sót, chưa chặt chẽ, khiến rừng liên tục bị xâm hại.

Làm rõ trách nhiệm

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được gần 210 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Qua đó, đã phát hiện 242 vụ vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306m3 gỗ các loại; 274,6kg động vật rừng cùng một số phương tiện, tang vật liên quan khác. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng; tiếp tục điều tra 20 vụ và kết thúc điều tra, đề nghị viện kiểm sát truy tố 4 vụ.
Liên quan đến 2 vụ việc phá rừng tại Đông Giang và Nam Giang, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương chuyển vụ án đến Công an huyện để tiếp tục điều tra, xử lý.

Sau khi kiểm tra thực địa hiện trường vào cuối tuần qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đông Giang, Nam Giang và các chủ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định quan điểm của tỉnh sẽ xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác lâm - khoáng sản trái phép. Đối với 2 vụ phá rừng phòng hộ xảy ra trên địa bàn các huyện Đông Giang và Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm có kết quả để có cơ sở khởi tố bị can, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và xem đó là vụ án điểm về vi phạm khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh cần vào cuộc phối hợp điều tra làm rõ tính chất, mức độ vi phạm đối với vụ phá rừng lim xanh quý hiếm xảy ra tại địa phận thôn Cần Đôn (xã Chà Vàl, Nam Giang) một cách nghiêm minh, đúng người, đúng tội để răn đe, làm gương trong xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, cũng cần làm rõ trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra vụ phá rừng trong địa bàn quản lý; khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương, đơn vị, cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an, kiểm lâm tại chỗ đối với việc giữ rừng. “Trước mắt, Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần phải xử lý về mặt hành chính đối với các đơn vị liên quan, còn việc buông lỏng hoặc có những hành vi khác liên quan đến trách nhiệm hình sự thì cơ quan công an điều tra sẽ làm rõ. Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là phải xử lý rất nghiêm” - ông Thanh nói.

ĐĂNG NGUYÊN

NGANG NHIÊN KHAI THÁC RỪNG TỰ NHIÊN

Trong khi mọi sự chú ý đang tập trung vào vụ phá rừng phòng hộ ở Nam Giang và Đông Giang, từ thông tin của người dân, cũng trong cuối tuần qua phóng viên Báo Quảng Nam tiếp cận hiện trường vụ phá rừng có quy mô lớn tại lâm phận suối Khe Tre, xã Đại Hưng (Đại Lộc), vùng tiếp giáp với xã Kà Dăng (Đông Giang).

Quả đồi rừng tự nhiên bị đốt trụi sau khi khai thác. Ảnh: TRIÊU NHAN
Quả đồi rừng tự nhiên bị đốt trụi sau khi khai thác. Ảnh: TRIÊU NHAN

Trên đường thâm nhập

Vào vai dân đi phượt trên tuyến đường ĐT609 từ thôn An Điềm, xã Đại Hưng đến địa phận xã Kà Dăng, phóng viên Báo Quảng Nam tận mắt chứng kiến cảnh từng tốp người ngang nhiên dùng xe máy kéo hoặc chở những phách gỗ xẻ ra bìa rừng rồi vượt đường ĐT609 về xuôi. Theo quan sát của phóng viên, mỗi phách gỗ có chiều dài 4 - 5m, chiều ngang 15 - 20cm. Trên tuyến ĐT609, nhiều lần chúng tôi phải tấp vào sâu trong lề để nhường đường cho những tốp người chạy xe máy chở gỗ với tốc độ cao. Song đáng nói, để có thể vận chuyển gỗ về xuôi, những người này đã đi qua tuyến ĐT609, qua Trạm Kiểm lâm An Điềm cách đó chừng cây số và né trạm trót lọt.

Kéo gỗ xẻ ra khỏi rừng.
Kéo gỗ xẻ ra khỏi rừng.

Để tìm hiểu chân tướng, với sự hỗ trợ của người dân bản địa, chúng tôi đổi sang vai những người đi thăm rẫy để thâm nhập rừng sâu. Tại vị trí cách Trại giam An Điềm và Trạm Kiểm lâm An Điềm (thuộc Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam) vài cây số, rẽ trái sang con đường mòn, chúng tôi tiếp cận khu vực có con suối Khe Tre. Từ con suối đầu tiên thuộc lâm phận xã Đại Hưng, chúng tôi phải nép sát cả người lẫn xe vào bụi rậm để tránh đường cho một chiếc xe tải đi ra từ rừng. Tiếp đó, chúng tôi bắt gặp hai người đang kéo những phách gỗ bằng dây xích nối với xe máy ra bìa suối, sau đó tháo dây khiêng những phách gỗ giấu vào bụi rậm, ngụy trang cẩn thận. Thấy chúng tôi, hai người nhìn dò xét từ đầu tới chân và hỏi chúng tôi mục đích vào rừng. Nghe chúng tôi nói đi thăm rẫy nhà, họ bán tín bán nghi song cũng lần lượt phóng vút xe vào rừng. Từ đây, chúng tôi tiếp tục men theo lối mòn, vượt qua con suối thứ hai, rẽ phải qua con đường rừng được cày ủi công phu men theo triền đồi, lao xe suốt hơn 2 cây số đường rừng được cày ủi nhấp nhô, một bên là vách rừng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Vượt hết vùng rẫy keo cuối cùng, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng một quả đồi nham nhở đã được khai thác hết và đốt rụi, nhưng vẫn còn ngổn ngang những gốc cây lớn chưa bị cháy hết.

Ngang nhiên khai thác rừng tự nhiên

Theo quan sát của phóng viên, hiện trường cánh rừng bị hạ sát có nhiều gốc cây to, mà căn cứ vào những đường vân và thổ lộ của người dân, ban đầu có thể xác định đây là rừng tự nhiên. Theo dấu vết tại hiện trường, có thể thấy, sau khi cưa sạch cây to và vận chuyển ra ngoài, người ta đã tiến hành đốt trụi, khiến cả quả đồi cháy nham nhở. Quan sát xung quanh quả đồi, chúng tôi thấy bao phủ bởi hệ thực vật rừng tự nhiên dày đặc, chưa có dấu hiệu xâm phạm. Từ đỉnh đồi cháy trơ trụi, chúng tôi có thể nhìn rõ cảnh những người thay nhau kéo gỗ xẻ ra khỏi rừng.

Theo xác nhận của người dân địa phương, khu vực đồi suối Khe Tre nơi chúng tôi đang đứng bị đốt nham nhở này không phải là rừng sản xuất mà thuộc diện tích rừng tự nhiên, do nhà nước quản lý. Cũng theo người dân địa phương, “tác giả” của vụ khai thác quả đồi này là ông Trần Hữu Kỳ (?), một chủ xưởng gỗ lớn trên địa bàn xã Đại Hưng, Đại Lộc. Ông này không chỉ tự ý khai thác quả đồi rừng tự nhiên, mà còn bạt đồi, mở đường vào rẫy keo của mình sát bìa rừng, rồi cày ủi vào sâu. “Điều mà nhiều người dân địa phương thắc mắc là ông Kỳ sao dám ngang nhiên bạt núi, khai thác rừng do nhà nước quản lý và đốt trụi để biến thành đất rẫy của mình?” - một người dân xã Đại Hưng (đề nghị giấu tên) nêu câu hỏi.

Ngành chức năng nói gì?

Sau khi thâm nhập hiện trường, bằng nhiều cách chúng tôi đã liên hệ với một số người có trách nhiệm để tìm hiểu kỹ hơn và làm rõ vụ việc. Ông Lương Tấn Bích, cán bộ địa chính xã Đại Hưng xác nhận, vụ việc ông Trần Hữu Kỳ tự ý vào phá diện tích rừng tự nhiên và tự ý cày ủi rừng tự nhiên là sai phạm. Khi phát hiện sự việc, xã đã kịp cho người vào kiểm tra, nắm tình hình, làm tờ trình báo cáo lên các ngành chức năng song vẫn chưa có kết quả xử lý. Ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng thông tin, chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn vào kiểm tra, lập biên bản đối với cá nhân vi phạm. Xã đang nắm lại tình hình, xác định lại tiểu khu, tọa độ và diện tích bị xâm hại, phối hợp với lực lượng chức năng để tiếp tục làm rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Can - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam cho biết, ngày 30.3 kiểm lâm địa bàn có báo cáo sự việc. Tuy nhiên, tọa độ và diện tích thì ông chưa nắm rõ vì ngày hôm sau là thứ Bảy xã không làm việc nên đơn vị không phối hợp để đo đạc được. Ông Can thừa nhận, đây là thảm rừng tự nhiên, rừng gỗ tạp, chủ yếu gỗ thuộc nhóm VI đến nhóm VIII, còn việc nhiều người ngang nhiên chở gỗ từ trong rừng ra trục đường chính, lực lượng chức năng sẽ xử lý nếu phát hiện có vi phạm. “Chúng tôi đang thành lập đoàn lên kiểm tra, đo đạc, xác định lại tọa độ, xem xét vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ ấy” - ông Can nói.

Nhựa rừng, máu rừng không ngừng đổ, những cánh rừng tự nhiên đang bị tàn phá không thương tiếc. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc.

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Máu rừng vẫn chảy…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO