Máu và thất nghiệp

C.B.L 03/04/2018 08:24

Ngoại ô khu vực Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) mùa này, những hàng cây sưa đang ủ hương, chờ bung nở. Hôm qua, cả một vùng đột nhiên náo loạn vì án mạng xảy ra giữa hai anh em con cô con cậu. Máu đổ. Một người chết. Bản tin gọn lỏn được nhiều báo phát đi. Người gây ra án mạng không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên không có việc làm. Người chết là công nhân một nhà máy. Cả hai đều đương ngoài 20 tuổi – độ tuổi được xếp vào khung tốt nhất của thời kỳ dân số vàng. Lý do ban đầu được nêu ra: do người này rủ đi chơi mà người kia không đi. Càng ngày càng có quá nhiều lý do không thể tin nổi cho những vụ án mạng. Người ta có thể giết nhau đôi khi chỉ vì cái nhìn khó ưa hoặc thậm chí chẳng vì cái gì cả. Trong khi đó, đầu mỗi ngõ xóm, mỗi khu phố, người đi qua đi lại vẫn thấy các biển hiệu “khu phố văn hóa”, “thôn xóm văn hóa” được trưng từ năm này qua năm nọ. Đến cuối năm, gia đình nào cũng được phát một tờ giấy để tự chấm điểm “gia đình văn hóa”. Đau là ở chỗ đó.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong quý I năm 2018 là 1,1 triệu người. Số thanh niên (người từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong quý I năm 2018 ước khoảng 547 nghìn người, chiếm 49,4% tổng số người thất nghiệp. Thất nghiệp, đương nhiên sẽ sinh ra rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội, trong đó có tệ nạn. Người gây ra án mạng ở Hòa Hương trong hồ sơ quản lý tại địa phương được xếp vào diện thất nghiệp ở khu vực thành thị, khi gây án trong tình trạng ngáo đá. Anh ta có nằm trong con số thống kê 1,1 triệu người? Các đối tượng phá rừng lim xanh trong rừng phòng hộ Nam Sông Bung hay 5 đối tượng được lực lượng công an xác định tham gia khai thác rừng trái phép ở Đông Giang mà các báo nêu có nằm trong tỷ lệ thiếu việc làm của Tổng cục Thống kê? (Với quy mô phá rừng lớn như vậy, các đối tượng này có thể chỉ là người làm thuê – một mắt xích nhỏ trong đường dây phá rừng). Rất khó có câu trả lời cho câu hỏi tỷ lệ thất nghiệp này, bởi họ có lẽ nằm trong khu vực kinh tế chưa được quan sát trên tài khoản thống kê của quốc gia. Và Tổng cục Thống kê khó có thể đưa ra con số chính xác, đối với những người làm nghề “thợ đụng” như vậy. Xót là ở chỗ đó.

Như một hiệu ứng domino, chữ “máu rừng” tiếp tục trở thành uyển ngữ được sử dụng nhiều trên các báo về tình trạng phá rừng tràn lan tại Quảng Nam. Thông tin nhiều đến độ, người đọc cảm giác Quảng Nam đang mất kiểm soát với rừng. Bao nhiêu người có nghề nghiệp hẳn hoi, được định danh bởi các loại công vụ nhưng lại không thực hành nghề nghiệp, để rừng bị tàn phá? Để chặn lại hiệu ứng domino này, chỉ có cách coi họ là “đối tượng thất nghiệp”, khoanh vùng và xử lý ngay.

Thất nghiệp – rõ ràng không chỉ từ những con số thống kê cụ thể.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Máu và thất nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO