(QNO) - Có một việc tôi thích làm là ngắm sân trường từ hành lang dãy hiệu bộ, nơi tôi thu vào tầm mắt bao hình ảnh thân thương của ngôi trường. Cũng như nhiều người gắn cuộc đời mình với bục giảng, tôi thường bâng khuâng sắc áo trắng học trò. Trong màu nắng vàng ươm, những đứa trẻ tinh nghịch vui đùa, dưới những hàng cây rợp bóng.
Màu áo trắng và màu xanh tươi non đã tắm tâm hồn tôi, khiến lòng nhớ về một thời trai trẻ nhiều ao ước. Trôi về miền xa xăm nào, cậu học trò miền Đại Lộc lặn lội ôm cặp sách vào Quy Nhơn, với bè bạn ngày ngày cùng nhau đến giảng đường, buồn vui trong vô vàn khốn khó. Bốn năm đèn sách trôi qua, tôi ôm chữ nghĩa, ôm giấc mơ bước vào đời.
Tôi thích được tỉa cây, tưới nước, nhìn những nụ mầm lớn từng ngày theo nắng mưa của miền Trung. Niềm vui ấy sau này cũng tương tự như nhìn những đứa trẻ áo trắng trưởng thành theo thời gian.
Trở về Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An) đón mùa lá xanh đầu tiên, trong khuôn viên còn trống trải, tôi lặng ngắm cái tinh khôi đang được ươm mầm từ từ hàng cau voi, phượng vĩ, sưa vàng - nơi sẽ vững chãi nuôi dưỡng bao ký ức học trò; hay cái thuần khiết, giản đơn được gợi ra từ chính tên gọi của loài cây hạnh phúc, cây nhân hậu; cái thơ mộng, tha thướt rồi đây sẽ rủ bóng xuống hàng điệp vàng, hoàng yến, ti gôn…
Mùa lá thứ hai, rồi mùa lá thứ ba... mùa lá nào đã hóa thành ước vọng tôi?
Mùa lá ấy, một cột mốc đặc biệt, khi tôi ngắm sân trường với một tâm thế khác, ánh mặt trời chiếu xuyên qua cành phượng đang sà xuống bên cửa sổ phòng hiệu trưởng, tôi thấy hồn mình cũng đang được chiếu rọi bởi một thứ ánh sáng mới, vừa thiêng liêng vừa nhiều thách thức vô cùng.
Tự khi nào, tôi gắn mình với hình ảnh của một người làm vườn với trách nhiệm phải gieo xuống nơi ngôi trường này những hạt mầm hạnh phúc, phải khai phóng lên những cây - ngày - mai.
Bên cạnh tất bật công việc quản lý, tôi ôm ấp xây dựng một không gian xanh cho Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - nơi mà con gái tôi thường hay nói “ngôi nhà thứ hai của ba đó”.
Việc dùng những chậu hoa tươi mang đến sinh khí mới cho lớp học. Một ấn tượng vui, gần đây có đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh về một chiếc lá được học trò viết tên lên đó, một cách để các em "khắc nỗi nhớ lên cây" chăng?
Một lần đi ngang qua dãy phòng học, tôi tình cờ nhìn thấy học trò tíu tít đứng nâng niu một cành cây chìa cành vào đường đi, thay vì gạt qua một cách vô tình, các em nhường đường cho nhánh cây ấy kiêu hãnh đong đưa...
Tôi thổn thức hoài vọng về thời công nghệ còn là thứ xa xỉ, chúng tôi như hòa mình vào cây cỏ, tìm thấy mình trong cái vô thanh của đất trời. Hơn thế, những hàng cây tán lá, chúng sẽ đánh thức bao mộng ước của tuổi xanh nơi “mắt biếc” học trò. Một niềm hòa cảm với thiên nhiên đã hiện diện trong sân trường. Một miền xanh trong đã nuôi dưỡng bao khát vọng.
Nhưng không phải bao giờ cây cối cũng được khoác lớp áo nõn nà, như một quy luật tất yếu, có những mùa lá rụng, có lúc lá úa vàng. Chị lao công với chiếc máy thổi lá vất vả hơn vào những ngày như thế.
Khi thiên tai ập đến, nhiều cây phải được chặt tỉa để đảm bảo an toàn. Một đồng nghiệp đã ghi lại cảnh tượng tôi đứng trên mái nhà xe để chặt bớt cành cây điệp vàng trước khi cơn bão sắp ập vào miền Trung trong mấy ngày tới.
Sau này khi nhìn lại bức ảnh, tôi nghĩ đến cả những quy luật của xã hội, của cuộc vô thường. Trường chuyên mang một sứ mệnh của con thuyền đào tạo hiền tài, con thuyền không phải lúc nào cũng lướt trên những đợt sóng êm, mà có cả những ngày bão nổi.
Cũng như lá, lay lắt vàng trong cơn gió mùa đông. Cũng như lá, xuân về lại xanh tươi hoa cỏ. Luôn hướng đến sự khởi đầu, đến những chân trời rộng mở, tôi cùng các đồng nghiệp thân yêu không ngại chăm bón, tưới táp cho “cây đời”. Chúng tôi đã trồng cây âm thầm, âm thầm viết kỷ niệm đời mình lên đất, âm thầm vui khi đi qua tán cây mát rượi mà bàn tay mình đã vun xới.
Trong “hương thời gian thanh thanh”, 10 năm với Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông là một hành trình dài của những âm thầm miệt mài như thế, lại cũng là những khoảnh khắc vụt sáng rực rỡ điểm tô cho đất học Quảng Nam.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây”, gắn bó với ngôi trường đã tròn mười năm, "lợi ích" ấy tôi đã cảm nhận thật rõ ràng. Và bỗng như một điều tất yếu, "vì lợi ích trăm năm trồng người" thúc giục tôi luôn phải nỗ lực hơn nữa!
Còn bây giờ, vào một buổi chiều thư thả hiếm hoi, với mây nhè nhẹ và tiếng chim ríu rít đùa nhau trên hàng cây, tôi liên tưởng đến ý thơ của Nguyên Sa: "Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường", và trôi theo một ý thơ của riêng mình: những chiếc lá sân trường lại khiến tôi mến yêu thêm những cô cậu học trò áo trắng…