Màu xanh dưới chân Yên Ngựa

VĂN PHIN 26/05/2016 08:21

“Chúng em hát từ Núi Thành, một miền quê trải rộng màu xanh, từ chiến công xưa đi đầu diệt Mỹ, từ hố Mây ơ hồ nước đầy, cùng đến đây chúng em cùng hát ca...”. Lời bài hát “Màu xanh Núi Thành” của cố nhạc sĩ Thái Nghĩa vang lên trong cái nắng tháng 5 gợi nhắc về trận đầu thắng Mỹ hào hùng cách đây 51 năm. Ngày ấy, tại đồi Yên Ngựa thuộc thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, Núi Thành, quân và dân ta làm nên chiến công oanh liệt, tiêu diệt một đại đội lính Mỹ vào đêm 25 rạng ngày 26.5.1965.

Tháng 5, dưới ánh nắng gay gắt, chúng tôi lội ngược con đường dốc dẫn lên đồi Yên Ngựa. Đến nơi, chúng tôi cảm nhận một không khí dễ chịu, an lành bởi màu xanh ngút ngàn của những rừng cây. Tam Nghĩa ngày nay với những ngọn đồi quen thuộc như Yên Ngựa, Núi Thành, đồi 49, 50... đã ngập tràn màu xanh của sự sống. Ông Nguyễn Tấn Cự - thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa vui vẻ nói: “Được sự quan tâm của Nhà nước, tôi đã khai phá rừng tạp trồng cây keo, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đem lại thu nhập khá cho bản thân và góp phần tạo nên “lá phổi xanh” cho vùng đất cực nam tỉnh, nơi có trận chiến thắng Núi Thành. Tôi rất vui khi những ngọn núi đồi đầy dây kẽm gai ngày xưa nay đã trở thành những rừng cây xanh mát ”.

Màu xanh trên đồi Yên Ngựa hôm nay. Ảnh: V.PHIN
Màu xanh trên đồi Yên Ngựa hôm nay. Ảnh: V.PHIN

Ông Châu Ngọc Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa hồ hởi nói: “Thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tam Nghĩa tạo điều kiện cho người dân trồng rừng. Nhiều hộ trồng với diện tích lớn như ông Nguyễn Tấn Cự (thôn An Thiện) trồng hơn 23ha, hơn chục hộ khác cũng trồng mỗi hộ hơn 10ha. Trồng rừng ở Tam Nghĩa đem lại thu nhập khá cho nhân dân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ngày nay, vùng đất có trận đầu thắng Mỹ, vết tích chiến tranh đã lùi xa và nhường chỗ cho màu xanh của sự sống mãnh liệt”.

Đã 51 năm trôi qua, xã Tam Nghĩa - dải đất dưới chân đồi Yên Ngựa từng ngày đổi thịt thay da. Là vùng đất bạc màu, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, ngày quê hương mới giải phóng, năng suất cây lúa nơi đây chỉ đạt ở mức 20 - 23 tạ/ha, lại bấp bênh vì thiếu nguồn nước. Ngày nay, năng suất, sản lượng cây lúa xã Tam Nghĩa được nâng lên rõ rệt. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tam Nghĩa tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xói đói giảm nghèo cho cư dân nông thôn. Xã đã phát triển các mô hình chăn nuôi bò lai sind, cá nước ngọt, sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi heo theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Tam Nghĩa cũng thực hiện cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có 6 chiếc máy làm đất được hỗ trợ theo Quyết định 33 của UBND tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Từ 3 tiêu chí khi mới phát động xây dựng xã NTM, đến nay Tam Nghĩa đã đạt được 11/19 tiêu chí. Chương trình xây dựng NTM đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, nhân dân xã Tam Nghĩa, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong phong trào, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng nâng cao.

Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa - Châu Ngọc Hồng chia sẻ: “Dù còn gặp một số khó khăn nhưng hiện tại xã Tam Nghĩa đang tăng tốc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Được chọn là một trong 7 xã điểm xây dựng NTM của huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình đến năm 2019 xã Tam Nghĩa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM”.

Về Tam Nghĩa, nơi có địa danh trận đầu thắng Mỹ hôm nay, chúng tôi ghi nhận một sức sống mãnh liệt, một màu xanh diệu kỳ lan tỏa khắp nơi...

Trận đầu thắng Mỹ
Ngày 7.5.1965, khoảng 6.400 lính Mỹ, 24 xe tăng thuộc Lữ đoàn Hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ lên Kỳ Liên, Kỳ Hà, triển khai xây dựng các hạng mục công trình của căn cứ quân sự Chu Lai, làm bàn đạp khống chế khu vực miền Trung. Ngày 17.5.1965, lính thủy đánh bộ Mỹ càn quét lên vùng giải phóng ở phía tây xã Kỳ Liên, sử dụng một đại đội chốt ở điểm cao Núi Thành. Quân số của đại đội Mỹ ở Núi Thành có 139 tên, chia thành 3 cụm chốt, bố trí nhiều trận địa ĐKZ 75mm, cối 81mm. Ban ngày chúng căng bạt che nắng, dùng ống nhòm quan sát, phát hiện mục tiêu nghi ngờ gọi pháo ở Chu Lai hoặc dùng ĐKZ, cối bắn phá; ban đêm chúng dỡ bạt ra, nằm yên trong các công sự. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và vũ khí đều dựa vào máy bay trực thăng.
Nắm chắc quy luật hoạt động của quân Mỹ, Tỉnh đội Quảng Nam quyết định sử dụng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 làm lực lượng chủ công nhằm bóc sạch quân Mỹ ra khỏi Núi Thành. Quân số của đại đội có 72 người và 12 chiến sĩ của Đại đội Đặc công V26 được tỉnh tăng cường cho trận đánh. Theo kế hoạch, đúng 0 giờ ngày 26.5.1965, Đại đội Công binh tỉnh đánh cầu An Tân bằng khối thuốc nổ 100kg làm hiệu lệnh chung. Nhưng đến 0 giờ 30 phút, cầu An Tân vẫn chưa nổ súng. Đại đội trưởng Võ Thành Năm quyết định thực hiện phương án 2, truyền lệnh cho bộ đội đánh quả thủ pháo 1kg thuốc nổ TNT vào công sự Mỹ làm hiệu lệnh chung. Lập tức mặt đất Núi Thành rung lên dữ dội, hàng loạt ánh chớp và những cột lửa dựng lên, tỏa ra các chiến hào, công sự của Mỹ. Bị đánh phủ đầu nên chưa đầy 15 phút, hai tuyến chiến hào công sự Mỹ ở hướng bắc - đông bắc và tây - tây nam đã bị các chiến sĩ ta bóc sạch. Quân Mỹ tập trung hỏa lực bắn vào những nơi có súng tiểu liên ta xuất hiện. Đến 0 giờ 45 phút, các mũi tiến công của ta xốc lại đội hình, dũng mãnh xông lên đánh giáp lá cà, tiêu diệt các ổ đề kháng, đánh chiếm các công sự còn lại. Sau 30 phút, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Đây là trận đánh bất ngờ, gây choáng váng đối với quân Mỹ khi chúng vừa đặt chân lên đất nước ta.(P.C.T)

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Màu xanh dưới chân Yên Ngựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO