Từ miền núi cao đến trung du, đâu cũng gặp một màu xanh ngút ngàn. Nhưng, đa số là màu xanh của những cánh rừng keo. Do dễ trồng, sinh trưởng nhanh, cây keo hiện là cây trồng chủ lực, chiếm 90% diện tích đất lâm nghiệp. Thậm chí, diện tích trồng keo lấn sâu vào rừng tự nhiên.
Miền Trung hiện có 1,8 triệu héc ta rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây keo lá tràm. Hệ lụy của việc phát triển nóng diện tích trồng keo khiến nhiều địa phương miền núi lo ngại.
Sau vài vụ thu hoạch, các địa phương ở miền Trung đã nhận ra, rừng trồng cây keo không phải là hệ sinh thái rừng. Màu xanh trên đất trồng keo là màu xanh không bền vững.
Phát sạch, đốt sạch
Miền núi Quảng Nam vào mùa đốt rẫy. Giữa cao điểm nắng nóng, từ xa có thể nhìn thấy những cột khói cao hàng trăm mét giữa những cánh rừng ngút ngàn. Và đó là những rẫy keo rộng hàng trăm héc ta được chủ rừng đốt thực bì sau thu hoạch keo.
Trong khoảng các tháng 7, 8, tại 9 huyện miền núi Quảng Nam, nông dân tranh thủ thu hoạch keo bởi vài tháng nữa, sẽ vào mùa mưa bão, keo sẽ bị gãy đổ.
Như một quy trình, đốt sạch thảm thực bì, những quả đồi xanh ngắt thành đồi núi trọc. Đây được xem là quy trình trồng rừng tái sinh bởi sau vài cơn mưa, keo non tự mọc lại trên những cánh rừng bị đốt đó.
Nhưng theo ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục lâm nghiệp, việc đốt thực bì sau thu hoạch keo là trái với quy trình trồng rừng bền vững CFS, gây tổn hại nghiêm trọng về môi trường.
Không riêng gì miền núi Quảng Nam, đi dọc các tỉnh thành miền Trung đều cùng chung mô hình trồng và thu hoạch keo theo kiểu phát sạch, đốt sạch.
Duy một điều lạ là ngành nông nghiệp và cả chính quyền địa phương xem việc đốt thực bì này là chuyện thường ngày. Không ít vụ cháy rừng cũng từ đây mà ra.
Gia tăng sạt lở, cạn kiệt nguồn nước ngầm?
Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tổn thất do thiên tai. Chỉ riêng năm 2020, tại 9 huyện miền núi, thiên tai đã làm hàng chục người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hư hại, tổng thiệt hại hơn 10 ngàn tỷ đồng, tương đương 50% thu ngân sách cùng năm.
Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Nam Trà My và Phước Sơn. Sau thiên tai, chính quyền và ngành chức năng đi tìm nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất bất thường. Trong số những nguyên nhân đưa ra, phá rừng để trồng rừng, mở rộng diện tích trồng keo cũng được nhắc đến.
Ngay tại nóc ông Sinh thuộc thôn 1 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My từng có trận sạt lở đất khiến 8 người bị thiệt mạng, nhiều người bị thương, hàng loạt ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Theo người dân ở đây, khu vực này bị sạt lở đất chứ không phải do lũ quét.
Ông Hồ Văn Thới - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho rằng: khu vực này trước kia người dân làm rẫy. Trải qua nhiều năm có mưa lớn nhưng không có hiện tượng sạt lở đất. Từ ngày người dân trồng keo bên trên, sạt lở ngày một gia tăng hơn.
Kiểm tra thực tế tại nhiều địa điểm sạt lở, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhận định, cây keo hút nước, làm đất tơi ra. Khi mưa xuống, ngấm nước, làm sạt lở. Chưa kể sau thu hoạch, gốc keo mục, nước ngấm vào dẫn đến xói lở.
Cũng theo ông Dũng, với địa hình đồi núi cao như Nam Trà My, trồng keo sẽ làm gia tăng sạt lở. Chưa kể đến mùa thu hoạch, người dân mở đường lâm sinh vận chuyển keo từ đồi này sang đồi khác, mỗi khi có mưa lớn, con đường lâm sinh thành dòng nước lũ cuốn trôi lớp đất mặt, kể cả đá.
Hiện tượng sạt lở, lũ quét ở miền núi có thể tổng hòa của nhiều nguyên nhân, cần có nghiên cứu chuyên sâu để có kết luận cụ thể. Tuy nhiên, với những người trực tiếp trồng keo tại huyện Nam Trà My như ông Hồ Văn Hên ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, cây keo là cây gây hại cho đất. Toàn bộ diện tích đồi keo hàng trăm héc ta gần nhà ông, những con suối giờ khô cạn nước.
Ông Lê Muộn - nguyên Phó giám đốc Sở NN& PTNT cho rằng, trồng keo tạo được màu xanh nhưng không thể gọi là hệ sinh thái rừng hoàn chỉnh.
Cây keo là cây trồng có bộ rễ ăn cạn, không tạo được nhiều tầng tán nên khả năng giữ nước rất kém, chống xói mòn cũng rất kém. Nếu tính diện tích trồng keo vào diện tích phủ xanh, mật độ che phủ rừng thì chưa chính xác. Chưa kể bài toán kinh tế của cây keo cũng là vấn đề cần xem lại.
Cây trồng nào phù hợp?
Quảng Nam có khoảng 700 nghìn héc ta đất lâm nghiệp, diện tích trồng keo chiếm gần 1/3, tương đương hơn 200 nghìn héc ta. Tại khu vực vùng sâu vùng xa, địa hình có độ dốc lớn, việc trồng keo không mang lại hiệu quả kinh tế bởi chi phí vận chuyển chiếm gần một nửa số tiền nông dân thu được. Nguồn vốn hạn chế, tư duy ngắn hạn, hầu hết nông dân hiện bán keo non làm nguyên liệu dăm gỗ.
Một thông tin khá tích cực khi hiện nay, không chỉ ở Quảng Nam, mà nhiều tỉnh thành miền Trung bắt đầu chuyển hướng phát triển kinh tế rừng, thay thế dần diện tích trồng keo.
Để thay đổi được thói quen của người dân không phải dễ, bởi cây keo được lãnh đạo các huyện miền núi gọi là “cây lười biếng”. Chỉ cần phát đốt, trồng xuống một lần, không cần chăm sóc cũng có thu hoạch (dù năng suất thấp).
Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, sau khi đi thực tế tại Nam Trà My cho rằng: “Giống keo mà bà con trồng hiện nay chưa tuyển chọn tốt. Trồng và chăm sóc không đúng kỹ thuật. Mật độ trồng quá dày. Chính vì vậy, rừng keo này để tiếp 4 năm, 5 năm hoặc lâu nữa mới khai thác thì năng suất cũng không cao”.
Cũng theo ông Lực, trồng keo theo mô hình trồng rừng gỗ lớn để xuất khẩu là hướng đi phù hợp. Vấn đề đặt ra là trong vòng đời khai thác rừng gỗ lớn (có thể 10 năm) người nông dân lấy gì để trang trải cuộc sống hằng ngày?
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Duy Dũng cho biết, huyện vùng cao của ông đã có lộ trình thay thế cây keo. Theo ông, với diện tích trồng keo, địa phương bắt đầu chuyển sang trồng sắn.
Cùng với đó, người dân trồng xen cây quế bản địa hoặc giổi ăn hạt. Sắn cho thu hoạch hằng năm, khi những loại cây rừng bản địa khép tán thì người dân có thể trồng dược liệu dưới tán rừng.
Tại xã Trà Mai, ông Hồ Văn Minh vừa thu hoạch sắn trên diện tích đất đã trồng keo. Theo ông Minh, với giá sắn tươi hơn 2.000 đồng/kg, vụ vừa rồi ông thu lãi hơn 75 triệu đồng. So với cây keo, trồng sắn hiệu quả hơn nhiều lần. Và đã có hàng ngàn héc ta trồng keo tại Nam Trà My được nhiều hộ nông dân chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn và dược liệu.
Đó là địa bàn vùng núi cao, còn với nông dân vùng trung du và núi thấp của tỉnh Quảng Nam, 3 năm nay, chuyển đổi đất trồng keo nguyên liệu sang mô hình trồng cây ăn trái đang là xu hướng phổ biến.
Ở các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, từ nguồn hỗ trợ cây giống của địa phương, bà con đã chuyển đổi hàng ngàn héc ta đất trồng keo sang mô hình trang trại.
Sau thời gian triển khai, Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My nhận định: “Ở các xã vùng cao, chúng tôi trồng cây quế và trồng rừng gỗ lớn. Các xã vùng thấp thì chúng tôi trồng cây ăn trái, hiện nay rất có hiệu quả”.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Nam đã xây dựng đề án thay thế dần cây keo, tạo sinh kế để phát triển kinh tế. Mô hình trồng cây dổi ăn hạt, trồng dược liệu và trồng rừng gỗ lớn sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh. Phát triển bền vững, trong đó đảm bảo sinh kế cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai luôn là ưu tiên hàng đầu.