Chạy tránh bão số 14, một cuộc di tản khổng lồ đã diễn ra với cả triệu người dân miền Trung (riêng Quảng Nam gần 166 ngàn người). Một đêm trắng thao thức, phập phồng lo sợ, giờ thì đã có thể thở phào với người dân đất Quảng. May, đó là chuyện may khi mà bão số 14 – Haiyan – Hải yến - con quái vật, chỉ lồng lộn ngoài khơi của biển Đông.
Dù bão không đổ bộ vào đất liền, Quảng Nam vẫn có 3 người chết do rủi ro trong công tác phòng chống.
Bão không càn quét nhưng chi phí phòng tránh bão cũng là thiệt hại khi nhà nhà phải tốn tiền mua vật liệu chằng chống, ngư dân phải mất không tiền dầu chạy ra rồi chạy vào, Nhà nước phải tốn chi phí vận chuyển, sơ tán dân…
Song, vượt cả sự tính toán chi li đó, đặt ngược tình huống bão đổ bộ như dự báo, có lẽ cảnh tang thương, mất của chết người, khó mà đo đếm hết. Nhìn cảnh đất nước Philippines tan hoang, cả chục ngàn người thiệt mạng, thương vong vì bão, ai mà không rùng mình kinh hãi. Báo đài còn dẫn lời nhà chức trách của nước bạn, cho rằng, nhờ chính quyền xem công tác phòng chống bão như một cuộc chiến, huy động tổng lực để sớm sơ tán dân, nên đã giảm sự thiệt hại cho đất nước Philippines.
May, là chuyện của người dân nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam khi cây bão số 14 đổi hướng. Những thiệt hại cho công tác phòng chống bão, là chi phí lo xa, không thể khác được. Cảnh giác, luôn là bài học không thừa, nhất là khi diễn biến thiên tai thời tiết ngày càng khó lường.
Trong câu chuyện phòng tránh bão số 14, điều nổi lên rất rõ là ý thức trách nhiệm với đời sống, số phận của người dân. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong việc chuẩn bị phương tiện, lực lượng phòng hộ, giúp đỡ dân, đôn đốc việc sơ tán dân… là những hành động rất đáng biểu dương. Từ phía người dân, ý thức cảnh giác với thiên tai được nâng lên cũng là điều đáng mừng. Còn như câu chuyện nhiều người đào hầm tránh bão, đây cũng là vấn đề đặt ra cho chính quyền trong việc xây dựng các công trình phục vụ người dân tránh trú bão trên những vùng xung yếu.
Thiên tai quả là khó lường. Đài Truyền hình Việt Nam mấy ngày qua điểm lại các cơn bão lớn trong lịch sử khiến nhiều người sẽ không còn cả tin vào chuyện “nhân định thắng thiên” khi đối đầu với bão dữ. Có một nhận xét rút ra là, dù khả năng, phương tiện cảnh báo tốt hơn, dù nhà cửa hiện đại hơn, song với những cơn siêu bão, động đất, sóng thần… thì không ăn thua gì. Người ta chỉ phòng tránh, chạy tránh chứ khó mà chống lại nổi sự cuồng nộ của thiên nhiên. Ở một phía khác, nhận định của các nhà khoa học về khí tượng thiên văn, rằng, các hiện tượng biến đổi khí hậu, với mức độ thiên tai ngày càng khốc liệt, có một phần lỗi do con người làm cho trái đất nóng lên.
Chuyện may, như với bão số 14 không phải bao giờ cũng lặp lại. Do đó, để phòng tránh rủi ro, ý thức cùng nỗ lực xây dựng và thực thi chiến lược ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặt thành câu chuyện quan yếu hơn bao giờ hết.
ĐĂNG QUANG