Sáng mờ mờ mà hết thuốc lá, thèm quá tôi bèn lê chân đi tìm. Sài Gòn không phải chỗ nào cũng dậy sớm. Đi cả con phố dài Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận mà tìm không ra; thấy ông bảo vệ đang ngồi trước cửa một công ty, bèn tấp vào hỏi, cũng nhận được cái lắc đầu “tạp hóa giờ chưa có bán đâu, mà thuốc đây anh hút không?”. “Được lời như cởi tấm lòng”, đón điếu thuốc từ bàn tay đen nhẻm chính hiệu dân miền Tây, bập như đói ba năm gặp cơm bữa…
Ông nói mình dân Bến Tre, vợ người Điện Bàn, đang ở Tân Bình, cũng đã vài lần về quê vợ. Trước không phải làm bảo vệ mà là phụ vợ may đồ. Đồ cho nhà chùa.
Ông kể, vợ được ông bác ruột truyền nghề, khi từ Quảng Nam vào thời điểm trước 1975, không biết cơ duyên thế nào mà ông bác được một chủ hiệu giỏi nghề ở quận 3 dạy lại. Đến giờ, ông khăng khăng Sài Gòn may đồ nhà chùa chuẩn chỉ có ba tiệm. Vợ ông được bác truyền nghề, dựng tiệm và khá lên.
- “Tiệm tên chi?”.
- “Vạn Hạnh. Anh có biết vì sao tiệm may đồ nhà chùa ít không? Vì phải có cơ duyên, cơ duyên anh à”.
- “Cơ duyên với tâm linh, thông đạt lẽ huyền vi, tôi tin là có, chứ cơ duyên may đồ thì hơi lạ”.
- “Không, tiệm vợ tôi nhiều người theo học, nhưng rất ít người may được, đó là nói may đồ cho các vị sư phẩm trật hơi cao, chứ các cao tăng trụ trì, các thượng tọa, hòa thượng mà may cà sa, thì không phải ai cũng may được. Rất nhiều chùa sư nữ gửi các ni cô tới học, nhưng rồi họ cũng tháo lui”.
- “Nhưng áo quần cho phật tử, đâu có khó?”.
- “Đúng, y phục cho tín đồ, các xưởng may công nghiệp làm hàng loạt rồi họ mở cửa hàng bán. Nhưng anh thử tìm coi, có ai bán áo cà sa không? Tôi đã vô mấy tiệm đó rồi, không hề thấy”.
- “Đây là hàng đơn lẻ, cà sa là y phục của trụ trì nên người ta không làm dây chuyền…”.
- “Không, may cà sa là cơ duyên, phải có căn cơ được trao truyền, không dễ may đâu, tâm không tịnh, tay nghề không cao, đừng hòng làm được. Khi thầy nào đó thăng bậc, thì tới đặt may, tùy theo phẩm trật mà có bao nhiêu miếng vải nối lại.
Vấn đề nằm ở đây, là vải, mà toàn vải tốt, cắt từng ô ra, chắp nối lại, kỳ công ghê lắm. Tỉ mẩn từng xí, sai là bỏ. Nhiều người khi lấy áo, lật từng đường ghép xem thử có lỗi không?”.
- “Vậy chắc tiệm vợ anh khá lắm?”.
- “Trước đây khá, giờ cũng bớt rồi, vì nhiều người may đồ chùa. Hàng năm, Việt kiều ở nước ngoài về nhiều lắm. Bên Campuchia, Lào, Thái Lan cũng qua đặt may. Đồ mấy nước này dễ may, cà sa cũng dễ, nhưng ở Mỹ, Pháp về đặt, may cực lắm…”.
Rồi ông xin lỗi vì đến giờ đổi ca, tôi cảm ơn và nói thiệt, nhờ ông tôi được khai minh một xí, ít ra là chuyện tiệm may và may ra sao, cả chuyện may ra sao đó phải là người trong cuộc mới chứng nghiệm khẳng định chứ tôi mù tịt, nhưng vẫn không thôi lan man…
Nhớ phim và tiểu thuyết Kim Dung lẫn huyền tích Phật giáo, rằng áo cà sa của các cao tăng chính là pháp ấn thượng thừa có thể thu phục ma quỷ, đả bại tà giáo, che chắn chúng sanh. Bản thân chiếc áo là vật ngoại thân, chẳng nói được điều chi, nhưng chính danh mới định phận, khoác áo đó lên, thì tâm và vật như một. Tôi chẳng có cơ duyên chi hết, thấy áo là áo…