Trở về từ cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014 tại Cần Thơ vào tháng 3 năm nay với giải đặc biệt do nhà tài trợ trao tặng theo đề xuất của ban giám khảo, em Ung Tấn Đức (học sinh lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Huệ, Tam Kỳ) vẫn chưa hết bất ngờ.
Em Ung Tấn Đức tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và sản phẩm máy báo trộm cắp. |
Đức tâm sự, ngay khi sản phẩm máy báo trộm cắp của em được Sở GD-ĐT chọn là đại diện duy nhất bậc THCS của Quảng Nam dự thi cấp quốc gia em đã cảm thấy bất ngờ; và càng bất ngờ hơn khi được trao giải. Việc hình thành ý tưởng cho sản phẩm cũng rất tình cờ. Vào kỳ nghỉ hè năm học 2012 - 2013, Trường THCS Nguyễn Huệ nơi Đức theo học bị kẻ trộm lấy mất 10 chiếc máy vi tính. Trên thực tế, Đức cũng chứng kiến nhiều gia đình, trong đó có gia đình mình, do bị mất trộm tài sản mà ảnh hưởng về kinh tế và tinh thần. Thế là Đức nảy sinh ý tưởng thiết kế sản phẩm máy báo trộm cắp dùng trong gia đình, cơ quan, công sở.
Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức từ năm học 2011 - 2012 nhằm khuyến khích học sinh trung học sáng tạo, thể hiện ý tưởng nghiên cứu khoa học, công nghệ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, góp phần đổi mới phương pháp giáo dục trong nhà trường phổ thông. Năm nay, Quảng Nam có 3 đề án dự thi gồm: hệ thống lọc nước tiện lợi, hệ thống tưới nước thông minh, đều của học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và máy báo trộm cắp của Ung Tấn Đức. |
Rất mừng là sản phẩm của em vượt qua vòng sơ loại cấp thành phố, rồi cấp tỉnh và được chọn dự thi cấp quốc gia. Một cản ngại không nhỏ đối với Đức tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia là sân chơi trí tuệ này quá sức với một học sinh THCS như em khi phải trình bày kết quả nghiên cứu dưới dạng “trình diễn hình ảnh” đồng thời trả lời một số câu hỏi của ban giám khảo bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh. Vậy nên, theo Đức, ngoài giải thưởng, một cái được không kém quan trọng tại hội thi lần này đối với em chính là động lực để em trau dồi tiếng Anh - môn học vốn không phải là sở trường của mình, nếu muốn tiếp tục nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới.
Trở lại với việc sáng chế máy báo trộm cắp. Khi ý tưởng đã sẵn trong đầu, Đức bắt tay vào làm dưới sự hướng dẫn của một người anh đang học ngành điện. Chỉ sau một tuần, sản phẩm đã hoàn thành với tổng chi phí khoảng 200 nghìn đồng - một khoản chi phí khá thấp và phù hợp với một học trò nghèo như Đức. Không có tiền để mua linh kiện mới, Đức lượm lặt những đồ cũ từ máy biến áp, bộ chỉnh lưu đến điện trở, biến trở, quang trở, kể cả đèn LED, rơ-le...
Nguyên lý hoạt động của máy báo trộm cắp là khi có đối tượng đi ngang qua máy, sẽ che ánh sáng laser vào quang trở. Lúc này đèn sáng lên và khi đó, chuông (còi) báo động sẽ vang lên. Công suất dùng cho máy rất thấp (3 - 6V) nên không hao tốn nhiều điện. Đức mong muốn ý tưởng sáng tạo của em sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần. Trước mắt, em gửi dự án máy báo trộm cắp tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do Sở Khoa học - công nghệ tổ chức trong năm nay.
Hỏi về ý tưởng mới, Đức thổ lộ, em đã chuẩn bị đủ vật liệu (trong đó có nhiều linh kiện cũ em xin được), hè này sẽ bắt tay vào thử nghiệm mô hình máy bay tưới nước cho đồng ruộng dựa vào năng lượng mặt trời.
CHÂU NỮ