(QNO) - 1. Tết Nguyên đán cổ truyền từ bao đời nay chỉ có 3 ngày. Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy - vừa đủ cho trọn vẹn một vòng quay thăm viếng những nơi chốn thiêng liêng nhất của đời người: quê nội, quê ngoại và người cho mình tri thức vào đời. Nhưng ở thời hiện đại, khi tâm thức lễ hội trỗi dậy, tết thường dài hơn thế. Với người này có thể là 3 ngày, 5 ngày; với người khác có khi những 10 ngày, nửa tháng.
Riêng xuân Bính Thân này, tết theo... quy định hành chính là 9 ngày. Thiên hạ có dư thời gian để thăm thú đó đây, vui chơi nhảy nhót và thư giãn. Một số loại hình dịch vụ cũng theo đó mà hoạt động xuyên tết. Dịch vụ vui chơi giải trí thì hẳn rồi, tất cả cho tết. Nhiều hàng quán ăn uống cũng không nghỉ tết khi nhiều người vẫn thích kéo nhau ra quán dù ở nhà rượu thịt ê hề. Giới tài xế taxi không những không được nghỉ tết mà còn phải chạy hết công suất. Các cô, các cháu bán vé số cũng đi làm 100% thời gian, vì không có thời điểm nào bán được nhiều vé số như dịp tết. Chợ búa và các cửa hàng bán thực phẩm cũng vậy, hầu như chỉ nghỉ mỗi ngày mồng một chứ không phải đợi sau ngày mồng 9 mới mở bán như xưa. Tết bây giờ, chơi đấy nhưng cũng làm ăn đấy; nhờ vậy mà tết thêm sinh động bằng một dáng vẻ riêng!
2. Những ngày cận tết, hầu như trạm ATM nào cũng đông nghịt người. Do số máy rút tiền có hạn nên mọi người tự giác và kiên nhẫn... xếp hàng trong tâm trạng, hồi hộp và lo lắng. Đất nước đã qua 30 năm đổi mới, cơ chế thị trường đã bám rễ rất sâu, nhiều người đã quen với cảnh chen chúc, len lỏi, tìm cách vượt lên trong nếp sống, nếp nghĩ. Bây giờ thấy cảnh xếp hàng rút tiền, lại nao nao nhớ một thời bao cấp chật vật và thầm nghĩ, thầm mơ về một thứ “văn hóa xếp hàng” cần có trong nhiều sinh hoạt đời thường mà người Việt mình đã vô tình lãng quên một cách đáng tiếc.
Nhìn những dòng người xếp hàng chờ rút tiền ở các trụ ATM, chợt mừng vì biết rằng số người được nhận tiền công, tiền lương qua thẻ đã đông hơn rất nhiều. Ổn định hơn, căn cơ hơn và cũng đã văn minh hơn. Nhưng, thói quen dùng tiền mặt trong tiêu dùng, trong giao dịch vẫn chưa thay đổi mấy. Một nền kinh tế lành mạnh, minh bạch và được kiểm soát tốt trong thu nhập và chi tiêu cá nhân thông qua thanh toán điện tử vẫn còn là một giấc mơ xa...
Một góc chợ hoa xuân Tam Kỳ. Ảnh: P.C.A. |
3. Khi cái ăn, cái mặc đã đủ đầy, ngày tết, không ai là không nghĩ đến việc tậu cho mình một ít hoa. Trước tết năm nay, nhà thơ Huỳnh Minh Tâm ở Đại Lộc có viết bài thơ “Hoa tết năm nay giăng đầy trời”, tình cờ “ứng” đúng y thực tế. Dù thời tiết bất lợi nhưng hoa tết năm nay cực kỳ nhiều, phong phú, đa dạng về chủng loại và giá cả, giăng bán khắp phố cùng quê. Đặc biệt, nhiều loại hoa lạ, độc có xuất xứ nước ngoài cũng góp mặt vào thị trường hoa tết Việt.
Thế nhưng, đi giữa lung linh sắc màu của các chợ hoa tết năm nay, lòng vẫn không thật sự ấm nồng. Không biết từ bao giờ, tâm lý “chờ đến phút 89” mới bỏ tiền ra mua hoa đã lặm vào suy nghĩ của không ít người. Những ngày đầu, họ chỉ đi dạo, ngắm nghía, ngả giá lấy lệ rồi đi. Chỉ đến khi người bán hoa đã mỏi mệt vì ế ương, họ mới nhón tay “mua làm phúc”. Tối 29 tết, nhiều người bán hoa đã bật khóc vì phải bán đổ bán tháo mồ hôi công sức của mình với cái giá quá bèo. Cũng có người mạnh mẽ và quyết đoán hơn, thà băm hoa thành... rác hơn là bán rẻ.
Càng ngày, dường như việc bán hoa tết không dành cho những người yếu tim! Và, không rõ khi mua được hoa giá rẻ ở “phút 89”, người ta có còn thấy hoa lung linh, ấm áp cùng mùa xuân?...
4. Trước thực trạng Tết Nguyên đán ngày càng có biểu hiện phai nhạt hương vị truyền thống, mấy năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã cho phục dựng lại phần nào không gian tết xưa. Tổ chức hô hát bài chòi là một phần trong nỗ lực ấy. Tuy nhiên, tại hầu hết các sân hội bài chòi, số người đến chơi thường rất ít, có chăng thì chỉ những người già. Một cán bộ văn hóa từng bộc bạch rằng không làm thì thấy vắng, thấy buồn mà làm thì lại... buồn hơn!
Dù vậy, tết năm nay, hội bài chòi vẫn được mở ở nhiều nơi hơn mấy tết trước. Khách vẫn thưa, nhưng chỉ ban ngày, còn ban đêm thì không đến nỗi nào. Mừng hơn là người dự chơi không chỉ có ông già bà lão. Như ở hội bài chòi huyện Duy Xuyên, hội bài chòi Trung tâm VHTT Tam Kỳ hay hội bài chòi ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước), hôm nào cũng có khá đông các bạn trẻ dự phần. Rất nhiều bạn trẻ cho biết họ đã từng nghe nói về bài chòi, nhưng trực tiếp ngồi chơi thì đây là lần đầu.
Chưa đủ để làm nên một chỉ dấu về sự quan tâm của người trẻ đối với trò chơi dân gian truyền thống đượm màu tết xưa: bài chòi. Tuy nhiên, nhìn họ chơi một cách háo hức, say sưa và thích thú, chợt thấy tết đẹp hơn!
5. “Tết mà!...” là từ cảm thán mà người ta thường dùng để thể tất cho một hành vi hơi “quá đà” của ai đó trong ngày tết. Đây là một kiểu ứng xử tế nhị, mềm mỏng và có lý lẽ riêng của nó. Tết mà!
Chỉ có điều, đâu đó trong các ngõ ngách tết, cái sự thể tất “Tết mà!...” ấy đang bị lợi dụng. Nhiều người đi chơi tết cứ đầu trần chở 2, chở 3 trên xe máy phóng vù vù. Không ít nhóm thanh niên tụm năm tụm ba nhậu nhẹt hát hò thâu đêm suốt sáng. Nhiều gian hàng trò chơi tổ chức các trò chơi ăn tiền không khác chi đánh bạc. Và nhậu. Quá nhiều người nhậu và nhậu quá nhiều... Vui hơn ngày thường một chút, tung tẩy hơn ngày thường một chút, được thôi, tết mà! Nhưng vui đến mức khiến cho người chung quanh phải nơm nớp lo, phải kiêng dè, phải sợ sệt thì cái sự “Tết mà!...” trở thành chiêu lấp liếm mất rồi!
PHAN CHÍ ANH