Mây không xuống thấp

TRUNG VIỆT 10/09/2019 09:59

Có người bạn nhắn tôi là có lên huyện thì anh lên nhà em ở, nhà mới chứ không phải chỗ lâu nay anh ăn cơm miễn phí đâu. Hỏi làm ở đâu thì hắn nói ở xã Lăng, đất bà con vừa cho vừa được đền bù, bởi ngày trước hắn ở đó. Tôi gật liền. Xã Lăng của huyện Tây Giang, với tôi là nơi đánh dấu những tình bạn vừa xa xôi vừa gần gũi.

Hạ tầng ở Lăng khá tốt.Ảnh: T.V
Hạ tầng ở Lăng khá tốt.Ảnh: T.V

1. Nhà hắn nằm sau đường chính ở xã, mở cửa hậu thì gặp núi cách chừng 10m, có đường bê tông sát chân núi mới làm. Thôn A Rớt này là trung tâm của xã. “Đó là đất rẫy khi xưa của bà con” - hắn chỉ tay, theo đó là dãy núi kéo dài uốn lượn, cao su bạt ngàn - “Chính cái này mới khổ”. Phong trào làm cao su cuốn dân theo, lấy đất rẫy thay lúa trồng lên, đất đó thành đất của doanh nghiệp, bà con chỉ  hưởng công chăm sóc cây, khai thác mủ. Cây cao su đang “chết” vì giá thị trường rớt thê thảm. Tôi đã để ý, cứ rộ lên trồng cây chi, ào ạt tưng bừng một thời gian, là toi liền. “Quá khổ” - ông Pơ Loong Nhớ, nói - “Mình  không được đụng vào cây, chết là đền, nhưng giá thấp quá, sống sao nổi, đất của mình đã đưa họ rồi, giờ chịu thôi”. Ở đồng bằng còn chết đứng vì con này cây kia do chạy theo phong trào, huống là miền núi, nhưng núi thì thảm hơn, dựa vào rừng để sống mà mất đất, không được chặt cây, thì sống bằng gì…

Xã Lăng, thuở mới tái lập Tây Giang, là đại bản doanh tạm thời của huyện. Dù có dã chiến thì trường trại, quán xá cũng dựng lên, và khi rút đi, mọi thứ còn nguyên đó. Ai cũng biết ở miền núi muốn xây dựng đâu có dễ, càng trên cao thì càng khó. Lăng như A Nông, sát huyện, nhưng Lăng lợi thế hơn, ít ra là khoảng cách. Người ta nói chữ, đó là vệ tinh của vệ tinh. Tôi vẫn băn khoăn với câu hỏi, là sát như thế, được gì, không được gì, vì sao? “Thì được chứ, anh thấy đó, hạ tầng điện đường trường trạm, Lăng bây giờ là nhất trong các xã ở Tây Giang (trừ A Tiêng là trung tâm - PV)” - anh Briu Quân - Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện nói - “Lăng đã là xã nông thôn mới hai năm rồi”. “Thu nhập đầu người một năm bao nhiêu?”. “Hơn 28  triệu/năm”.  “Tỷ lệ đói nghèo là mấy?”. “8,6%”. Khá quá!

Tôi đi tìm ông Briu Pố. Ở Lăng, ông là… thương hiệu, còn vì sao thì báo chí nói miết rồi. Ông đang chỉ huy thanh niên làm gươl mới, bởi gươl cũ đã xuống cấp trầm trọng. Đưa tay bắt và cất tiếng “chào anh” mà mắt ông lơ đễnh bởi đang chú mục vào đống gỗ ngổn ngang, tôi thiếu điều quát “anh gì”, nhưng kiềm lại, giật tay anh. “Ồ cái thằng, tau tưởng mi là cán bộ nào. Đi, về nhà!”. “Em ghé nhà không có ai”. “Phân công lao động mà, anh làm guơl thì bả lên rẫy, hà hà, mà răng mi không điện thoại...”. Briu Thị Sen là con gái ông, đang là Bí thư Đảng ủy xã Lăng, nhưng chị vừa ra Hà Nội bảo vệ luận án thạc sĩ. Chủ tịch, hai phó chủ tịch xã cũng đi học. Phó Bí thư xã là ông A Lăng Reng thì xuống thôn làm việc. Từ ngày Tỉnh ủy có chỉ thị về công tác cán bộ, đi xã nào cũng nghe lãnh đạo đi học rồi…

Cao su trên đất rẫy ở thôn A Rớt. Bà con cho rằng trồng cây này không hiệu quả nữa, nhưng đất đã giao rồi.Ảnh: T.V
Cao su trên đất rẫy ở thôn A Rớt. Bà con cho rằng trồng cây này không hiệu quả nữa, nhưng đất đã giao rồi.Ảnh: T.V

2. Tôi đem con số hộ đói nghèo trên ra kể, ông đang cầm cái ly uống nước mà tay vung lên một vòng, cười sằng sặc. “Ôi em ơi, nếu đúng như thế thì 8 xã của huyện này thoát nghèo từ lâu, nông thôn mới hết rồi. Đây, anh hỏi em, dân lấy chi thu nhập, đất sản xuất thì ít, ở xa, cao su thì giá xuống đáy, rừng thì cấm chặt phá, dịch vụ èo uột, tiền đâu mà ra lắm thế?”. Rồi ông chép miệng: “Tính thu nhập bình quân, là quá bậy bạ!”.

Nỗi ngao ngán lần nữa kéo về trong tôi. Năm ngoái tôi ghé xã A Nông, là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện, cán bộ xã cũng nói y chang ông Pố. Nông thôn mới nên không còn bảo hiểm y tế, đau ra bệnh viện huyện không có tiền nộp, dân kêu ầm lên, đến bây giờ còn kêu, nhưng “bút sa, gà chết” hết đường lui rồi. Chỉ cần căn cứ vào lúc ngặt nghèo như đau, mới biết khả năng tài chính từng nhà. Rau rừng, ốc suối, lúa rẫy qua ngày, dịch vụ không có, tiền đâu mà thu với nhập. Lỗi này của ai? Không của ai cả, mà là tất cả, trăm sự do bệnh thành tích mà ra. Thành tích để làm gì chứ, thi đua thực chất mới là quan trọng, y như mấy ông võ sư võ sĩ nói mình tài ba, lên sàn đấu ai xịt đỏ, lúc đó biết liền.

Thông tin tôi nắm được, dân xã Lăng quá nửa là đối tượng chính sách, người ta căn cứ vào đó, cũng là một phần, để tính thu nhập. Nhưng rõ ràng đây là bất cập, bởi đó là đồng tiền xương máu. Cái thực chất là giá trị lao động đưa lại. “Con số đối tượng chính sách ngày càng ít đi, bởi họ lớn tuổi mà” - Briu Quân nói. “Bấp bênh đó em, quá bấp bênh” - ông Pố thở dài - “Đấy, như nhà em Pơ Loong Tư bên kia đường kìa, nó có miếng rẫy nhưng đi ba giờ đồng hồ mới tới, cũng biết điêu khắc theo anh làm thêm, anh tính nó thu nhập một tháng không quá 1,3 triệu, so với bà con ở đây là nó khá đấy, hỏi lấy đâu ra gần 30 triệu chứ? Hôm qua  anh họp chi bộ, nói đề nghị dừng ngay việc cấp bò cho dân”. “Vì sao?”. “Nuôi thì phải trồng cỏ voi cho bò ăn, mà đất thì không có; có thì dân không trồng. Cách đây 3 năm, thôn Pơ Ninh được cấp 48 con bò, chết sạch, vì không ai chăm sóc”. “Ba kích thu nhập được mà…”. “Nhà anh thu nhập là chính thôi, không đủ cung cấp, bà con thì mới trồng”.

3. Khó khăn, là mẫu số chung của miền núi. Sự ưu đãi của tự nhiên không nhiều, nhưng không phải không có. Bà con sống ở rừng, rừng nuôi. Thời buổi đã khác, nhưng chính sách, nói rõ hơn là phương cách tồn sinh được nghĩ ra từ những suy luận đánh giá, bao năm rồi, không ổn định. Tiền của Nhà nước đổ vào cho miền núi, nhiều không kể xiết, nhưng tại sao khó khăn còn bủa vây? Dân trí thấp, địa hình phức tạp, là câu chuyện nói miết. Nhưng xin thưa, cái gọi là dân trí thấp cần phải định vị lại, thấp là thấp gì? Bao nhiêu năm, bao thế hệ nối nhau, được học hành đàng hoàng, không tài giỏi, thì cũng biết đọc biết viết, đi kèm nhận thức. “Cán bộ mới là gốc, là quyết định sự mạnh yếu em à, Đảng nói không sai đâu, vấn đề là làm thế nào thôi” - ông Pố trầm tư – “Bà con Cơ Tu vốn tự ái rất cao, thì hãy đánh vào tự ái của họ, rằng đói là giặc, là khổ là nhục, hãy làm ăn đi, để hết giặc hết khổ hết nhục. Thời gian là vàng bạc, ai cũng ưng có vàng, thì hãy chớp lấy thời gian, vì thời gian đi không trở lại, hãy lao động sẽ cho ra thứ quý hơn vàng. Cán bộ xuống dân, đừng tài liệu sách vở dông dài, càng nói bà con càng không hiểu, mà hãy xắn tay giúp họ quy hoạch đất đai, chọn cây con, phân công lao động hợp lý. Bà con phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình, một người làm mà đẻ 10 người ăn thì lấy đâu ra. Hãy tiết kiệm, anh đọc báo thấy tỷ phú Mỹ mà tiết kiệm ghê, họ không ki bo nhưng tiền đó là công sức lao động, thì phải biết quý”.

Lời ông vẳng bên tai tôi khi sập tối. Bao người như ông thương đất thương đồng bào Cơ Tu lành hiền, có chi nói nấy, họ muốn thoát nghèo thực sự nhưng rối đường ra. Điện sáng dọc đường trung tâm xã, những ngôi nhà như con mắt rừng nhìn ra lặng lẽ. Lăng nằm ở thung lũng, dưới chân núi A Dương. Nhìn nhà cửa gọn gàng, đẹp lắm, khác chi một thị tứ. Còn lâu  lắm Lăng mới thực sự áo ấm cơm no, khi còn quá nhiều vướng mắc phải gỡ. Cái gọi là nông thôn mới ở mình, chẳng ai chịu chấp nhận chẻ hoe ra, hoạch ra, tôi khu biệt ở miền núi, là thực chất ngoài bề nổi, nó tác động đến sinh kế dân ra sao? Ừ thôi thì có hạ tầng rồi đó, cố làm ăn, có đường hướng rõ ràng thực chất, thì sẽ bừng sáng, bởi đây không phải xã vùng cao, mây không sà xuống thấp, nó mà tụt hậu thì không đổ thừa được.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mây không xuống thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO