(QNO) - Mặc dù tác dụng, hiệu quả của máy khử độc thực phẩm ozone vẫn đang gây tranh cãi và các nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo từ lâu về việc sử dụng trong gia đình, song loại máy này vẫn được quảng cáo và bán công khai, không có bất kỳ sự kiểm soát, quản lý nào từ các cơ quan chức năng.
Lờ đi tác dụng phụ, thổi phồng tác dụng chính
Trên thị trường, loại máy khử độc tiệt trùng thực phẩm bằng ozone có nhiều tên gọi khác nhau như: máy tiệt trùng rau quả thực phẩm, máy tạo ozone, máy ozone khử độc thực phẩm, máy sục ozone… Hầu hết các trang web phân phối và bán loại máy này đều quảng cáo nó như một chiếc máy "vạn năng" có thể phân hủy hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt khuẩn, khử độc tố trong thực phẩm, làm sạch không khí và nước uống, phân giải ion kim loại nặng, làm mất màu, mùi, tăng oxy…, thậm chí có máy còn được quảng cáo có khả năng diệt sạch đến 99,99% vi khuẩn trong thực phẩm, loại trừ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, phân hủy hormon tăng trưởng trong thịt cá, ngoài ra còn làm nước ngậm ozone rửa mặt làm đẹp da, diệt vi khuẩn gây mụn trên da, loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn, kích thích tái tạo tế bào da mới.
Tuy nhiên, không chỉ mới đây mà từ lâu các nhà khoa học đã lên tiếng khuyến cáo: Máy ozone chỉ có tác dụng vệ sinh bề mặt với các vết bẩn có thể nhìn thấy hay một số vi sinh vật trên bề mặt rau củ quả, không thể khử được các chất độc hại đã thẩm thấu vào trong rau củ quả. Với thịt, cá nuôi bằng thuốc tăng trọng có những hoạt chất hóa học độc hại đã ngấm vào tế bào thì dù có thái nhỏ hay băm nhỏ thì máy khử độc ozone cũng không thể khử được, chỉ còn cách không ăn thực phẩm đó. Hormon tăng trưởng khi đã ngấm vào thịt thì nó đã chuyển sang dạng khác chứ không còn giữ nguyên.
Đặc biệt, các nhà khoa học còn chỉ ra một số tác dụng phụ của máy sục ozone mà các nhà sản xuất và phân phối đã cố tình lờ đi: ozone là một loại khí độc, nếu để khí ozone từ máy thoát trực tiếp ra ngoài, hoặc thoát từ dưới nước lên, và con người hít trực tiếp, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, ảnh hưởng đầu tiên có thể nhận thấy là bị ho rất mạnh. Đặc biệt tác hại thấy rõ nhất ở trẻ em, những người bị hen suyễn, và những người vận động mạnh ngoài trời. Việc hít khí thải này lâu ngày sẽ làm giảm chức năng phổi, dẫn đến việc phổi và đường hô hấp bị viêm nhiễm mạnh.
Trên thực tế, từ năm 2009, báo Tuổi trẻ đã đăng bài viết "Máy rửa rau quả có thể gây phản tác dụng", trong đó có nêu ý kiến của ông Dương Minh Trí - Phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM: "Về mặt khoa học ozone là một loại khí rất độc, có thể gây bệnh ung thư. Theo nguyên tắc đó, không thể sử dụng ozone trong gia đình, nhà bếp. Để rửa sạch các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chất độc hại có trong rau quả, những chiếc máy sử dụng công nghệ sục khí ozone này phải đạt đủ nồng độ ozone trong nước. Nhưng khi đã đủ nồng độ sát trùng hoặc có thể chưa đủ độ thì khí cũng sẽ thoát ra ngoài bếp nên sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người nội trợ. Việc tiêu diệt nấm mốc trong nhà cũng tương tự như rửa rau quả, nồng độ ozone cũng phải đạt đến một mức nào đó. Khi nồng độ đã đủ để máy phát huy tác dụng thì trong nhà phải không có người. Nếu có người sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác theo khoa học, không được dùng ozone vào nước đã có clo, bởi nó có thể tạo ra một hợp chất mới độc lại bền, trong khi nước máy hiện nay có chứa khá nhiều clo".
Thông tin trên báo Tuổi trẻ đã khiến nhiều người dân đọc được tin này hoang mang, điển hình là 3 người tiêu dùng ở Cần Thơ đồng loạt làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Cần Thơ, đề nghị làm rõ tác dụng cũng như tác hại của máy sục ozone, đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng ngăn chặn việc giới thiệu quảng cáo, hội thảo rầm rộ sản phẩm này.
Tuy nhiên, sau đó không thấy các thông tin làm rõ từ phía cơ quan chức năng, máy tạo ozone sục rửa thực phẩm vẫn tiếp tục được quảng cáo và bán rộng rãi mà không có bất cứ sự quản lý, kiểm soát nào. Đến năm 2011, lại có một số bài báo dẫn lời "ông già ozone" Nguyễn Văn Khải với nhiều thông tin đáng chú ý: "Tôi thật sự đau lòng khi trên truyền hình có quá nhiều sản phẩm được quảng cáo với mỹ từ có cánh, thổi phồng lên. Nhiều người quảng cáo máy sục ozone có thể khử độc, khử khuẩn và làm sạch thực phẩm, nhưng khử độc đến mức độ nào là điều đáng bàn. Khi tôi thử nghiệm cho một quả cà chua vẫn còn ít đất bám ở vỏ vào máy sục ozone thì sau 10 phút quả cà chua vẫn không được làm sạch đất. Vậy thì tương tự với các chất độc, có những loại chất độc sẽ không khử được. Có những hóa chất sau khi sục ozon sẽ được giảm đi, nhưng có loại thì tính chất không thay đổi, thậm chí tăng lên. Hơn nữa, ozone không phân biệt được chất độc hại hay chất bổ dưỡng,nghĩa là cứ gặp hóa chất trong thực phẩm là nó phân hủy, do đó một phần chất hữu ích bị mất đi do tác dụng của ozone". Theo nghiên cứu của TS. Khải, trong quá trình hoạt động máy còn tạo ra oxit nitơ rất hại cho đường hô hấp. Một máy ozone đúng tiêu chuẩn cần phải có bộ phận xử lý làm khô không khí (thiết bị khử ẩm) để khắc phục tình trạng tạo ra oxit nitơ, nhưng đa số các máy ozone bán trên thị trường đều không có bộ phận này vì làm giá thành máy tăng cao.
Những bài báo nói trên vẫn không ngăn cản được sự phát triển của thị trường máy sục ozone. Đến năm 2013, báo chí lại đăng tải khuyến cáo của ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội và kỹ sư Nguyễn Đăng Lương, chuyên gia về khí ozone, nguyên cán bộ Phân viện Vật lý TP.HCM về tác dụng thực sự của máy sục ozone cũng như các lưu ý khi sử dụng. Các thông tin tiếp tục khẳng định tác dụng của máy khử trùng thực phẩm bằng ozone đã bị thổi phồng. Ông Nguyễn Hồng Anh khuyến cáo: Người dân không cần thiết phải mua máy ozone bởi giá trị bỏ ra để mua máy không đáp ứng được những gì người dân mong muốn và không đủ căn cứ để thuyết minh cho lợi ích nó mang lại. Ozone chỉ lợi ích là làm sạch bề mặt, không có tác dụng với các chất độc đã thẩm thấu.
Câu chuyện vẫn tiếp tục được đề cập trên một số bài báo vào năm 2014, và mới đây nhất, đầu tháng 9 năm nay, 2016, nhiều tờ báo lại công bố một loạt bài viết phỏng vấn các nhà khoa học về vấn đề này, điển hình như GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định máy sục ozone không khác gì thuốc tím, thuốc trừ sâu khi đã lọt vào lá rau sẽ chuyển hóa ngay thành các sản phẩm của tế bào, làm sao dễ dàng rút ra ngoài được? So với máy ozone, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, thuốc tím còn rẻ hơn rất nhiều mà tối thiểu đã được nghiên cứu dùng để diệt được một số vi khuẩn, nhưng không có tác dụng đối với trứng giun, chưa kể các hóa chất trừ sâu. Mỗi năm chúng ta nhập tới hơn 100 nghìn tấn của 4.100 thương hiệu trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó có 1.600 hoá chất khác nhau, nên không thể biết đó là chất gì, vì thế nếu chúng ta sử dụng ozone sẽ không có tác dụng nào cả.
Như vậy, rõ ràng giới khoa học đều đã nhận biết về tác dụng thực sự của máy khử trùng ozone và sản phẩm này đã bị quảng cáo quá đà, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng điều khó hiểu là tại sao các thông tin như vậy không được gửi đến các cơ quan chức năng cũng như không được cơ quan quản lý thị trường để tâm, hội bảo vệ người tiêu dùng cũng không có hành động nào cảnh báo, khuyến cáo người dùng?
Vẫn quảng cáo và bán công khai
Hiện nay vào mạng tìm kiếm với từ khóa "máy sục ozone" hoặc "máy khử trùng ozone", bạn vẫn có thể tìm thấy hàng chục trang web quảng cáo và bán sản phẩm này. Các thông tin quảng cáo vẫn giữ nguyên kiểu quảng cáo thổi phồng về tác dụng của máy sục ozone. Trên một số trang web, khách hàng vẫn có thể đặt mua online sản phẩm này dễ dàng.
Tuy nhiên, dường như người tiêu dùng cũng đã nhận thấy những bất ổn của dòng máy này nên không còn mặn mà mua sắm. Khảo sát của VnReview tại một số siêu thị lớn như Pico, Mediamart, Big C thì không thấy bán mặt hàng này nữa. Trên website của Mediamart vẫn có nhiều mẫu nhưng tại 2 chi nhánh của hệ thống siêu thị điện máy này đều không có hàng, nhân viên bán hàng nói từ nửa năm nay đã không còn kinh doanh bất kì sản phẩm máy sục ozone nào nữa, khách hỏi mua máy sục cũng rất ít. Một số cửa hàng bán đồ gia dụng và thiết bị lọc nước dọc các phố Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Láng hầu như không bán máy lọc ozone.
Mặc dù lượng hàng đã giảm đi nhiều nhưng không phải không có. Tại một cửa hàng tại Ngã tư Sở, quận Đống Đa chúng tôi vẫn thấy có bán 2 mẫu (trên web quảng cáo rất nhiều mẫu) gồm Sukawa O3 Nhật Bản và BK - Zone H08.1 của Việt Nam, người bán hàng cho biết gần đây ít người hỏi mua máy sục ozone.
Rất có thể, thị trường đã tự nó đào thải loại máy này khi người tiêu dùng không mua và sử dụng nữa. Tuy nhiên, không ai đảm bảo rằng những chiếc máy còn tồn trên thị trường sẽ không một ngày nào đó được mua bởi những người tiêu dùng thiếu thông tin, nếu như chúng vẫn còn được bày bán công khai.
Ứng xử thế nào với máy ozone đã mua?
Thực tế, máy sục ozone ít nhiều cũng có tác dụng khử trùng trên bề mặt của thực phẩm, điều này cũng đã được chứng minh bởi các công trình nghiên cứu khoa học quốc tế. Bản thân "ông già Ozone" Nguyễn Văn Khải đã hướng dẫn nhiều nông dân sử dụng nước ozone để khử trùng và bảo quản trái cây nhưng ông cũng khuyến cáo không nên sử dụng trong gia đình do những nguy cơ của nó đối với sức khoẻ. Người dùng cần nhận thức ngưỡng an toàn của ozone để sử dụng đúng cách.
Theo bài viết của tiến sĩ TS. Nguyễn Quốc Vọng, Viện Nghiên cứu rau hoa quả Gosford, Bộ Nông nghiệp New South Wales, Úc đăng tải trên trang web Ykhoa.net năm 2008, thì: Ngưỡng an toàn của ozone được tính theo đơn vị nồng độ và thời gian mà con người hít thở trong môi trường có ozone. Đơn vị này gọi là Time Weighted Average. Ngưỡng này, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 0,06 ppm (part per million – phần triệu) cho tám giờ. Có nghĩa là chúng ta có thể hít thở không khí có nồng độ ozone không quá 0,06 ppm liên tục trong tám giờ mà vẫn không có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên đã có nhiều báo cáo cho rằng ngay với nồng độ 0,06 ppm, đường hô hấp của một số người đã bắt đầu có vấn đề. Cho nên khi ngửi được mùi hôi tanh của ozone (chỉ ngửi được mùi ozone khi nồng độ khoảng 0,02-0,05 ppm), thì đã bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi sử dụng máy Ozone để ngâm/rửa rau quả, chúng ta cần phải chú ý đấn các điểm sau:
1. Ở dạng khí hay dạng hoà với nước, Ozone đều có khả năng giết được bào tử của nấm và vi khuẩn ở mặt ngoài rau quả, nhưng không khử trùng ở bộ phận hư thối đã có sẵn trên rau quả. Do đó sau khi ngâm/rửa rau quả xong là dùng ngay, không nên cất trong tủ lạnh, vì như vậy bệnh (nếu có) vẫn lây lan như thường.
2. Nếu sử dụng Ozone ở dạng pha nước, phải sử dụng nước sạch thì hiệu quả việc khử trùng mới cao. Một khi nước bị dơ hoặc sử dụng nước dơ, Ozone hoàn toàn không có tác dụng. Như vậy nên sử dụng nước sạch, và ngâm/rửa Ozone vào lần rửa cuối cùng. Nước Ozone này chỉ dùng 1 lần.
3. Ozone có khả năng tiêu huỷ tác dụng của thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên việc tiêu huỷ này nhanh chậm khác nhau tuỳ theo loại thuốc, có loại bị tiêu huỷ ngay trong vòng 30 phút nhưng cũng có loại phải ngâm đến 6 giờ mới tiêu huỷ hoàn toàn 100%. Như vậy nếu sợ trong rau quả có thuốc BVTV, nên ngâm ít nhất trên 30 phút.
4. Ozone là loại khí oxit-hoá mạnh nhất trong nhóm các loại khí khử trùng, nên ở nồng độ cao, Ozone có hại cho sức khoẻ của con người, nhất là đối với những người bị phổi yếu hoặc hen suyễn. WHO quy định nồng độ an toàn của Ozone là < 0,06ppm trong 8 giờ. Khi ngửi được mùi hôi tanh của Ozone - là lúc nồng độ Ozone đã có khoảng 0,02-0,05ppm, bà con nên tránh xa ngay, nhất là với người bị hen suyễn hoặc trẻ em.
5. Vì oxit-hoá mạnh nên khí Ozone có thể làm hư hại, hoen gỉ tất cả các bộ phận trong nhà (ngoại trừ vàng và platinum) nếu Ozone bị rò rỉ.
6. Ở nhiệt độ cao (không rõ bao nhiêu?) Ozone có thể phát nổ nếu có chất xúc tác thích hợp như đồng và crôm (chromium). Vậy thì máy Ozone nên để nơi thông thoáng, mát mẻ.
Theo vnreview.vn