Làng/xã Địch Thái, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xưa được dân gian gọi chung là “vùng chợ Quán Gò”. Địa giới làng này nay thuộc về một số thôn phía đông nam của xã Bình An, huyện Thăng Bình. Tại đây, hiện còn một số tư liệu và dấu tích xưa đáng chú ý.
Cuốn điền bạ thời Gia Long
Tại nhà ông Hồ Thắng Tùng (75 tuổi, ở tổ 3, thôn An Thành 2, xã Bình An, xưa gọi là xóm Gò Tre) hiện còn bảo quản một bản sao cuốn sổ bộ ruộng đất (điền bạ) làng Địch Thái. Bản sao này lập vào ngày 20 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 27 - 1874 do một sĩ nhân (học trò đang chờ thi hương) tên là Nguyễn Khắc Giai chép lại từ cuốn điền bạ làng Địch Thái lập khoảng từ năm Gia Long thứ 9 đến năm Gia Long thứ 13 (1810 - 1812). Tra cứu cuốn điền bạ này có thể biết các làng xã giáp giới bốn phía (tứ cận) với Địch Thái gồm xã Tuân Dưỡng, xã An Thái (phía bắc); xã Thạch Tân, phường Tây An (phía đông); xã Tây Mỹ, xã Bình An, xã Bắc Lâm (phía tây). Các xã phường này đều (được ghi) thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Riêng phần giáp giới phía nam, bản sao này ghi giáp giới là xã Khánh Mỹ (xưa nằm trong địa phận xã Tú Tràng, tổng Vinh Hoa, thuộc Liêm Hộ, huyện Hà Đông). Tất cả địa phương trên nay thuộc địa bàn huyện Thăng Bình, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ. Đối chiếu bản sao này với tư liệu địa bạ triều Nguyễn trước đây từng lưu ở TP.Hồ Chí Minh (do ông Nguyễn Đình Đầu khảo cứu và công bố vào năm 2010) thấy rất trùng hợp.
Ở vùng Nam Quảng Nam, ngoài tập địa bạ làng An Hà (nay là khối phố An Hà, TP.Tam Kỳ), tập điền bạ làng Địch Thái là một tư liệu quý về nhiều mặt.
Dấu tích đầm Chiên Đàn xưa
Khảo sát địa danh (chữ Nho và chữ Nôm) kê trong cuốn điền bạ làng Địch Thái nói trên có thể nhận ra một số tên xứ đất như: Bà Trung, Bồ Minh, Bàu Đưng, Bàu Súng, Bàu Luân, Bàu Trại, Bến Đá, Biểu Bi - Trở Úy, Cồn Miếu, Cồn Mối/Muối, Cồn Lâm, Cây Phí - Cửa Dương, Đồng Bàu, Đồng Tràm, Câu Nhi, Cô Nhi, Cây Thị, Đầu Cầu - Đồng Trận, Gò Dưa, Gò Trù, Ông Kỳ, Trà Ba, Trà Quang, Vườn Nề… Theo một số lão nông địa phương, một số tên kể trên nay không còn; những tên xứ đất hiện còn - từng được ghi trong các bản trích lục ruộng đất lập trước năm 1945 - một số thuộc về cánh đồng trũng rất rộng nằm hai bên quốc lộ đoạn từ chợ Quán Gò - xã Bình An, Thăng Bình vào đến tháp Chiên Đàn - xã Tam An, Phú Ninh và kéo dài xuống đến vùng cát phía đông.
Theo ông Nguyễn Văn Ngôn (68 tuổi, từng là cán bộ vật tư hợp tác xã rồi làm cán bộ địa chính xã Bình An), vào năm 1979, có đoàn cán bộ “khảo sát nông hóa thổ nhưỡng” - trong đó có GS. Trần Quốc Vượng đến khảo sát cánh đồng trũng này. Kết quả khảo sát (mà ông Ngôn nghe các cán bộ đoàn này kể) cho biết đây là dấu tích của một vụng biển cổ sau biến thành đầm rồi thành đồng ruộng. Đối chiếu với các tư liệu xưa ở địa phương, hầu như ruộng đất làng/xã Địch Thái được nêu trong điền bạ trên đều tọa lạc ở vùng phía nam và phía đông của đầm Chiên Đàn – vụng đầm rất rộng ở Nam Quảng Nam từng được ghi tên trong các sách địa chí xưa như Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí…
Đình làng và dấu tích tiền hiền
Bản thảo bài viết về Lịch sử và di tích làng Địch Thái do cư dân của ba thôn An Thành 1, 2, 3 (thuộc địa bàn xã Địch Thái xưa) soạn cho biết như sau: “Làng gồm các tộc Nguyễn, Trần, Ngô, Hồ, Phạm, Phan, Võ, Bùi, Đỗ, Huỳnh, Lương. Thời trước, các tộc thường sống theo từng thôn như tộc Ngô ở xóm Chùa (thôn Bắc Lâm cũ), tộc Hồ, tộc Trần Đình ở xóm Gò Tre (thôn Đông Thành cũ) và xóm Gò Cao (thôn Tây Phú cũ), tộc Trần Văn ở xóm Gò Làng (thôn Trung Thành cũ), các tộc Võ, Bùi, Đỗ, Huỳnh ở Quán Gò (thôn Gia Thạnh cũ); còn cư dân tộc Nguyễn thì sống khắp cả năm thôn nói trên”.
Đến nay, chưa tìm ra được tư liệu xác nhận họ tộc nào ở Địch Thái được công nhận danh vị tiền hiền, chỉ biết thủy tổ bốn họ tộc Nguyễn, Trần, Hồ, Ngô là những vị đến định cư ở vùng đất này sớm nhất. Vì thế, trong tấm bia dựng trước ngôi mộ vọng tưởng niệm tiền hiền nằm ngay phía tay phải đình làng, các tộc phái nói trên chỉ ghi tổng quát “Tiền hiền Địch Thái chi linh mộ” và ghi “Chư tộc phái làng Địch Thái đồng lập thạch”. Đây là nét tưởng niệm đặc biệt, ít gặp ở các làng xã vốn đã bị mất tư liệu làm chứng về công tích quy dân lập ấp của các bậc tiền hiền làng.
Ở xóm Gò Tre có mộ bà Trần Thị Nhiều - quê ở Địch Thái, tại thế vào thời Gia Long. Bà này lấy chồng họ Ung ở thôn Vạn Long, làng Chiên Đàn. Vợ chồng không con, chồng mất, về già bà đem giấy tờ sở hữu ruộng đất hơn 31 mẫu về tặng để sáp nhập vào địa bộ làng. Do đó, bà được phong là “Hậu hậu hiền” của làng.
Gian giữa đình làng Địch Thái có bàn thờ chính thờ Tiền hiền với cặp câu đối được cho là chép lại từ xưa: “Tiền nhân công đức sáng lập bổn hương Địch Khương cựu/ Hậu thế kế thừa chấn hưng chính xã Địch Thái tân”. Qua đó, có thể biết tên xưa của Địch Thái vào thời các chúa Nguyễn là Địch Khương; đến đầu thời Gia Long phải đổi do kỵ húy. Theo mô tả của cư dân địa phương: “Đình này bề ngang 15 mét, sâu 8 mét gồm 5 gian 4 mái với 5 hàng cột mít có đường kính 50cm và các đòn tay tròn đường kính 15cm, mái ngói âm dương; trính kèo được chạm trổ hoa văn của các tay thợ lão luyện Vân Hà (một làng làm mộc cổ nổi tiếng gần đó - NV), tường đá ong xây vôi dày 40cm” (tư liệu đã dẫn - NV).
Khoa bảng làng Địch Thái
Suốt hành trình khoa cử thời Nguyễn, ở Địch Thái chỉ có hai người đỗ đạt: Đó là hai anh em ruột đỗ cử nhân cùng khoa. Tên hai ông này được sách Quốc triều Hương khoa lục (ghi danh sách những người đỗ cử nhân trở lên trong các khoa thi triều Nguyễn) và bia Lễ Dương huyện khoa hoạn (ghi tên các người trong huyện Lễ Dương - Thăng Bình xưa đỗ từ tú tài trở lên trong các khoa thi mở từ năm 1813 - thời vua Gia Long đến năm 1918 - thời vua Khải Định). Đó là ông anh Trần Thúc Độ và ông em Trần Thúc Vịnh cùng đỗ cử nhân khoa thi năm Canh Tuất - 1850 niên hiệu Tự Đức thứ ba. Ông anh đỗ vị thứ 37, ông em đỗ vị thứ 39 trong số 48 người đỗ cử nhân ở trường thi Thừa Thiên năm ấy. Ông em thi lần đầu đỗ ngay cử nhân; ông anh đỗ cử nhân ở lần thi thứ hai; lần thi trước đó (Đinh Mùi - 1847) ông anh chỉ đỗ tú tài. Theo Văn bia khoa hoạn huyện Lễ Dương đã nêu, sau khi đỗ cử nhân, ông Trần Thúc Độ được bổ làm Tri huyện Tân Định (chưa rõ ở tỉnh nào? - NV) còn ông em được ghi “vị cập sĩ” (chưa được bổ làm quan).
Hiện ở nghĩa địa Gò Quán thôn An Thành 3 xã Bình An có hai ngôi mộ xưa mang phong cách kiến trúc mộ thời Nguyễn. Một mộ toàn bằng vôi, bia cũng tô vôi, chữ khắc trên bia quá mờ không nhận dạng được. Mộ kia thành/huynh mộ và cổng cũng xây vôi nhưng bia và mặt nấm đều toàn bằng đá tốt. Trên tấm bia mộ này, đọc được nội dung như sau: “Hoàng Triều: Canh Tuất khoa Cử nhân Trần Thiếu Tuấn chi mộ” (Mộ ông họ Trần - hiệu Thiếu Tuấn, đỗ Cử nhân khoa thi năm Canh Tuất - 1850). Bia này lập vào ngày tốt của tháng 8 năm Tự Đức thứ 7 - 1854. Người lập bia được ghi là “Thân đệ Trần Văn Tuần”. Căn cứ vào câu đối phía trước ngôi mộ của bia này: “Đoản cảnh nhất triêu bi địch lộ/ Phương danh thiên cổ tráng sơn hà” (Phỏng dịch: Sớm vội lìa đời, sương giọt cành lau rơi thống thiết/ Tuổi tên còn đó, sông kia núi nọ mãi ghi danh) và hiệu bia “Hoàng Triều” chỉ dành cho quan lại, có thể phỏng đoán đây là mộ ông anh Trần Thúc Độ.