Mây ngàn soi bóng…

ALĂNG NGƯỚC 11/06/2022 07:20

Ông Bh’riu Pố ngắm nghía bức tượng gỗ đặt bên trong một nhà hàng ở Tam Kỳ, rồi dùng tay ước lượng kích thước. Gật gù một hồi lâu, khi trở lại bàn, mắt ông Bh’riu Pố vẫn không rời khỏi hướng nhìn về tác phẩm nghệ thuật, sự tâm đắc hiện trong đôi mắt của người nghệ sĩ núi rừng.

Nghệ nhân Bh’riu Pố kể chuyện với du khách về văn hóa Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nghệ nhân Bh’riu Pố kể chuyện với du khách về văn hóa Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những người yêu văn hóa miền núi chắc chẳng xa lạ gì ông Bh’riu Pố. Một cụ già lúc nào cũng bận rộn với công việc chung của làng, như thể ông sinh ra là để phụng sự cộng đồng với những dự án mang câu chuyện rất riêng về mẹ rừng.

Ông nói, động lực lớn nhất với mình, lúc này, là chuyện bảo tồn bản sắc văn hóa. Bởi thực tế, có nhiều thứ đang “đẩy” văn hóa Cơ Tu xa hơn với nếp sống cộng đồng xưa cũ.

“Văn hóa với cuộc sống được ví như máu với thịt, không thể tách rời. Vì thế, chỉ duy nhất có thể làm để duy trì sự sống, là phải yêu lấy văn hóa cội nguồn” - ông Bh’riu Pố nói lúc chuẩn bị rời phố. Trong ánh mắt, niềm tự hào thoáng hiện trên gương mặt của nghệ nhân vừa bước sang tuổi 75.

1. Vài tuần trước, khi Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 diễn ra tại Hội An, ông Bh’riu Pố xuất hiện như một “đạo diễn” của gian trưng bày nghề truyền thống Cơ Tu.

Nhiều bức tượng gỗ được ông mang đến, không chỉ thu hút du khách về sự độc đáo, mới lạ, mà còn bởi câu chuyện được kể trong đó. “Mẹ rừng” hay một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc khác mang ngôn ngữ tạo hình Cơ Tu cuốn hút và đầy sinh động.

Pơloong Plênh - cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang nói với tôi, tất cả sản phẩm điêu khắc mà Bh’riu Pố và các nghệ nhân Cơ Tu địa phương mang đến đều mang ý nghĩa triết lý về cuộc sống sinh tồn và câu chuyện văn hóa vùng cao.

Như bức tượng gỗ điêu khắc mang tên “Mẹ rừng” của nghệ nhân Bh’riu Pố, không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn biểu thị về thái độ ứng xử với rừng của cộng đồng làng. Tác phẩm khắc họa một người đàn bà mặc tấm choàng thổ cẩm, mặt mày nhăn nhó, thân hình gầy rộc, hai bầu ngực bên to, bên nhỏ không cân xứng.

“Đó là hình mẫu của mẹ rừng. Sau thời gian bị vắt cạn bầu sữa, đã không giữ được thân hình như trước. Mẹ rừng dần yếu, như một hồi chuông cảnh báo về tình trạng khai thác thiên nhiên quá mức” - Pơloong Plênh giải thích về ý nghĩa của bức tượng.

Nhưng, triết lý không nằm ở đâu xa xôi, mà ngay trong lời nói của già Bh’riu Pố mỗi khi tụ họp dân làng. Hun đúc từ câu chuyện thực tiễn, già Bh’riu Pố chia sẻ về hành động và cách nghĩ của mỗi người trong từng trường hợp cụ thể.

Gói gọn bằng những lời ví von, già Bh’riu Pố nhắn nhủ đến cộng đồng về tinh thần đoàn kết, bảo vệ mẹ rừng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi nhớ mãi câu ví của già Bh’riu Pố lúc làng Arớh (xã Lăng, Tây Giang) của ông tổ chức ngày hội đoàn kết. Đại ý rằng, cuộc sống phải như cây tre, dù bị chặt đi thân cây nhưng chỉ vài ngày sau đó, chồi non sẽ nhú lên.

“Nhưng, bà con biết vì sao cây tre có thể sống lại không? Đó là vì nhờ nguồn dinh dưỡng của mẹ rừng. Chính mẹ rừng đã nuôi dưỡng để cây tre có thể sống dậy dù điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Dân làng ta cũng thế, cuộc sống sinh tồn có từ ngàn xưa đều dựa vào mẹ rừng. Vì thế, phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ mẹ rừng như bảo vệ chính ngôi nhà của mình vậy. Bà con có đồng ý không?”. Câu nói vừa dứt, tiếng vỗ tay tán dương râm ran cả gươl làng trong ngày vui kết đoàn.

2. Nói chuyện với ông Bh’riu Pố, bất chợt làm tôi nhớ đến câu chuyện của Bh’riu Quân, cán bộ Mặt trận của Tây Giang. Hôm đó, chúng tôi ngồi dưới gươl, hàn huyên sau thời gian xa cách.

Giữa cuộc vui, câu chuyện lan sang vai trò và triết lý sống của các già làng. Triết lý đó không chỉ được nhắc nhiều ở nghệ thuật nói lý - hát lý, mà thể hiện rõ trong nhân cách sống của những người-con-mẹ-rừng. Một vốn quý được trao truyền cho con cháu, cộng đồng.

Già làng vùng cao, vai trò chủ đạo không thể thiếu trong cộng đồng làng mỗi dịp lễ hội truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Già làng vùng cao, vai trò chủ đạo không thể thiếu trong cộng đồng làng mỗi dịp lễ hội truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bh’riu Quân nói, trong rất nhiều giai thoại về già làng vùng cao, anh nhớ mãi câu chuyện về ông Arất Cước (trú thôn Adinh, thị trấn Prao, Đông Giang). Ông Cước là hình mẫu về tinh thần nêu gương, vượt qua gian khó, truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ vươn lên trong cuộc sống. “Không để thời gian chết”, câu cửa miệng của ông Arất Cước trở thành động lực để cộng đồng noi theo trong suốt hành trình nỗ lực thoát nghèo.

“Ngồi với ông Arất Cước rất thú vị. Bởi mỗi câu chuyện của ông là một bài học về tinh thần hăng say lao động. Với ông, thời gian không bao giờ lãng phí, nên lúc nào cũng thấy ông bận rộn công việc.

Buổi sáng, trong lúc chờ cơm chín hay đợi nước sôi để pha trà, ông tranh thủ xuống vườn chăm sóc rau, hoặc ngồi đan chiếc gùi, tạc tượng gỗ... Cứ thế, ông trở thành điển hình của địa phương trong lao động sản xuất, với các mô hình trồng rừng và bảo tồn văn hóa truyền thống, làm du lịch” - Bh’riu Quân kể.

Những già làng vùng cao, mỗi người mang câu chuyện riêng biệt nhưng có chung điểm nhìn là nêu gương cộng đồng trong bảo tồn bản sắc, vận động thoát nghèo bền vững, giữ mối tình gắn kết làng bản, tộc họ… Người ta ví lời nói của già làng như tiếng trống k’thu vọng giữa non ngàn, tạo nên điểm tựa giúp “xốc” lại tinh thần của cộng đồng sau mỗi lần chùng xuống.

Nhớ Già Y Kông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang từng nói với tôi, ở vùng cao, vai trò của già làng được xem như cầu nối xuyên suốt trong hành trình bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Bằng cách này hay cách khác, chính họ đã chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng một cách đủ đầy và hữu hiệu nhất. Vì thế, già làng chính là hình mẫu để cháu con học tập, noi theo.

3. Hôm nọ, tôi ngồi với già Hồ Văn Du dưới nóc nhà người Xê Đăng ở Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My). Khách đến, vẫn phong tục cũ, già Du lấy từ trong xó bếp một ghè rượu cần, mời uống.

Sau lễ cúng máng nước, người Xê Đăng thường dành riêng “món quà may mắn” cho khách, hàm nghĩa cầu sức khỏe và mọi sự bình an.

Trước khi mời rượu, già Du lấy từ bên trong chiếc ché phần xác của nếp than và vỏ trấu, rồi bôi một ít lên trán khách. Ông nói, đó là tục của người Xê Đăng, thể hiện sự hiếu khách, cũng như mong điềm lành đến với mọi người trong cuộc sống.

Du khách chụp ảnh cùng nghệ nhân làng nghề truyền thống Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách chụp ảnh cùng nghệ nhân làng nghề truyền thống Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già Du, từng biết đến với vai trò là người tiên phong chăm sóc sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Chính nhờ thái độ ứng xử chuẩn mực với mẹ rừng, mà bây giờ, mô hình dược liệu trở thành “của để dành” của hàng chục hộ đồng bào địa phương. Những tỷ phú rừng xanh đang dần xuất hiện, một lần nữa khẳng định vai trò chở che, bảo bọc của mẹ rừng với con dân của núi.

“Phải yêu sâm, yêu rừng thì mới sống được với rừng, làm giàu được từ sâm” - già Du từng nói với tôi như vậy, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến “thủ phủ sâm Ngọc Linh” hồi mấy năm trước.

Nhưng, thời điểm sâm Ngọc Linh chỉ còn là “cây thuốc giấu”, trong suy nghĩ của người Xê Đăng, công việc của già Du là điều… không bình thường. Chỉ đến khi giá trị thực sự của sâm Ngọc Linh được khai mở, người ta mới hay, chính già Du là người “đi tắt, đón đầu” nên học theo cách làm đó để phát triển vườn sâm, chuyển hướng đổi đời một cách kỳ diệu, như bây giờ.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng nói rằng, vài năm trở lại đây, sâm Ngọc Linh trở thành cây chủ lực giúp nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo nhanh chóng. Có người trở thành tỷ phú, viết tiếp câu chuyện làm giàu cho cộng đồng.

Khi cuộc sống ngày càng đổi khác, người Ca Dong, Xê Đăng bắt đầu nghĩ đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Nhiều nhà làng truyền thống, điểm truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre… được hình thành, góp thêm vào mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào theo chủ trương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mây ngàn soi bóng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO