Những ngày qua, nhiều ngư dân vùng ven biển Quảng Nam chờ cho biển lặng là ra khơi với nghề mành nhí (khai thác tôm hùm con). Tuy không hiệu quả như năm ngoái nhưng nhiều người hy vọng mùa tôm nhí năm nay sẽ có thêm khoản thu nhập để trang trải trong dịp tết.
Phương tiện khai thác tôm nhí chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Đ.HẢI |
Ngư dân biển quan niệm, tôm nhí là “lộc trời”. Những vùng biển có rạn san hô như Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) là nơi tôm nhí ở nhiều. Trong các kiểu đánh bắt của nghề biển không có nghề nào đánh bắt nhẹ nhàng mà “có ăn” như khai thác tôm nhí. Mỗi ngày cứ khoảng 5 - 6 giờ chiều là ngư dân nhổ neo ra khơi chong đèn, đợi tôm bu vào mành, đến sáng kéo mành lên và thu hoạch.
Mùa mành nhí có thời gian khai thác rất ngắn (khoảng từ tháng 10 đến tháng giêng âm lịch), nhưng mọi năm đây là khoảng thời gian nhiều ngư dân có của dư của để. Anh Trần Duy Điền (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết, mùa biển lặng (từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch), phương tiện của anh gắn bó với nghề mành mùng, đến tháng 11 âm lịch hằng năm lại sửa soạn khai thác tôm nhí. Năm ngoái, nhiều phương tiện khai thác mành nhí ở vùng biển bãi ngang Núi Thành có những chuyến biển bội thu. Trung bình sau mỗi đêm khai thác, 1 phương tiện đánh bắt được khoảng 100 con tôm, thu nhập hơn 20 triệu đồng. Đặc biệt trong thời điểm tết âm lịch, ngư dân vẫn ra khơi và liên tiếp trúng lớn, có phương tiện thu nhập hàng trăm triệu đồng sau chỉ một đêm khai thác.
Năm nay nhiều ngư dân đầu tư thêm phương tiện, chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyến tìm kiếm “lộc trời”. Cách đây hơn 1 tháng, anh Nguyễn Văn Thế (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) bỏ chuyến biển câu khơi giữa mùa để về sửa san ghe thuyền, mua thêm ngư lưới cụ để khai thác mành nhí. Tuy nhiên, anh cho biết, không như năm ngoái, trong các chuyến biển vừa qua nhiều phương tiện mành nhí lỗ “tổn” vì thất thu. Anh nói: “Tôi đầu tư gần 70 triệu đồng nhưng mấy chuyến biển vừa qua chỉ thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Năm ngoái, vào thời điểm này tôi cầm chắc trong tay vài chục triệu đồng, có tiền để lo tết cho gia đình. Nhưng năm nay thì phải xin tiền thêm của vợ để mua dầu ra biển...”. Theo anh Điền, con tôm nhí chỉ rộ lên một thời gian ngắn nên dù những chuyến biển vừa qua không đạt hiệu quả nhưng ngư dân vẫn hy vọng ở những chuyến biển kế tiếp. “Nghề mành nhí rất may rủi do ngư dân chưa nắm bắt được quy luật di chuyển của con tôm và không có thiết bị hỗ trợ nào trong việc tìm kiếm, phát hiện ngư trường. Tuy nhiên, nghề này thật ra không phải là nghề chính, nếu năm nay “lộc trời” không đến thì xếp ngư lưới cụ để đó, chờ năm sau” - anh Điền nói.
Hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 500 phương tiện khai thác nghề mành nhí, riêng xã Tam Hải có khoảng 370 phương tiện nhưng do mất mùa nên hiện chỉ có khoảng 190 phương tiện ra khơi. Ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, những năm qua nghề mành nhí đem lại thu nhập khá cho người dân địa phương. Đặc biệt ở thời điểm cận tết, nhiều ngư dân có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống và đầu tư phương tiện đánh bắt cho mùa biển chính trong năm. Tuy nhiên năm nay mùa tôm nhí thất thu, không ít phương tiện phải nằm bờ vì ra khơi sợ lỗ chi phí. “Những năm gần đầy, đời sống của những người dân vùng biển gặp rất nhiều khó khăn. Nghề câu mực khơi được mùa nhưng mất giá, nghề tôm nhí được giá gấp đôi năm ngoái thì lại mất mùa. Ở biển cũng rất khó chuyển đổi nghề cho ngư dân, đánh bắt ven bờ cũng khó dần bởi ngư trường đang bị thu hẹp” - ông Tường nói.
Đông Hải