Mây trắng Điện Biên

PHẠM PHÚ PHONG 22/04/2014 11:05

(QNO) - “Trời Điện Biên mây trắng/ Gió lưng đèo chiến thắng...”. Suốt chặng đường mấy nghìn cây số, từ Huế lên Điện Biên rồi từ Điện Biên quay về Huế, chỉ có một lần anh Thọ, lái xe bật bài “Chiến thắng Điện Biên”, nhưng những vòm cong âm thanh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cứ theo tôi đi suốt cả quãng đường dài, như đã nặng đầy trong tâm tưởng bấy lâu nay.

Điện Biên mùa này hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, trắng cả đường phố, công viên. Buổi sáng trời trong veo như mắt trẻ thơ, hoa điệp với màu mây trắng kéo về tầng tầng lớp lớp, cuồn cuộn xếp hàng thành đội ngũ, trắng đến mức tưởng như cắt lát ra vẫn cứ màu trắng ấy. Buổi trưa và chiều, nắng tươi lung linh chứ không vàng rực rỡ, lại được tiếp viện thêm màu khói đốt nương rẫy của đồng bào, làm khóe mắt cay cay, khi đứng trước những ngôi mộ không có tên tuổi ở nghĩa trang liệt sĩ Tong Khao (Him Lam) là nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại mặt trận Lào.

Theo nhà báo Lê Văn Quyết, ở báo Điện Biên, gần 2.000 ngôi mộ ở nghĩa trang này được cải táng từ chiến trường nước bạn đưa về qua hai cửa khẩu Tân Trang và ngã ba biên giới A Pa Chải, nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Hơn nửa thế kỷ qua, với bao công sức, nỗ lực của đơn vị, đồng đội và gia đình, chỉ có hơn trăm ngôi mộ xác định được danh tính, nhưng chủ yếu vẫn thông qua các nhà ngoại cảm.

Tôi nhớ, nhà văn Phan Tứ khi kể về thời anh viết hai cuốn tiểu thuyết “Bên kia biên giới” (1958) và “Trước giờ nổ súng” (1959) là viết trong thời gian anh về học khóa 3, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958-1961). Rằng là chen giữa các kỳ nghỉ hè, các kỳ đi thực tập thực tế, anh quay trở lại chiến trường Lào, để cùng với đội công tác chính sách đơn vị cũ, đi tìm xác đồng đội, “vì mình vốn là người có thói quen ghi chép cẩn thận, hơn nữa, trở lại chiến trường xưa để hâm nóng ký ức chiến tranh”... Anh Tứ ơi, trong những ngôi mộ có tên tuổi kia, người nào là do mẫn cảm (chứ không phải ngoại cảm) của nhà văn tìm thấy; trong những ngôi mộ chưa có tên tuổi kia, người nào là đồng đội của anh, mà anh chưa tìm thấy đã vội vã ra đi!

Sáng sớm hôm sau, đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế chúng tôi đi thăm hầm chỉ huy của viên tướng được máy bay trao quân hàm cấp tướng thông qua mây bay gió thổi De Castries, thăm cầu và chợ Mường Thanh, thăm Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, nên khi đến thăm cứ điểm và nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 thì trời đã gần trưa. Nghĩa trang đang được tu bổ, lát đá granito toàn bộ 664 ngôi mộ các anh hùng, thay mới một số bia đá và bát nhang. Nơi đây, ngoài bốn ngôi mộ những người anh hùng tiêu biểu có danh tính như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, có thêm khoảng gần một trăm ngôi mộ khác mới tìm thấy danh tính những năm gần đây.

Cô Dung, sĩ quan quân đội, tình nguyện viên hướng dẫn khách tham quan, với một giọng thuyết minh đầy xúc động, tưởng như vừa nói đầy uất nghẹn vừa dừng để cố nuốt nỗi đau vào lòng, giới thiệu một cách sinh động trận đánh đồi A1 vào chiều và đêm ngày 6.5.1954. Người ta thường ví tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một con nhím, thì hầm chỉ huy của tướng De Castries là bộ não, sân bay Mường Thanh là chiếc dạ dày, còn đồi A1 là cuống họng của con nhím đó. Ba cứ điểm cách nhau khoảng 500m, tạo thành một tam giác đều, phòng thủ vững chắc bởi những bức tường lửa. Sau khi đào hầm xuyên qua sân bay, chia cắt và vô hiệu hóa sân bay, quân ta lại đào hầm xuyên núi đặt khối thuốc nổ nặng 900kg, đánh sập hầm chỉ huy đồi A1. Toàn bộ đường hầm đào trong lòng đất ở chiến dịch Điện Biên Phủ dài khoảng 500km, tương đương với quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên. Đã có khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ của ta đã nằm lại trước cửa cứ điểm đồi A1. Người tìm được xác còn không rõ tuổi tên, huống là những người vùi sâu trong lòng đất đá núi đồi...

Nghĩa trang đồi Độc Lập là nghĩa trang lớn nhất trong ba nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên, với 2.428 ngôi mộ. Khi đoàn chúng tôi làm lễ tưởng niệm, tôi ngước nhìn tượng đài các anh hùng, với dòng chữ vàng trang nghiêm và rực rỡ “Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ”, tai lắng nghe từ loa phát thanh vang lên bài ca “Hồn tử sĩ”, niềm xúc đông chảy dồn vào tận đáy hồn tôi đến mức nổi gai cả người.

Trong khói nhang trầm nghi ngút, chúng tôi thành kính thắp trước mộ các anh hùng, trong 2.428 ngôi mộ, chỉ có một mộ có tên, đó là ngôi mộ nằm bên tay trái từ ngoài vào, hàng thứ năm, mộ thứ nhất, ghi tên “Liệt sĩ Lê Đình Thành/ quê quán Lập Thạch, Vĩnh Phúc”. Thấy tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn, một cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương, nói với tôi như một lời an ủi để chấp nhận một thực tế của chiến tranh: “Trong hơn bốn nghìn ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ mới xác định được danh tính đâu khoảng hơn hai trăm...”. Chúng tôi đã đến thăm và dâng hương đài tưởng niệm ở bản Noong Nãi, trên cánh đồng Mường Thanh, một trong ba trại tập trung ở Điện Biên, nơi chúng dồn dân, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em, trước khi thất thủ, vào lúc 14 giờ ngày 25.4.1954, chúng đã thả bom giết chết 444 người và bị thương hàng nghìn người khác.

Tôi đã từng đến thăm nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở ngã ba Đông Dương (Kon Tum) với hơn hai nghìn ngôi mộ, nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) với hơn một nghìn tám trăm ngôi mộ, nhưng mỗi nơi cũng đã có vài trăm mộ có tên tuổi hẳn hoi, duy nhất nơi đây trong mấy nghìn ngôi mộ, chỉ có một mà thôi! Không, tuy vậy họ hề không vô danh, họ ra đi nhưng không hề khuất bóng, họ sống mãi trong tâm tưởng mỗi người Việt Nam, họ đồng hành cùng với lịch sử dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, với một cái tên chung, đó là những Anh hùng.

Chúng tôi rời Điện Biên, về theo đường đi ngang qua Tuần Giáo, Thuận Châu, Sơn La, Mộc Châu rồi rẽ về Mai Châu, xuôi theo con đường ven sông Mã, về Cẩm Thủy để dọc theo đường Hồ Chí Minh... Có đi đường này tôi mới hiểu, vì sao lúc ấy Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã huy động được hơn 35.000 dân công hỏa tuyến, với 20.991 xe đạp thồ, 70 xe cút kít, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó gần tám mươi phần trăm là người Thanh Hóa, mà tiêu biểu nhất là chiếc xe đạp thồ của ông lão Trịnh Đình Bầm.

Xe đi miên man trong rừng tre, nghe ầm ào nước chảy, mới hiểu hết âm thanh ngân vang trong câu thơ Quang Dũng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành...”. Hòa bình đã gần bốn mươi năm. Nhắc lại cái giá của máu, những hy sinh mất mát là nhẫn tâm, làm đau lòng những người đang sống, nhưng phải nhắc để người sống hôm nay khỏi lạt lòng với quá khứ của cha ông. Có ai đó đã nói rằng, người chết chỉ thật sự chết khi không còn sống trong lòng những người đang sống.     

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mây trắng Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO