Mây trắng ngang trời...

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 16/02/2020 06:46

Mùa hoa lau trên cao. Giăng mắc khắp những triền đồi núi, là mênh mông vạt trắng, phất phơ trong con gió sắt se của mùa. Đầu năm, ngược núi, chợt thấp thoáng những ký ức miên man về những người “bạn cũ”, nay đã hóa mây trắng ngang trời như màu hoa lau trắng kia, gọi về bao niềm nhớ…

Đồng bào Ta Lang (xã Bha Lêê, Tây Giang) làm du lịch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Ta Lang (xã Bha Lêê, Tây Giang) làm du lịch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chuyến du xuân, tưởng muộn, hoá ra lại ăm ắp niềm vui. Là đêm say men rượu cần bên bếp lửa, là tiếng đàn abel ngân nga giữa thung lũng sâu im vắng, hay gót chân thiếu nữ Cơ Tu nhịp nhàng điệu da dá… Vùng cao đón khách bằng sự nồng hậu vốn có của mình. Chúng tôi ngồi lại khi ngọn lửa bên sân gươl đã thôi bập bùng, chợt có ai đó gọi tên người bạn cũ. Lại sống dậy miền hoài niệm riêng, rất thật.

1. Chúng tôi đang ở Ta Lang (xã Bha Lêê, Tây Giang). Thôn nhỏ, nằm nép mình bên dòng A Vương, bây giờ đã rộn ràng lắm những đổi thay, khi có bóng dáng của nhiều du khách trở về với đại ngàn, tìm kiếm những phong vị mới thay cho bao chốn hội hè hình như không còn nhiều hấp lực. Đám đông có vẻ thích thú với không khí đặc quánh sắc màu văn hóa vùng cao. Nhưng giữa cuộc vui, cứ thấy thiếu vắng điều gì thân thuộc. Điều gì đó, của ký ức về làng, mà chúng tôi hình như đã luôn chờ đợi.

Alăng Sen - Trưởng thôn Ta Lang bật ra một cái tên. Đúng rồi, là già Alăng Avel, người đã chơi những thứ nhạc cụ kỳ lạ của người Cơ Tu cho chúng tôi nghe một đêm sương bên bếp lửa nhà sàn. Tiếng đàn của mười năm trước. Bao thanh âm của rừng, khi réo rắt như suối nguồn, lúc thâm trầm tựa vực núi. Là đàn cr’zool, là cr’toót - loại kèn làm từ sừng thú. Đêm ấy, cũng ở nơi này, chúng tôi đắm chìm trong khúc nhạc của người “nghệ sĩ lang thang” nơi đại ngàn.

Dấu chân tuổi trẻ của già Alăng Avel in khắp ngả rừng. “Lang thang không mục đích. Mà không, có một mục đích, là lang thang”, như cái cách mà nhà văn Nguyên Ngọc đã kể về những “nghệ sĩ” vùng cao.

Alăng Avel đi, như cuộc rong chơi, không có điểm dừng, cứ vui là ghé lại. Đi, chơi nhạc, và hát. Dĩ nhiên, là cho đồng bào của mình, cho những đêm vui say bên ché rượu. Trong một lần như thế, ông hát, và tìm được người bạn đời của mình, người thiếu nữ Cơ Tu nổi tiếng xinh đẹp. Đến khi theo cách mạng, tiếng đàn ấy lại được trình diễn cho đồng đội của ông, mỗi lúc dừng chân đâu đó dưới tán rừng. Khói súng tan, những ngày bình yên trên quê hương, là lúc ông đi xa hơn, mang tiếng đàn, tiếng kèn và giọng hát của người Cơ Tu đi khắp mọi miền đất nước, trong những cuộc trình diễn âm nhạc truyền thống. Lúc đôi chân của rừng ấy dừng lại, cũng là lúc ông hóa thành mây trời, chắc cũng lang thang, như cái cách mà ông đã đi qua cuộc đời nghệ sĩ của mình…

Thuở còn ở trần thế, già làng Cơlâu Nâm như một “nhạc trưởng” trong các lễ hội vùng cao Tây Giang. Ảnh: N.C
Thuở còn ở trần thế, già làng Cơlâu Nâm như một “nhạc trưởng” trong các lễ hội vùng cao Tây Giang. Ảnh: N.C

Bây giờ, thứ ông để lại cho dân Ta Lang, là cả kho tàng nhạc cụ độc đáo. Hình như, đó là bộ nhạc cụ đầy đủ nhất, kỳ công nhất, và cũng là đặc biệt nhất ở cánh rừng Trường Sơn này.

Pơloong Plênh - người bạn trẻ có công kết nối, quảng bá giá trị truyền thống của dân tộc mình nơi vùng cao Tây Giang nói, bảo tàng nhạc cụ của cố già làng Alăng Avel đã trở thành điểm đến trong cung đường du lịch mà anh hay đưa bạn bè, du khách tham quan. Một thứ di sản đặc biệt, không chỉ cho con cháu, mà còn cho cộng đồng ở Tà Lang, cho đất Tây Giang này.

“Có thể, bây giờ, vẫn còn người chơi được nhạc cụ Cơ Tu, hát được những làn điệu dân ca cũ, nhưng để tìm kiếm được người nghệ nhân vừa chế tác giỏi, vừa sử dụng thành thục mọi loại nhạc cụ và hát chuẩn như ông, rất hiếm. Đó cũng là lý do mà nơi này luôn nhớ đến ông, cả khi ông không còn hiện hữu” - Plênh nói.

2. Cũng trên cung đường của chuyến du xuân, chúng tôi lần nữa ghé lại với Pơrning. Một vòng tròn ở trung tâm xã Lăng, những mái lá, vách nứa như nét xưa còn giữ. Sắc xuân, vẫn còn thấp thoáng trong từng ngôi nhà, trong cả một đoạn đường phơi hoa lau. Khói bếp ấm sàn gươl. Sừng sững những phù điêu được khắc họa khắp cột, xà.

Những điều thân thuộc, ấm áp thường làm người ta nhớ. Chẳng phải lần đầu đến với Pơrning, chúng tôi không đi theo đoàn khách ngắm nghía vẻ đẹp của làng, mà bước chân cứ mặc nhiên dẫn về lối cũ. Nơi đó, có bóng dáng của một người xưa mây trắng…

Căn nhà cũ không có gì đổi khác. Vẫn ba gian gỗ, vẫn những chiêng ché treo giữa gian thờ. Chỉ là không có tiếng ông: già làng Cơlâu Nâm. Nhớ lần đầu gặp, ông đánh trần, ngồi bên hiên, mải miết chuốt từng sợi mây để đan tà-léc, trong bóng nắng chiều đổ dài qua sân nhà. Ở đó, ông đã kể về kịch độc ch’pơơr, về những chiến công của người anh hùng Cơ Tu dưới cánh rừng già Tây Giang. Lần khác, cũng tấm lưng trần ấy, ông ngồi giữa làng, miệt mài đo vẽ, chạm khắc từng họa tiết trên cột gươl, thi thoảng lại đứng dậy rảo một vòng, chỉ cho lớp thanh niên cách đan lá lợp, đục một lỗ mộng. Tỉ mẫn và cẩn thận như thế, nhưng đến lúc làng vào lễ hội, lại thấy một già làng vững chãi trong từng bước đi, hào sảng trong mỗi tiếng khèn, hùng dũng trong điệu hú ta’rooh âm vang khắp núi. 

Có một dạo, giữa xô lệch dữ dội của thời cuộc, lớp trẻ chẳng mặn mà với văn hóa cha ông mà háo hức với những thứ mới lạ, phù phiếm. Ông như một trụ x’nur vững chãi, neo giữ lấy hồn làng. Từ khôi phục gươl, giữ nghề đan lát, dệt thổ cẩm, cho đến tập tục tạ ơn thần rừng… lời ông trở thành tiếng trống k’thu réo gọi con dân của núi trở về nguồn cội. Để rồi, một chiều mây gió lặng thinh cuối năm 2018, chúng tôi nhận tin, cánh chim triing huyền thoại đã bay về trời.

Những “bạn cũ” của chúng tôi, có người nay đã mất, có người vẫn đang tiếp tuc đem tâm huyết của mình với cộng đồng vùng cao. Ảnh: N.C
Những “bạn cũ” của chúng tôi, có người nay đã mất, có người vẫn đang tiếp tuc đem tâm huyết của mình với cộng đồng vùng cao. Ảnh: N.C

Đã trải qua bao mùa lễ hội. Những lần nhận tin, ngược núi, cứ mặc định một niềm tin trong chúng tôi, rằng nơi đó có bóng dáng của ông - người chủ tế thân thuộc. Dậy lên một niềm thương, cuối làng Pơrning, ở góc nhỏ ông đã ngồi, xoay tấm lưng trần nhỏ bé trong lần đầu chúng tôi đã gặp. Góc sân vắng người, lễ hội cũng tìm một người chủ tế khác. Nhưng làm sao thay được sự ngưỡng vọng của không chỉ chúng tôi, mà còn cả đất này, cả tộc người Cơ Tu với một già làng, nay đã trở thành bóng cây pơmu sừng sững của vùng cao.

“Mình không làm, thì sao con cháu biết mà học. Không còn người học, người giữ, thì làm sao còn văn hóa của ông cha, còn tộc người Cơ Tu giữa Trường Sơn này” - lời ông vẫn đâu đó văng vẳng, bên khói bếp gươl ấm nồng.

3. Những người xưa khuất núi. Nhưng, họ vẫn “sống” ở một đời sống khác, ít nhất là trong những câu chuyện. Như vị già làng khả kính nhất mà chúng tôi biết, già Bh’riu Prăm, vẫn được người Cơ Tu ở các vùng nhắc đến, mà mỗi làng lại có riêng một câu chuyện về ông, trong những huyền sử không bao giờ chung lẫn của làng mình. Làng Bhơ Hôồng, ngôi làng truyền thống “nổi danh” của người Cơ Tu ở Đông Giang, gắn với câu chuyện về tộc họ Bh’riu hiếu học, làm nhiều việc nghĩa, mà người khai sinh hẳn nhiên là vị già làng.

Chúng tôi, lại có thêm một câu chuyện khác, từ chính những người bạn của ông. Đưa tiễn linh hồn ông về với Giàng, họ nhắc, đó là cây kiền kiền đích thực của vùng cao, để trụ giữ nơi cửa ngõ Tây Giang những tháng ngày khắc nghiệt nhất của chiến tranh và khi vừa đi qua chiến tranh. Họ, hẳn còn nhớ, cũng chính ông cất giữ một giấc mộng tái sinh cho rừng cây kiền kiền Đông Giang, với những ngày về hưu vẫn lặn lội trong những cánh rừng, nhặt từng hạt giống. Bao hạt giống đang ăm đầy, thì cũng là lúc Giàng gọi tên, ông lặng lẽ về trời, bỏ lại ngôi nhà nhỏ bên kia dòng sông Kôn và giấc mộng tái sinh cánh rừng kiền kiền già của làng…

*
*          *

Chuyến du hành, vô tình gọi lại những cái tên. Đi qua từng cung đường, lại da diết nhớ từng ký ức, từng gương mặt, từng mảnh hồn Cơ Tu thấm đẫm màu rừng. Xin giữ riêng ký ức như một món quà, từ những “người bạn” đặc biệt của chúng tôi, ở trên ấy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mây trắng ngang trời...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO