Ở thôn Tịch Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành hiện lưu nhiều văn bản chữ Nho rất giá trị. Ngoài các văn bản có liên quan đến các lính thợ đóng thuyền thuộc thủy binh thời các vua Nguyễn đã từng được giới thiệu trên Báo Quảng Nam (bài: Làng đóng thuyền ven ngã ba sông), còn có nhiều văn bản liên quan đến lịch sử lập phường/xã Tịch An Đông và công tích của các họ tộc có công khai phá địa phương này.
Lịch sử lập làng
Một bản khai của con cháu tộc Nguyễn ở Tịch An Đông lập vào ngày 6 tháng 6 năm 1908 niên hiệu Duy Tân thứ hai đứng tên các nhiêu lão (người từ 55 tuổi trở lên) Nguyễn Tấn Lĩnh, Nguyễn Tấn Thông, Nguyễn Tấn Mão và cựu thủ sắc Nguyễn Tấn Tróc đồng ký đã cho biết sự tích ông bà của họ đã lập “phường Tịch An Đông” như sau: “Từ xưa, ngài Nguyễn Tấn Hải đã quy dân lập “phường” từ thời Cảnh Hưng (1740-1786). Đến thời Gia Long (1802-1820) người trong tộc Nguyễn là Nguyễn Tấn Lộ đã nối tổ nghiệp, dựng thôn xã, lập bộ điền thổ. Hiện có giấy tờ chứng thực việc này. Nay có trát ở trên bảo làng xét hỏi dân, tộc chúng tôi dựa trên sự thực để khai rõ (cứ thực tường khai); nếu gian dối, xin cam chịu tội”.
Nửa tháng sau (ngày 20 tháng 6), lý trưởng và hào mục trong xã đã khai lên cấp trên như sau: “Vào thời Cảnh Hưng (1740-1786) tiền nhân lập xã chúng tôi hiện nay là các ông Nguyễn Tấn Hải và Huỳnh Văn Châu (tên cũ là Đối) vốn là người thuộc ấp Phú An xã Tân Khương (về sau đổi tên thành xã Phú Hưng). Như vậy, các ông ấy và dân xã Phú Hưng hiện nay là những người đồng hương. Đến năm Gia Long thứ 11(1812) các ông Nguyễn Tấn Lộ và Nguyễn Văn Thụy đã làm đơn xin quy (thêm) dân lập ấp (mới), khai phá thêm đất, lập địa bộ riêng. Đơn vị mới lập này là phường Tịch An Đông lệ vào huyện Quế Sơn; về sau phường này đổi thành xã Tịch An Đông”.
Qua hai bản khai nêu trên, ta biết được Tịch An Đông ban đầu là một ấp được tách ra từ xã Tân Khương (xã này về sau cải tên thành Phú Khương rồi thành Phú Hưng - nay là xã Tam Xuân 1, Núi Thành). Các ông Nguyễn Tấn Hải và Huỳnh Văn Châu đứng đầu hai họ Nguyễn, Huỳnh vào thời Cảnh Hưng đã khai phá thêm đất đai và đến 36 năm sau, người tộc Nguyễn là Nguyễn Tấn Lộ và Nguyễn Văn Thụy đã xin lập ấp mới tách ra khỏi xã Phú Khương trên cơ sở quy tụ thêm dân, khai phá thêm đất và lập sổ bộ ruộng đất riêng. Ấp mới lập này được gọi là phường. Địa hiệu trên giấy tờ lúc này ghi là “Quế Sơn huyện, Chu Tượng thuộc, Tịch An Đông phường”.
Từ phường đến xã
Tìm hiểu các xã trực thuộc “thuộc Chu Tượng, huyện Quế Sơn” nằm ven các nhánh sông ở Tam Kỳ và Thăng Bình xưa biết được đó là các thôn, xã phường ven sông, có dân hành nghề sông nước hoặc đóng thuyền. Dân các địa phương này thường được trưng dụng làm lính thợ đóng thuyền (chu tượng binh). Tịch An Đông xưa còn có tên là “Phường Đùng”. Lý giải cho tên “đùng”, các vị cao niên ở địa phương này cho đó là cách gọi để chỉ âm vang đùng đùng của nghề đóng thuyền ở đây hồi xưa. Một văn bản giao dịch ruộng đất còn ký ngày 24 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 6 - 1745 còn lưu ở nhà ông Dương Văn Hà, tổ 5, thôn Tịch Đông có ghi địa hiệu “Thăng Hoa phủ, Hà Đông huyện, Chu Tượng thuộc, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông phường”. Chi tiết này chứng thực là phường Tịch An Đông đã có từ khoảng nửa đầu thế kỷ 18. Tên phường này cũng từng được ghi trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776.
Vậy, Tịch An Đông từ phường đổi thành xã lúc nào? Vào tháng 11.2016, chúng tôi tìm thấy trong các tư liệu còn lưu trong gia đình ông Dương Văn Dục - cũng ở thôn Tịch Đông - có hai văn bản thời vua Gia Long (năm Gia Long thứ 5 - 1806 và Gia Long thứ 9 - 1811) ghi địa hiệu Tịch An Đông phường. Đối chiếu với việc các ông Nguyễn Tấn Lộ và Nguyễn Văn Thụy xin lập đơn vị hành chính mới đã nói trên, có thể biết: sau khi tách khỏi xã Phú Hưng từ năm 1812, tên đơn vị hành chính của Tịch An Đông vẫn là phường. Và trong văn bản ký ngày 29 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đã gặp địa hiệu “Thăng Hoa phủ, Chu Tượng thuộc, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông xã”. Vậy, có thể kết luận, ở Tịch An Đông tên gọi hành chính “phường” đổi thành “xã” xảy ra trong khoảng từ 1812 đến 1826.
Việc này giải thích lý do vì sao trong Địa bạ triều Nguyễn, mục kê danh sách các phường xã của thuộc Chu Tượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa lại có hai đơn vị trùng tên là Tịch An Đông phường và Tịch An Đông xã (Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam II, NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2010, trang 160-162). Trong mô tả tứ cận địa giới của Địa bạ nói trên, Tịch An Đông xã chính là đơn vị phường cũ; còn địa giới Tịch An Đông phường (mới) lại nằm ở bờ nam sông Bến Ván (sông An Tân, Núi Thành bây giờ). Hiện chưa rõ vì sao lại có một phường mới cùng tên ở cách xa địa điểm cũ đến gần 30 cây số?
Tiền hiền và hậu hiền
Đầu thời vua Duy Tân, triều đình yêu cầu các xã thôn kê khai công tích mở đất lập làng để sắc phong danh vị tiền hiền khai khẩn và công nhận danh vị hậu hiền khai canh. Dịp này, các họ tộc có công mở đất ở Tịch An Đông đã làm đơn kê khai công tích các vị cao đời trong tộc có công lập làng xã và khai phá ruộng đất. Trong văn bản lập ngày 10 tháng 6 năm 1906, con cháu tộc Nguyễn khai: “Nguyên trước đây, ông cố chúng tôi là Nguyễn Văn Thụy cùng ông Nguyễn Tấn Lộ sống vào thời vua Gia Long đã kế thừa công sức quy dân lập ấp của các bậc đời trước, lập bộ điền và kê khai vào Châu bộ của triều đình. Công lao ấy đã được ghi vào hương phổ và được thờ tự tại đình làng”. Cùng ngày tháng năm ấy, con cháu tộc Huỳnh khai: “Nguyên trước đây, cao tổ xa đời của chúng tôi là Huỳnh Văn Đối khai phá ruộng đất và lưu lại. Tiếp đến các vị đời sau trong tộc là ông Huỳnh Trọng, Huỳnh Mẫn, Huỳnh Quân, Huỳnh Cấn, Huỳnh Hạnh tiếp tục khai phá thêm ruộng đất và xin phân trưng (xin chia khu vực vỡ hoang và đứng tên trên vỡ hoang ấy - NV). Hàng năm, mỗi lần tế tự, trong xã thường kính biếu tộc tiền hiền chúng tôi một tợ thịt. Năm Tân Mão, do bị lụt lớn (đại lạo) tất cả giấy tờ chứng nhận công tích khai phá đều bị trôi hết. Vì thế không có sẵn để trình”.
Xác nhận cho các bản khai trên, lý hào xã Tịch An Đông cùng ký vào tờ “đồng ứng” công nhận hai tộc Nguyễn và Huỳnh là tiền hiền của xã này. Văn bản lập ngày 10 tháng 6 năm Bính Ngọ 1908 ấy có đoạn sau: “Nay viên chức trong xã tra cứu sự tích hai phái Nguyễn và Huỳnh thì thấy như sau: Tộc Nguyễn còn giữ giấy tờ lập từ thời Gia Long xác nhận công tích mở đất. Còn giấy tờ của tộc Huỳnh bị thất lạc, do đó không thể tra cứu rõ được. Nhưng bổn xã nghĩ rằng: nguyên từ trước, công tích mở đất của họ Huỳnh là có thật. Vì thế, xã chúng tôi đồng khai và ký xác nhận hai tộc Nguyễn và Huỳnh là tiền hiền để tránh nghi ngại và tranh cãi về sau”. Cuối văn bản này là chữ ký của 16 người hào mục, lý dịch và tráng dân ký vào “tờ đồng ứng” này.
Ông Dương Văn Tên thuộc tộc Dương ở Tịch Đông được vinh danh là “Hậu hiền khai canh”. Ông này vốn từ thôn Quý Thượng, tổng Phú Quý, huyện Hà Đông (phía bắc Tam Kỳ) chuyển sang khai phá ruộng đất và lập nghiệp ở xã Tịch An Đông (đông nam Tam Kỳ) vào khoảng cuối niên hiệu Gia Long. Gia phả tộc Dương ghi quê gốc của tộc này ở xã Chỉ Châu, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa tuyên Nghệ An và cho biết thủy tổ của tộc vào Nam định cư ở thôn Quý Thượng, thuộc Hà Bạc, phủ Thăng Hoa (về sau đổi là xã Phú Quý Thượng, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ).