Mấy tư liệu về cụ Trần Can

PHÚ BÌNH 30/11/2016 08:54

Ở Hội thảo khoa học “100 năm Khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục tại phủ Tam Kỳ 1916 - 2016” tổ chức tại TP.Tam Kỳ vào ngày 5.8.2016 đã nói nhiều đến trường hợp các chí sĩ vùng Tam Kỳ xưa tham gia vào cuộc khởi nghĩa ấy bị đày lên nhà tù Lao Bảo và mất ở đó. Nay được biết hậu duệ của cụ Trần Can - một trong số các chí sĩ nói trên, với sự giúp đỡ của UBND TP.Tam Kỳ, vào hôm nay 30.11 sẽ đến Khu di tích Nhà đày Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đưa di hài cụ về an vị tại quê nhà Tam Kỳ. Để có thêm thông tin, chúng tôi xin trình bày một số tư liệu có liên quan:

Từ một tư liệu xuất bản năm 1960 tại Huế

Đó là cuốn Ngũ Hành Sơn chí sĩ của tác giả Ngô Thành Nhân, biệt hiệu Anh Minh, cũng là chủ Nhà xuất bản Anh Minh tại Huế vào khoảng năm 1960 “chuyên xuất bản di cảo của các cụ Sào Nam Phan Bội Châu và Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng”. Cuốn Ngũ Hành Sơn chí sĩ đã chép tiểu sử của 28 chí sĩ yêu nước từ những tài liệu mà ông Ngô Thành Nhân “góp nhặt được trên hai chục năm trước (năm 1941) trong khi còn (làm việc) ở báo Tiếng Dân của cụ Mính Viên”. Trong số các chí sĩ Quảng Nam được kể trong sách này, bên cạnh gương hy sinh những vị rất nổi tiếng như Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu… còn có gương hy sinh của những tên tuổi mà lúc ấy chưa được biết đến nhiều như cụ Xã Sáu Lê Cơ ở làng Phú Lâm - Tiên Phước (tr.66), cụ Nguyễn Quần ở làng Hà Lam - Thăng Bình (tr.64), cụ Trần Thuyết ở làng Phước Lợi - Tam Kỳ (tr.84) và cụ Trần Can ở làng Tam Kỳ - phủ Tam Kỳ (tr.86).

Ảnh bìa cuốn Ngũ Hành Sơn chí sĩ.
Ảnh bìa cuốn Ngũ Hành Sơn chí sĩ.

Cuốn Ngũ Hành Sơn chí sĩ, ngay từ khi xuất bản, được đón nhận nồng nhiệt ở Quảng Nam vì đã dẫn lại người thật, việc thật theo tư liệu được cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các cụ cao niên ở Quảng Nam ghi lại khá chi tiết lúc đương thời.

Tiểu sử cụ Trần Can (mà sách ấy ghi là Trần Cang), ở trang 86, được chép như sau: “Sinh năm 1878 tại xã Tam Kỳ. Cụ Trần Cang là bậc vô danh anh hùng. Trong cuộc Đông du của cụ Sào Nam, cụ là tay vận động về tài chính cùng các bậc vô danh anh hùng đương thời một cách âm thầm. Tiếp cuộc vua Duy Tân khởi nghĩa, cụ lại tiếp tế áo quần và khí giới (giáo mác) cho đội quân cảm tử. Sau cuộc phá phủ Tam Kỳ ngày tháng Tư năm 1916, cụ bị đày đi Lao Bảo, gia tài bị tịch thu. Tại Lao Bảo, vì tánh cang trực, cụ mắng chửi không ngớt, nên bị bắn chết ngoài ấy”.

Và lời kể tại địa phương

Quê quán cụ Trần Can là ấp Hương Trà, làng Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ xưa (nay là khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Cụ là đích tôn của Phái 4 tộc Trần - Tiền hiền làng Tam Kỳ. Vì là từng làm lý trưởng (tức xã trưởng) và vì có con gái đầu tên là Trần Thị Mãi nên cụ được dân trong vùng gọi là ông Xã Mãi. Sau khi cụ bị bắt, gia sản bị tịch thu, bà vợ đầu đã mất từ trước, bà kế thất sống rất khổ sở; người con gái duy nhất của bà vợ thứ ba mới vừa tròn một tuổi (sinh năm 1915). Thông tin từ Nhà tù Lao Bảo đến gia đình về trường hợp bị sát hại trong tù của cụ như sau: “Vì quá khẳng khái, cương trực và thường xuyên chống đối nên bọn cai ngục ở Nhà tù Lao Bảo rất ghét cụ. Khoảng hơn một năm sau khi bị đày ra đến nơi này; một hôm, bọn cai ngục bảo cụ đi chặt tre về làm doanh trại. Cụ cự nự không muốn đi nhưng bọn chúng ép buộc phải đi. Leo lên lùm tre, bị gai cào rách áo, cụ nói to: “Sao trời không sinh thứ tre suôn sẻ mà sinh ra thứ tre có gai hại đời làm chi!”; rồi nhân đó lớn tiếng chửi lũ “tre - gai” hại đời! Tên cai ngục quản buổi chặt tre hôm đó nghe được, cho là muốn ám chỉ nó, liền cãi nhau với cụ. Trước còn cãi hiền, sau cãi dữ. Tức khí, tên cai ngục bắn cụ trọng thương. Đưa về đến nơi giam tù thì cụ qua đời vì vết thương quá nặng. Cụ Trần Cang bị sát hại vào khoảng tháng 9 năm 1917”.

Một vị lão thành cách mạng ở vùng Tam Kỳ là cụ Trần Văn Tuyền cùng quê với cụ Trần Can - từng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Tam Kỳ sau ngày 30.4.1975 cho biết, đã từng nghe kể về chí sĩ Trần Can với các chi tiết như đã nêu trên. Cụ Tuyền đã viết giấy làm chứng để giúp cho hậu duệ của chí sĩ Trần Can có thêm căn cứ bổ sung hồ sơ xin cải táng từ Khu di tích Nhà tù Lao Bảo về quê hương.

Đến cuốn “Nhà đày Lao Bảo”

Cuốn sách Nhà đày Lao Bảo (1896 - 1945) do  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị biên soạn, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội xuất bản vào tháng 4.2002. Sách này có Lời giới thiệu của một người  tù chính trị nổi tiếng là ông Tố Hữu, bị đày đến Nhà tù Lao Bảo vào tháng 9.1940.

 Bảng danh sách 354 tù nhân mà tập sách này dẫn ra có tên 47 nhà cách mạng người Quảng Nam (gồm các chí sĩ chống Pháp trước năm 1930 và các đảng viên Cộng sản - từ năm 1932 về sau) bị bắt và bị đày lên Lao Bảo trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến 1945. Trong bảng này, các chí sĩ người Tam Kỳ bị đày lên Nhà tù Lao Bảo vào các năm 1908 và 1916 có ghi tên các cụ Dương Thưởng (bị đày vào năm 1908  được ghi ở vị trí số 18 trong bảng danh sách), cụ Lương Đình Thự (vị trí số 29), ông Thước - (làng) Quý Thượng (vị trí số 30; còn gọi là Nguyễn Thược), Trần Can (vị trí số 31), Trần Quới (vị trí số 32), Nguyễn Dước (vị trí số 33), Trần Thu - làng Ngọc Mỹ (vị trí số 40). Cả 5 cụ có tên kê sau cụ Dương Thưởng trên đây đều bị kết án và chịu đày lên Lao Bảo vào khoảng tháng 6.1916 sau khi cuộc Khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục ở Tam Kỳ bị thất bại và đều mất tại Nhà đày Lao Bảo ít lâu sau đó do bị bọn cai tù sát hại hoặc vì không chịu nổi sự đày ải khắc nghiệt của lao tù.

Hiện nay, di hài một số trong các vị có tên trên đã được đưa về cải táng tại Nghĩa trang các sĩ phu yêu nước Tam Kỳ tại xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mấy tư liệu về cụ Trần Can
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO