1.Người đầu tiên chúng tôi nói đến là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hà (SN 1905). Theo lời kể của ông Nguyễn Ba - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Điện Bàn, cháu ngoại Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hà, trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc bà có 6 người con cùng một con rể là liệt sĩ và một người con là thương binh nặng. Trong đó cha mẹ ông Nguyễn Ba là liệt sĩ.
Mẹ Hà qua đời đã 8 năm, nhưng trong ký ức của dân làng La Huân quê chồng và thôn Đức Ký quê mẹ (xã Điện Thọ) vẫn chưa phai mờ hình ảnh người phụ nữ kiên trung bám trụ gan góc một thời. Mẹ Hà là niềm tự hào của quê hương Điện Thọ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Làng quê của mẹ ai cũng giữ lòng kiên trung với cách mạng, vững tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Hầu như nhà nào cũng có người tham gia cách mạng.
Tác giả và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Mạnh. |
Cuộc đời mẹ Hà chịu muôn vàn gian khổ, nhưng nỗi khổ chất chồng day dứt nhất là những đứa con của mẹ lần lượt ra đi làm nhiệm vụ cách mạng và không trở về. Anh Nguyễn Đức Thái - Trung đội trưởng dân quân hy sinh năm 1949, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp ở giai đoạn cao trào. Năm 1954 Hiệp định Giơnevơ ký kết, mẹ lại tiễn con trai Nguyễn Đức Hoành lên đường tập kết, nhưng người con của mẹ trở về sau cuộc chiến đã trở thành thương binh nặng. Người con thứ hai của mẹ Nguyễn Đức Em - du kích xã hy sinh vào năm 1962. Tiếp đến là anh Nguyễn Đức Thọ hy sinh trong một trận chống càn với tinh thần tìm Mỹ mà diệt của quân chủ lực địa phương (R20) vào tháng 3.1966 tại làng Cẩm Văn, Điện Hồng. Cũng trong năm đó, người con gái của mẹ là Nguyễn Thị Hà - giao liên xã Điện Hòa hy sinh. Chỉ một năm sau, nỗi đau lại ập đến như vượt sức chịu đựng của mẹ, một người con nữa là Nguyễn Thị Đông - cán bộ phụ nữ thôn Thủy Bồ hy sinh (tháng 2.1967). Cuộc chiến ngày càng ác liệt, mẹ Hà một lần nữa lặng thầm nuốt nước mắt vào trong khi người con gái thứ sáu Nguyễn Thị Khá - giao liên xã hy sinh vào mùa xuân năm 1972.
Anh Nguyễn Đức Sơn - cháu nội Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hà ngậm ngùi nói: “Nội tôi mất đi ở tuổi một trăm có lẻ nhưng bà vẫn còn niềm khắc khoải hoài mong khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt của người con trai út. Cha tôi hy sinh ở cánh đồng làng Cẩm Văn cách nhà không xa nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt vì thất lạc qua mấy đợt di dời”.
2.Đến làng Phong Thử, hỏi về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Mạnh (SN 1929, có chồng và 3 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ), hầu như ai cũng biết. Bởi gia đình mẹ có nhiều người thân hy sinh nhất làng Phong Thử. Mẹ tham gia phong trào phụ nữ từ thời kháng Pháp, đến thời chống Mỹ mẹ cũng một lòng sắt son với cách mạng. Mẹ là đảng viên, cán bộ hợp pháp của xã Điện Thái (nay là Điện Thọ) tích cực hoạt động trong phong trào cách mạng địa phương, móc nối cơ sở tại địa bàn Đà Nẵng trong công tác binh địch vận và phụ vận... Trong một lần đến thăm, tôi nghe mẹ rưng rưng kể lại chuyện hy sinh của người con trai đầu Phan Minh Vạn - bộ đội chủ lực của tỉnh, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 tại Vĩnh Điện khi tuổi mới đôi mươi. Nỗi đau lớn thêm lên khi mẹ không biết hài cốt con trai mẹ nằm ở phương nào. Kế đến là người con gái giao liên kiên trung Phan Thị Huệ, hy sinh ở biền bãi Kỳ Lam bên sông Thu Bồn trong một chuyến công tác vào tháng 2.1972. Con gái mẹ hy sinh ở tuổi trăng tròn khi tóc còn búi vai, mà đến nay dâu bể đổi thay, bao nhiêu năm sông Thu bồi lở, mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt. Bao năm trôi qua, mẹ vẫn khắc khoải hoài mong tìm được hài cốt của anh Vạn và chị Huệ mà vẫn bặt vô âm tín. Tuổi già cô quạnh, còn chút sức mẹ vẫn thường đi viếng mộ chồng là Phan Minh Mạnh - Trưởng ban Nông hội xã hy sinh tháng 11.1973 và người con trai thứ, chiến sĩ giao liên Phan Minh Năm (Phát) hy sinh vào tháng 6.1969. Mất mát là vậy, mẹ Phan Thị Mạnh vẫn tâm sự rằng, đời mẹ vẫn còn may mắn khi con trai Phan Minh Đạt được Đảng cho đi ăn học ở miền Bắc, sau đó về Nam công tác tại Công an TP.Đà Nẵng, nay đã nghỉ hưu về phụng dưỡng, sớm hôm bên mẹ.
Thật tự hào về những người mẹ anh hùng họ Phan quê tôi và bao mẹ anh hùng khác trên đất Điện Thọ anh hùng đã cống hiến sức người, sức của vô bờ bến cho công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PHAN QUANG MƯỜI