Mẹ của người khác

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG 12/09/2019 11:00

Tôi lấy chồng muộn, nếu không muốn nói là rất muộn. Đôi khi tôi nghĩ rằng có thể cả đời tôi sẽ không lấy chồng, bởi sau khi trải qua bao nhiêu vui buồn của cuộc sống này, khó còn có một tình yêu lãng mạn ở tuổi của tôi. Tuổi trẻ của tôi đi qua nhẹ nhàng như một giấc ngủ dài vào một ngày mưa, một tuổi trẻ chẳng hẹn hò, chẳng có nắm tay đi qua những cánh đồng trong cơn mưa bay lất phất và những bông hoa dại cứ dịu dàng nở dưới chân. Giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị, cũng chẳng có một hoàng tử nào hiện ra trong giấc mơ.

 

Bạn bè tôi giờ đây con cái có đứa đã vào đại học, thậm chí có đứa còn gửi đến tôi thiệp đám cưới của con nó. Tôi ít khi đi dự đám cưới, tôi chỉ ghé vào bỏ phong bì theo đúng phép phải không rồi về. Bởi lẽ khi ngồi trong đám đông bạn bè ấy, phần lớn họ đều đi có đôi có cặp, còn tôi thì đơn lẻ. Sâu thẳm của sự đơn lẻ không có tội, nhưng nhìn ánh mắt của mọi người, tôi có cảm giác như mình là người đáng thương hại. Tại sao lại thương hại? Có thể bởi trong ánh mắt của mọi người, một người con gái chưa có chồng khi đã bước vào tuổi 40 thì thật là tội nghiệp. Nhưng họ không biết rằng thà không có chồng còn hơn là lấy một ông chồng vô tích sự, chỉ có mỗi khả năng truyền giống, còn ngoài ra không có gì hơn. Thậm chí đôi khi bạn bè tổ chức tiệc này nọ nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, họp lớp, tôi chỉ ghé qua rồi luôn đi về nửa chừng. Tôi đứng ngoài hạnh phúc của người khác, bình thản như một buổi chiều thu có rất nhiều lá rơi rụng trên đường.

Thật ra thì tôi cũng mong ước có một người đàn ông song đôi trong cuộc đời của mình, dẫu chỉ nắm tay để băng qua một ngã tư đang đầy xe cộ. Tôi thèm tựa vào đôi vai rắn chắc để khóc khi lòng nặng trĩu nỗi buồn.  Dù thế nào thì có người đàn ông để Chủ nhật cùng dạo chơi, cà phê hay vào quán nhỏ nào đó ríu rít so đũa, dầm trái ớt cay xè vào trong chén mắm cũng đã là hạnh phúc. Dẫu sao thì khi trở bệnh, có thể gọi điện cho một người để họ ghé mua cho mình tô cháo gà hay viên thuốc, và rồi họ sẽ hỏi: “Em đã khỏe tí nào chưa?” thì cũng đủ ấm lòng. Nhưng tôi đợi người đàn ông đó đến hết cả tuổi thanh xuân của mình.

Có thể giữa thời đại xô bồ này, người ta đến với nhau bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, mất đi cái phần tỏ tình lãng mạn, mà mới hẹn hò nhau dăm lần đã vội vàng  đòi hỏi va chạm xác thịt. Là đứa con gái ở phố, nhưng sống theo kiểu nhà quê, chỉ cần một bàn tay chạm vào người là ngay tức khắc tôi hủy cuộc hẹn hò, dẫu cho chàng trai đó có xin lỗi. Vì thế nhiều chàng trai chỉ hẹn hò với tôi một lần là sau đó lạc vào đám đông.

Luân, chồng tôi cũng lấy vợ muộn. Luân chẳng xa lạ với tôi vì tôi và anh đã cùng học chung với nhau thời trung học. Luân đã dăm lần mời tôi đi ăn chè, uống nước mía... theo kiểu ngây thơ của tuổi học trò. Rồi thời học trò đi qua, tôi và Luân thỉnh thoảng gặp nhau trên phố, thỉnh thoảng gặp nhau trong những lần họp cựu học sinh. Nói chung là mối quan hệ của hai đứa nhàn nhạt, không sâu sắc, chẳng lưu luyến và chẳng đem nụ cười về cất giữ trong giấc mơ. Để rồi khá bất ngờ khi tự dưng Luân đón đường khi tôi rời cơ quan, Luân nói: “Anh mời Uyên đi ăn”. Thật là ngạc nhiên, ngạc nhiên thứ nhất là hồi xửa hồi xưa đến giờ Luân toàn gọi “bà bà tui tui”, giờ lại xưng anh. Thứ hai là Luân lại mời đi ăn. Tôi nhận lời, vì dễ chừng cả chục năm rồi chẳng có chàng trai nào mời tôi đi ăn.

Lời tỏ tình tôi nhận được năm 40 tuổi rất gọn: “Tuần sau anh dắt mẹ anh qua nhà hỏi cưới Uyên nha. Vậy nha!”. Tôi nhìn ra con đường xôn xao xe cộ, tôi nhìn để mà nhìn, bởi tôi có thấy gì đâu trong những lướt qua, tôi để bàn tay của tôi cho Luân nắm, không kháng cự. Tôi cũng không từ chối lời đề nghị của Luân, vì dường như thẳm sâu trong lòng tôi mới hiểu tại  sao tôi không thể từ chối. Nhưng rõ ràng là khi ngồi bên Luân, tôi không hề có cảm giác đang yêu và được yêu. Tôi lại hình dung ra một con suối đang đổ nước về xuôi, trong lòng con suối lại có vô vàn chiếc lá rụng, lá cứ bị dòng nước đẩy đưa trôi về, trôi về.

Tôi lấy chồng năm tôi 41 tuổi, bạn bè đi dự cưới không những có cặp có đôi mà còn thêm con nhỏ. Trong các đám cưới, có lẽ đám cưới của tôi có nhiều con nít tham dự và chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của đám bạn. Rồi tôi về nhà chồng, căn nhà buồn tênh như một buổi chiều mưa dầm. Căn phòng của hai vợ chồng cũ kỹ như thể không thể nào cũ hơn. Luân ở với mẹ, tất cả anh chị đều có vợ có chồng, mỗi người tự chắp cánh bay xa đến mọi nơi, anh là con út cho nên ở lại. Mẹ Luân đã 85 tuổi, dáng bà cong cong như một cây khô đang lao xao cùng gió. Có ai lấy chồng mà không biết chồng làm nghề gì, tính nết của chồng như thế nào như tôi không? Để bỗng nhớ đến câu thơ trong Kiều: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!”.

Ba tháng sau Luân khăn gói vào miền Nam, anh nói đáng lẽ anh đi lâu rồi, vì bà chị anh có mấy vuông tôm tận Cà Mau nhờ anh trông coi, nhưng mẹ anh quá già, anh không thể đi được. Anh nói hồn nhiên như anh đang ăn buổi sáng, anh cũng chẳng hỏi ý kiến tôi, rồi anh soạn ba lô, chẳng cần tiễn đưa, anh leo lên chiếc xe thồ chở anh ra lộ đón những chuyến xe đang chạy. Tôi không buồn như vừa lìa hơi nồng ấm, tôi cảm thấy lạc lõng như đang đứng ở một đồng cỏ mênh mông, không biết mình sẽ đi về hướng nào để tìm ngõ ra.

Tôi đưa mẹ vào bệnh viện khi trời rạng sáng. Bà gần như không còn có thể đi, tôi ẵm thân hình ốm yếu của bà chỉ còn da bọc xương, đưa lên taxi. Dạo này mẹ bệnh thường xuyên, và chỉ có mình tôi lo lắng. Đi làm về, tôi lo nấu nướng, tôi lo giặt giũ, tôi lo tất cả giống như một người con gái. Tôi  không hiểu tại sao anh chị trong nhà lại không về, cũng không hiểu tại sao Luân đi biệt với mấy cái vuông tôm ở Cà Mau, dễ chừng đã hai năm xa lắc. Thỉnh thoảng anh gọi điện về, nói dăm ba câu, điện thoại chưa nóng máy thì anh đã gác máy. Thế rồi tôi quen cái tình nghĩa vợ chồng vội vã, không chút nhớ thương để trong lòng này.

Thật ra những ngày đầu tôi muốn giũ bỏ, như thể người ta rời bàn tiệc mà không cần ngoái lại xem có còn ai ở lại. Tôi rỗng không với căn phòng có ô cửa sổ làm bằng những thanh sắt tròn lâu rồi không sơn lại, dăm chỗ gỉ sét. Tôi chịu không nổi mùi rêu ở bức tường nhà, tôi chịu không nổi cảnh ra vào một mình, nói chính xác hơn là với mẹ anh. Rồi tôi ở lại bởi một bàn tay nắm, bàn tay cằn cỗi như rể cây của mẹ: “Con ở lại với mẹ nha”. Để rồi tôi yêu cái không gian rêu, không gian mốc, yêu những tia nắng xiên khoai. Tôi lo cho mẹ anh như thể tôi là con gái ruột.

Hai ngày nữa mọi người sẽ về. Luân sẽ về, rồi anh hai anh ba, chị bốn, chị năm… chắc chắn sẽ về. Mẹ yếu lắm rồi, mà sao không yếu được khi mẹ đã già. Tôi trực lại đêm. Đêm bệnh viện nghe mùi thuốc, nghe tiếng ho, tiếng rên và cả tiếng lá chạm vào nhau. Tôi cứ nửa thức nửa tỉnh trong cái thế giới sinh tử đó cho đến khi tiếng mẹ: “Uyên, mẹ nhờ con tí việc”. Bà kéo tôi vào thật gần: “Con ôm mẹ đi, mẹ lạnh”. Tôi vòng tay ôm bà, thân hình ấy như đang lạnh, rất lạnh.

Khi ấy, bà nắm tay tôi, bà dúi vào tay tôi một vật mà tôi chưa đoán ra là gì. Bà thầm thì: “Chắc mẹ không còn sống bao lâu nữa, cái này mẹ cho con. Nếu mẹ chết, con không thích ở với thằng Luân nữa thì đủ cho con lo cho mình”. Đó là cuốn sổ tiết kiệm ghi tên tôi với số tiền tôi không hình dung ra… Bà đã chuẩn bị cho một cuộc từ ly như thế đó. Còn bên ngoài cửa sổ những ngọn gió đông đang bắt đầu tràn về.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ của người khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO