Mê đắm từng giai điệu

NGUYỄN NGỌC HẠNH 14/08/2016 07:45

Sau văn học là âm nhạc. Và chưa biết rồi đây con đường phía trước của Nguyễn Hữu Hồng Minh sẽ là gì? Bởi với con người này, trong địa hạt nghệ thuật, luôn là sự mê đắm và khai phá.

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nguyễn Hữu Hồng Minh

1. Có không ít nhà thơ nổi tiếng đã để lại cho đời nhiều ca khúc hay. Nhà thơ viết ca khúc thường mang nặng nỗi niềm, họ ký thác, gửi gắm trong tác phẩm của mình trước hết là một tứ thơ, một thứ ngôn ngữ đặc biệt giàu hình ảnh, tính khái quát đa tầng trong ca từ luôn mang đến cho người nghe một triết lý đa mang của người nghệ sĩ đầy hệ lụy giữa cuộc đời này.

Trước đêm nhạc Chiều rỗng hồn em diễn ra tại Đà Nẵng, Minh tâm sự với tôi: “Nói về ngôn từ với một nhà thơ là điều không dễ dàng dù ngôn từ là thứ mà người làm thơ, viết nhạc phải đối diện với nó ngày ngày. Sinh mệnh của chữ cũng tựa sinh mệnh con người khai triển nhiều phía như bề mặt, chiều sâu, nghĩa bóng, nghĩa đen, phơi mặt, lộn trái; khám phá chữ là niềm cô đơn vô tận. Sự bay bổng có hay không, nhiều hay ít không nhất thiết phụ thuộc vào nội dung đề tài, mà tùy thuộc vào khả năng truyền tải cảm xúc của người nói đến người nghe”. Cứ mỗi lần gặp nhau chuyện trò về thơ, Minh lại say sưa bàn về âm nhạc như đang đắm chìm trong thế giới âm thanh bồng bềnh thi ca của mình.

Nhiều người biết Minh với tư cách một nhà thơ trẻ, có nhiều tác phẩm gây được chú ý trong giới bạn đọc và phê bình, không chỉ là “Giọng nói mơ hồ” mà “Chất trụ” đã trở thành một thế giới riêng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Minh đã tìm thấy địa hạt mới để khai khẩn, gieo vãi, tiếp cận tư tưởng lý luận của thơ hiện đại. Nổi danh với thơ nhưng sau đó vài năm Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết văn xuôi khá nhiều. Sau tập truyện Ổ thiên đuờng là Người ăn bóng và Ruồi nhiệt đới… đã để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc. Minh cứ khám phá, không chỉ khát khao đi tìm một lối đi riêng trong nghệ thuật mà còn muốn “chọn mặt gửi vàng”, mở tung ngõ ngách để phơi bày tâm can và gửi gắm nợ nần đời mình cho nghệ thuật.

2. Tôi không bất ngờ khi Nguyễn Hữu Hồng Minh viết nhạc. Có không ít những nhà thơ lại nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ bằng chính tác phẩm âm nhạc nhiều hơn là thơ của họ. Tôi chỉ thấy lạ là không ít ca khúc Minh lại phổ thơ của các nhà thơ, như Chiều rỗng hồn em, Khuôn mặt em (thơ Văn Cao), Đây thôn Vỹ Dạ (thơ Hàn Mặc Tử), Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Bi vọng ca, Chờ mùa đã mất, Những buổi chiều (thơ Võ Kim Ngân)… mà lẽ ra lợi thế của nhà thơ khi viết ca khúc sẽ “nhạc và lời” của chính mình.

Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa công bố thi phẩm mới nhất Paris tên em trong gió cuốn (Nxb.Hội Nhà văn 6.2016).

Anh cũng đã thực hiện 4 đêm nhạc cá nhân, giới thiệu tác giả - tác phẩm gồm: Cỏ níu mặt trời (Bình Dương 11.2015), Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau (TP.HCM 1.2016), Chiều rỗng hồn em - 17 Tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh (Đà Nẵng 6.2016). Và mới đây nhất là live show “Quên đi cuộc tình” đêm 20.7 thành công, tạo dư âm đặc biệt ở Sài Gòn trong giới ca nhạc khi anh kết hợp cùng  nhạc sĩ, guitarist Cao Minh Đức.

Hồng Minh cho biết đang cùng ê kíp nghệ sĩ chuẩn bị kế hoạch thực hiện live show “Nguyễn Hữu Hồng Minh & Những người bạn” lớn nhất từ trước đến nay, chủ đề “Sài Gòn như anh yêu em” - tên một ca khúc của anh, để giao lưu với khoảng 1.000 sinh viên do trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức vào tối 20.10 tới.

Điều này, trong một lần ngồi uống rượu với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại nhà chị Mai Nhung ở Đà Nẵng, anh có nhắc đến việc phổ thơ của nhiều nhạc sĩ hiện nay, đặc biệt anh nhắc đến Khúc hát sông quê của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, vì sao ca khúc này được nhiều người ưa thích? Anh cho rằng, nhiều nhạc sĩ phổ thơ như là hát thơ, bởi vì trong mỗi bài thơ đã tràn ngập giai điệu, nhạc sĩ đã bị nhạc trong thơ cuốn hút, nhiều người không đủ sức hay nói chính xác là không đủ năng lực để thẩm thấu, cảm nhận tác phẩm ấy theo cảm xúc và cách sáng tạo giai điệu riêng của mình. Khúc hát sông quê thơ của Lê Huy Mậu mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành công, trước hết là ở sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ với tác phẩm thơ, sau đó mới là âm nhạc. Một thứ giai điệu được chiết ra từ tâm hồn của người nghệ sĩ mà chính nhà thơ Lê Huy Mậu khi làm bài thơ này cũng không hề nghĩ đến. Đó là sự sáng tạo, là phổ thơ thành ca khúc, không hát theo thơ.

Khi nghe những ca khúc Nguyễn Hữu Hùng Minh phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng của Văn Cao, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Khoa Điềm… trong đêm nhạc diễn ra ở Cội nguồn, Đà Nẵng, tôi cũng nghĩ lan man đến điều này. Minh vốn là nhà thơ trẻ đầy cá tính sáng tạo không dễ dàng đi hát thơ của các nhà thơ, mà chắc rằng Minh khát khao muốn thổi vào đó bằng chính cảm xúc, giai điệu, phong cách của mình, còn hay - dở thì công chúng và thời gian sẽ quyết định về tài năng đó mà thôi. Có lẽ còn quá sớm để đánh giá về sự khởi đầu này trên con đường âm nhạc của Minh.

3. Cũng từ suy nghĩ này mà tôi không thích gọi Minh là nhạc sĩ, cho dù Minh đã sáng tác hơn 50 ca khúc và thực hiện hai đêm nhạc “Cỏ níu mặt trời” và “Sài gòn Paris mưa đến ngàn sau” ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích Nguyễn Hữu Hồng Minh là nhà thơ làm âm nhạc. Đêm nhạc Chiều rỗng hồn em với  12 ca khúc được các ca sĩ hát lên trong một không gian âm nhạc vừa đủ để người nghe cùng tác giả sẻ chia nỗi niềm của một người con xa quê trở về bằng chính tác phẩm của mình.

Với tôi, Chiều rỗng hồn em là một đêm nhạc lạ, không giống đêm nhạc nào, vì ngoài những ca khúc phổ thơ, còn lại là những tình ca của một nhà thơ đầy hệ lụy, đau buồn chan chứa nỗi niềm trong từng giai điệu. Lạ là vì không gian đậm đà âm nhạc mà cứ tràn ngập thơ ca. Em đến/ Đời cho ánh nến/ Thắp soi đời nhau/ Để nỗi đau, để khát khao/ Chỉ còn ngọn khói/ Mê mỏi địa đàng/ Mắt môi tìm nhau/ Vút bay ngàn khơi… Đêm nhạc của Minh ngập tràn thơ ca từ ca sĩ, nhạc sĩ và cả thính phòng đều chìm đắm trong một không gian nghệ thuật đặc thù.

Ngoài các ca khúc phổ thơ, còn lại là những sáng tác đầy nỗi niềm của nhà thơ trong đêm nhạc, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã mang lại nhiều ấn tượng về mặt xúc cảm cho người xem. Với tôi, đêm nhạc ấy còn phảng phất một nỗi buồn của thơ, nói đúng hơn là ca từ trong các ca khúc của Minh là “câu kinh nhân gian khô hạn”, những “phiêu lạc thú thương đau” của kiếp người mà nhà thơ đã từng trải nghiệm. Một lần, ngồi uống rượu tại nhà tôi cùng với bạn bè văn nghệ ở quê nhà, Minh ôm cây đàn guitar, nhưng lại chuyện trò say đắm về thơ. Minh cho rằng: “Với một thi sĩ, ám ảnh thời gian cũng là ám ảnh của chữ, của hình tượng. Họ vượt đuổi những câu thơ trên bóng thời gian như vượt đuổi những cánh bướm. Để rồi thời đại định lượng lại giá trị của họ trên những câu thơ ngỡ phù dung mà đầy sức nặng ấy… Và tôi nghĩ ca từ đối với âm nhạc cũng vậy”.

Điều này cũng không mới mẻ gì, nếu chúng ta đã từng nghe những ca khúc của các nhà thơ - nhạc sĩ sáng tác. Thơ và nhạc cứ quấn quít, ôm ấp, đầy ắp nỗi buồn. Ca từ và giai điệu cứ lịm dần, lắng sâu cuốn hút tâm can người nghe. Ca từ của bài hát cũng vô cùng quan trọng chứ không chỉ dừng lại ở thanh âm như nhiều người nghĩ. Mấy người bạn văn nghệ nói với tôi rằng, âm thanh đang là nhu cầu thiết yếu trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tôi nghĩ không hẳn thế. Thơ có một thứ giá trị âm thanh khác. Có lẽ với người nghệ sĩ đa tài bao giờ cũng đầy khát vọng, họ mãi đi tìm cho ra trong thế giới nghệ thuật, chính mình. Mình chứ không ai khác! Điều đó luôn thôi thúc họ khát vọng sáng tạo, mải miết đi tìm con đường riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mê đắm từng giai điệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO