Mê hát bả trạo

GIANG BIÊN 17/03/2018 10:23

Một tuồng trong âm linh bả trạo ca ở lễ cầu ngư có tổng cộng 37 trang, trong đó phần hát dành Tổng tiền (hay còn gọi là Tổng mũi) chiếm hơn một nửa. Yêu cầu cao là vậy, nhưng với niềm đam mê hát bả trạo, chức Tổng tiền ấy hơn 5 năm qua đã được ông Trần Văn Tám (SN 1977) hoàn thành tốt vai diễn. Ông được người dân xem như “linh hồn” của bả trạo Bình Minh.

Ông Trần Văn Tám đang hát bả trạo.Ảnh: Giang Biên
Ông Trần Văn Tám đang hát bả trạo.Ảnh: Giang Biên

Ông Trần Văn Tám sinh ra ở làng biển xã Bình Minh, lớn lên cùng sông nước và lễ cúng cá Ông đặc trưng của vùng biển. Vì vậy, câu hát bả trạo ngấm dần trong ông Tám và trở thành niềm đam mê theo ông suốt đời. Từ lúc nhỏ, cậu bé Tám đã có mặt ở hầu hết lễ cầu ngư để nghe hát bả trạo, nhẩm theo những từ ngữ trong phần lễ hát bả trạo. Nhưng vì còn nhỏ nên không ai dám cho Tám vào đội.

Chỉ đến khi trưởng thành, ông Tám mới có cơ hội được thỏa sức sống trọn cùng đam mê. Ông tích cực học hỏi thêm từ các bậc cao niên trong xã để phần biểu diễn được chỉn chu hơn. Vì vậy, một quyển tuồng đưa cho ông Tám chỉ trong vòng 1 - 2 ngày là ông đã thuộc lời. Năm 2012, Phòng VH-TT huyện thành lập câu lạc bộ hát bả trạo, trong đó có 18 con trạo và 4 ông Tổng (3 ông Tổng và 1 ông nhắc tuồng). Trong 3 ông Tổng thì vai Tổng tiền luôn do ông Trần Văn Tám đảm nhận, còn lại là Tổng lái và Tổng thương do người khác đảm nhận. Nhiệm vụ của ông Tám trong lễ cầu ngư hát bả trạo là điều khiển con thuyền, con trạo theo như các động tác vào thuyền, chèo thuyền và điều khiển trạo nghỉ ngơi. Ông Tám cho hay, hát bả trạo ngày xưa thì không có bản nhạc được ký âm, không theo một làn điệu cố định. Bắt đầu năm 2012 đến bây giờ có làn điệu, có nốt nhạc cho nên người hát cũng dễ dàng hơn. “Khi mình đã vào vai diễn thì phải hát và diễn, thể hiện cho được tinh thần của một tuồng hát trong nghi lễ mang tính tâm linh. Mình phải gửi gắm tâm tình đến với các thần linh, cầu mong sự chở che của thần linh để cho việc ra khơi của bà con trong xã được bình an” - ông Tám tâm sự.

Với vai trò của Tổng mũi, ông Tám đã chỉ huy đội hình bả trạo tham gia rất nhiều lễ cầu ngư ở các xã Bình Hải, Bình Nam, Bình Dương. Mới đây, vào ngày rằm tháng Giêng Mậu Tuất, ông Tám cùng với đội hình của mình tham gia hát bảo trạo tại lễ cầu ngư do UBND xã Bình Minh tổ chức. Phần hát bả trạo đã trở thành linh hồn chính của lễ Cầu ngư, thu hút đông đảo bà con làng biển đến xem và nghe hát.

 Dù đã dành nhiều năm để tìm hiểu về loại hình bả trạo và trực tiếp tham gia giữ hồn cốt quê hương nhưng ông Tám vẫn đau đáu nỗi lo thất truyền những ngón chèo bả trạo. Bởi theo ông, hát bả trạo cần có đam mê vì phải biết trình diễn, điệu bộ, đồng thời làn điệu rất khó hát chứ không đơn thuần như hát dân ca. Mà nếu không yêu mê mệt thì không bao giờ hát ngọt, diễn hay được. Một tâm niệm khác của ông, là hát bả trạo sẽ được đưa thành một môn học trong nhà trường, cơ hội trao truyền sẽ nhiều hơn.

Có những niềm đam mê khó có thể nói hết thành lời, chỉ những ai một lần mục sở thị, được nghe và cảm nhận khi ông Tám thả mình vào từng điệu bộ, từng câu hát bả trạo mới có thể hình dung tường tận tình yêu của ông với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mê hát bả trạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO