Tôi tự hào về mẹ tôi, về bản lĩnh làm mẹ.
Cha mất để lại mẹ với sáu người con, một chị đã có chồng, em út tôi chỉ vừa lên 9 và mẹ mất sức sau nhiều trận đau băng huyết.
Không thật nhớ nhiều, chỉ nhớ mẹ lúc nào cũng giọt giọt mồ hôi, và cười rất to.
Cha là ông giáo, mẹ là nông dân. Từ ngày cha mất, trong câu chuyện với những người hàng xóm, mẹ như lý sự nhiều hơn. Cha tôi ngày xưa cũng rất hay lý sự.
Nếp sống trong gia đình không có gì thay đổi. Duy chỉ một lần mẹ khóc.
Sau ngày cha mất, chừng một tháng, tôi hãy còn là một đứa trẻ con, hay nghịch đùa, như cái sự mất cha chẳng là mất mát gì nhiều với tuổi thơ. Đâu biết rằng chính cái tuổi ngây thơ ấy làm mẹ đau lòng nhiều lắm. Mẹ cầm cây roi dọa đánh, tôi vọt chạy ra sau hè. Mẹ đuổi theo tôi. Mẹ vấp cây củi sau hè, bàn chân mẹ chảy máu. Và mẹ đã ngồi khóc. Tiếng khóc tấm tức, nghẹn ngào. Tôi thật lo sợ, không ngờ đã làm cho mẹ buồn thế.
Đến bây giờ tôi biết không phải tôi đã làm cho mẹ đau, cho mẹ buồn đến thế. Mẹ khóc vì tiếng khóc tích tụ, vì đã bao lâu rồi, từ ngày cha đi, mẹ không có quyền được khóc. Mẹ sợ tiếng khóc của mẹ sẽ làm vỡ bờ đê ngăn chắn sự đau thương yếu đuối. Mẹ sợ các con sẽ khóc to hơn khi nhìn mẹ khóc. Mẹ sợ cha đi rồi, mẹ khóc thì lấy ai dỗ các con. Mẹ ghìm tiếng khóc.
Và cái cây củi chắn ngang đường mẹ đã khơi đúng vào cái đau thương dồn chứa. Mẹ đã ngã quỵ đã vỡ òa đang khi mẹ sơ hở nhất, khi mẹ chưa vun đủ tinh thần chống chọi. Và mẹ đã khóc.
Trận chiến khốc liệt quá dài ngày khiến mẹ thất thủ, và mẹ đã khóc.
Là tiếng khóc của người vợ mất chồng, của người bệnh mất người chăm sóc, của người mẹ nhìn các con mồ côi, của người góa bụa cô đơn trong thời buổi cái đói rập rình, của người mẹ luôn kiêu hãnh phút chốc thấy mình yếu đuối lo cho các con thiếu cơm thất học…
Tiếng khóc mẹ nghẹn ngào tấm tức!
Duy một lần mẹ khóc. Rồi tôi lại thấy mẹ giọt giọt mồ hôi, tiếng cười sảng khoái, và rất hay lý sự. Nền nếp trong nhà lại như xưa. Chỉ khác một điều, chị ba khổ cực nhiều hơn. Chị là con gái lớn trong nhà khi chị hai đã có chồng. Anh tôi vẫn nghịch ngợm. Tôi vẫn chăm học và mít ướt. Em tôi vẫn ham chơi trò bắn bi.
Sau này khi nhớ mẹ, tôi đã viết Chuyện mẹ tôi, trong câu chuyện chỉ có nụ cười. Sau này nhớ em tôi, tôi viết Tết à ơi, trong đó đôi mắt em tròn trong như những hòn bi.
Mẹ đi xa lắm và lâu lắm rồi. Tôi chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ đã tròn mười năm rồi.
Mà mẹ vẫn còn ở với các con.
Chị hai giống mẹ ở cái tính tủi buồn thầm kín. Chị ba giống mẹ ở giọt giọt mồ hôi. Và hay lý sự. Chị bốn giống mẹ ở giọng cười sảng khoái. Các con trai đều rất giống mẹ ở giọng cười. Ở cái tính chịu đựng không thèm kêu rên. Ở niềm tự kiêu thầm lặng và rất dễ bị tổn thương.
Và không hề khóc.
Mẹ à, làm sao để giòng máu này y chang nguyên hình ở các cháu. Để các cháu của mẹ cũng can trường như mẹ? Khi mà gióng tầm mắt nhìn ra xa, chín mười năm nữa, đường đời thật mịt mờ.
Có cái mịt mờ nào như mẹ của con ngày xưa đâu, khi cha mải miết về trời, thưa mẹ!
NGUYỄN TẤN ÁI