Đó là khẩu hiệu mà người dân Thái Lan sống ở khu vực sông Mê Kông chảy qua đang giăng lên để phản đối kế hoạch triển khai một dự án của Trung Quốc vì có thể hủy hoại môi trường tại dòng sông này.
Tờ Nation (Thái Lan) cho biết, một nhóm chuyên gia của Trung Quốc đang tiến hành khảo sát khu vực sông Mê Kông giữa Thái Lan và Lào, cụ thể là tại Pha Phra thuộc huyện Chiang Kong của tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, để triển khai dự án “một vành đai, một con đường”. Dự án này được Bắc Kinh khởi động từ năm 2013 nhằm xây dựng “con đường tơ lụa” được cho thúc đẩy liên kết khu vực và xuyên lục địa giữa Trung Quốc với lục địa Á-Âu. Để khai thông tuyến đường này, Trung Quốc trước đó đã cho nổ mìn một số đoạn sông Mê Kông chảy qua Lào. Sông Mê Kông bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), xuôi về biển Đông, chảy qua 5 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hiện nay, Thái Lan, Lào và Myanmar đã đồng ý tiến hành hoạt động khảo sát - do Trung Quốc tài trợ - nhưng đang cân nhắc việc nổ mìn. Theo kế hoạch đang được tiến hành, Trung Quốc sẽ khảo sát 15 điểm có các ghềnh đá trên 96km dọc sông Mê Kông và muốn dỡ bỏ những tảng đá cùng bãi cát dọc sông này để cho phép tàu lớn có tải trọng tối đa 500 tấn khởi hành từ tỉnh Vân Nam tới thị trấn Luang Prabang - Lào.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc đang khảo sát sông Mê Kông tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Tổ chức các nhà bảo vệ môi trường địa phương - Rak Chiang Khong của Thái Lan và người dân địa phương phản đối dự án của Trung Quốc bằng việc giơ cao khẩu hiệu với các thứ tiếng Thái, Anh, Trung Quốc, trong đó có câu “Mê Kông không phải để bán”, nhằm yêu cầu phía Trung Quốc dỡ bỏ dự án chỉ mang lại lợi ích kinh tế riêng cho Trung Quốc, trong khi dòng sông Mê Kông có thể bị “bức tử”. Niwat Roykaew - Chủ tịch tổ chức Rak Chiang Khong nói, sau khi khảo sát, các chuyên gia Trung Quốc có thể sẽ cho nổ mìn trên dòng sông Mê Kông để mở đường cho tàu bè qua lại. Như thế không những gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, nhiều loài động vật, sinh vật ở đó sẽ bị hủy diệt, môi trường sẽ bị tàn phá, rất khó để hồi phục như ban đầu, sinh kế của người dân tại khu vực sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Dù Chính phủ Thái Lan không cho phép tụ tập nhóm từ 5 người trở lên nhưng Tỉnh trưởng Chiang Rai - Narongsak Osotthanakorn vẫn cho phép người dân ở đây có thể biểu tình tự do chống lại kế hoạch của Trung Quốc.
Kế hoạch khảo sát sông Mê Kông do Công ty Second Harbour Consultants (SHC) của Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc thực hiện. Theo Reuters, SHC vừa gửi e-mail cho hãng tin này nhằm thông báo họ đã tổ chức một số cuộc họp với người dân địa phương để trao đổi và trấn an người dân rằng dự án của họ hoàn toàn không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại sông Mê Kông khiến nhiều người rất lo lắng. Đến nay, Trung Quốc đã cho xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên sông Mê Kông, đang làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy, gây ra nhiều hệ lụy cho các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông. Mặc dù kế hoạch khảo sát sông Mê Kông của Trung Quốc được chính quyền quân sự của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ủng hộ, người dân địa phương vẫn mong muốn có báo cáo đánh giá độc lập về tác động môi trường trước khi Trung Quốc tiến hành khảo sát để ngăn chặn kịp thời hệ lụy sau này.
QUỐC HƯNG