Nguồn sữa ngọt ngào của mẹ cho con bất tận chảy qua không thời gian.
Hôm ra mắt tập san Diệu Âm đến phần giao lưu thơ nhạc, anh Nguyễn Nhã Tiên giới thiệu anh Nguyễn Văn Nho lên trình bày bài thơ Mẹ như trăng rằm của Nhật Uyển khiến cả thính phòng lặng im. Giọng ngâm truyền cảm hòa điệu cùng những nốt đàn trầm bổng chậm rãi: Ngày tuổi nhỏ con lên chùa cung kính/ Đứng chấp tay quỳ bên mẹ trang nghiêm/ Mẹ hiền từ trong mắt Phật an nhiên/ Đã soi xuống cả đời con ánh sáng… Đúng vậy, ai quen với Nhật Uyển thì cũng biết anh có một người mẹ rất hiền. Hiền từ chính là lòng từ bi, nền tảng của hạnh phúc đã gieo mầm nuôi anh từ thuở nhỏ.
Nụ cười của mẹ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Người phương Tây thường tính tuổi từ khi đứa bé chào đời. Người Đông phương khác hơn, khi sinh ra thì được kể là một tuổi. Chín tháng mười ngày – thời gian ước chừng – cho đứa bé khi hoài thai trong bụng mẹ. Đứa bé bấy giờ phụ thuộc vào người mẹ hoàn toàn kể cả lúc sinh ra trong một hai năm đầu. Ăn ngủ, nằm ngồi, bò lăn, đi đứng… đều nhờ vào người mẹ. Những năm vừa chào đời sự sống của người con được dưỡng nuôi vào nguồn sữa mẹ. Sữa mẹ cũng chính là tình thương – bản chất sinh học tự nhiên của loài người. Thời kỳ bú mớm của đứa trẻ rất quan trọng. Vì nhờ đó mà cân bằng tâm sinh lý của đứa trẻ. Những ai thiếu tình thương ngay từ ngày còn thơ ấu sẽ thường bất an trong cuộc sống khi lớn lên!
Hoàng Thiếu Sơn khi dịch cuốn Những tấm lòng cao cả của Amicis, mà trước đó Hà Mai Anh đã dịch Tâm hồn cao thượng có người hỏi lý do, ông điềm nhiên trả lời: Tôi dịch là có ý nhắc nhở với những nhà làm giáo dục hiện thời, nên tuân thủ theo tính tuần tự. Bởi vì, đứa bé khi mới sinh ra trước tiên chúng yêu bầu vú người mẹ, lớn lên chút đỉnh thích cười đùa với mẹ, rồi thì chúng yêu chiếc nôi nằm, mái nhà che mưa nắng, chơi đùa cùng bạn bè, rồi mái trường thân yêu nâng chân bước mỗi ngày v.v. Tính tuần tự ấy rất quan trọng, là để hình thành nhân cách cho một đứa trẻ khi lớn lên.
Hoặc không thể có một đứa trẻ nào khi lớn lên mà không một lần đau ốm. Mà đau ốm người lo lắng nhất chính là người mẹ. Bệnh trạng của đứa trẻ có thể phục hồi nhanh hay chậm đều nhờ vào lòng từ ái của người thầy thuốc hay sự quan tâm giúp đỡ của những người thân, bà con xóm giềng… Nhưng hơn hết người mẹ là người lo toan hết thảy. Tôi nhớ bài Lòng mẹ học từ hồi lớp 2 lớp 3 xin được phép ghi ra đây: Những khi trái nắng trở trời/ Con đau là mẹ đứng ngồi không yên/ Tìm thầy lo chạy thuốc men/ Ngày đêm săn sóc vì em nhọc nhằn/ Hết bóp trán lại xoa chân/ Nâng niu sữa ngọt lúc khi cam sành/ Con ho ngực mẹ tan tành/ Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi/ Đêm nằm cầu phật khấn trời/ Mau cho chóng khỏi mẹ cười em vui… Bài học về tình thương, đức hy sinh của người mẹ quá tuyệt vời, xuyên suốt. Từ xưa đến nay những trang viết về người mẹ vẫn chưa bao giờ là đủ cả. Hoặc tưởng những ai lỡ ruổi rong lầm lạc không may… trên bước đường mưu sinh hãy đọc lại bài thuộc lòng trên ắt sẽ nhẹ vơi bao niềm trắc ẩn, và sẽ nhớ khôn nguôi người mẹ của mình, có thể không còn trên cõi đời này nữa… Hay nửa đêm chợt thức giấc trì tụng đôi ba câu: Tara mươi tiếng đại không/ Ảo thân nằm giữa lòng sông mật thừa... (Tara - Phạm Công Thiện). Tara hằng hiện, là mẹ của từ bi luôn nhìn thấu suốt xuống cõi trần gian cứu vớt bao đứa con ngu ngơ, lang thang, lạc lối, chìm đắm trong ảo mộng đêm dài.
Tình thương là từ bi hay ngược lại, hóa chuyển không ngừng nghỉ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết, một nghiên cứu gần đây cho thấy sự chủ động vun trồng tình thương và lòng từ bi có tác động thậm chí là vào chính DNA. Thành phần DNA gọi là telemeres mà theo y học có liên quan trong tiến trình lão hóa.
Trở lại khán phòng ra mắt tập san Diệu Âm, giọng ngâm của anh Nho cũng vừa đủ ấm để tỏa lan ngàn thanh sắc trong một đêm gió chuyển về huyền diệu trong mùa Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng: Giữa mùa thu lòng thơ ngây hoa cỏ/ Mẹ bao la nôi ru là vầng trăng. Mùa thu thường là mẹ ru con ngủ trong vầng trăng tỏ ngời và mẹ luôn hằng hữu trong ta. Có lẽ Nhật Uyển cũng rất hiểu điều ấy: Mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ là nắng ấm nương dâu/ là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời… Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?...
ĐÌNH QUÂN