Mẹ nuôi của trường

ALĂNG NGƯỚC 20/11/2014 08:37

Tôi về thăm trường xưa, gặp lại những cô cấp dưỡng, tự trong lòng dâng cảm xúc khó tả. Hàng chục năm nay, lớp học trò vùng cao luôn coi các cô như mẹ - những người mẹ ở ngôi trường “đặc biệt” của con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh nhận cơm từ tay “mẹ nuôi”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh nhận cơm từ tay “mẹ nuôi”. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Không còn gì xa lạ, chính những cái tên ấy, khuôn mặt ấy và cả những công việc ấy của các cô đã để lại quá nhiều ấn tượng với tôi - một cậu học trò khi mới bước chân vào ngôi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, từ gần mười năm trước. Tôi đã từng gọi các cô là mẹ - như những người mẹ đáng kính khác trên cõi đời này.

Lặng thầm cống hiến

Hơn 3 giờ sáng, cô Lê Thị Sương - Tổ phó phụ trách quản trị đời sống của trường vội vã xách giỏ đi chợ rồi vội vã trở lại khu bếp ăn tập thể của trường để kịp cùng các đồng nghiệp chuẩn bị bữa ăn sáng cho học sinh. Cứ thế, công việc của những cô cấp dưỡng tại ngôi trường “đặc biệt” này luôn bắt đầu khi tiếng côn trùng vẫn còn vang trong sương đêm.

“Người mẹ” đặc biệt

Với nhiều học trò vùng cao, cô Bríu Thị Tiếu (dân tộc Cơ Tu, quê ở huyện Đông Giang) là “người mẹ” đặc biệt. Từng là vận động viên bắn nỏ của huyện Đông Giang tham gia tại nhiều cuộc thi thể thao trong tỉnh và khu vực, cô Bríu Thị Tiếu là một trong những gương mặt vàng của địa phương trong nhiều năm liền. Và, tài năng bắn nỏ đã viết nên câu chuyện tình yêu đẹp giữa cô với một giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh - thầy giáo Aviết Ngai, nguyên Phó Hiệu trưởng của trường. Hơn 10 năm trước, tại một dịp hội thao miền núi được tổ chức, tình cờ họ gặp nhau và đến với nhau như chuyện cổ tích. Vốn đã có kinh nghiệm nhiều năm làm “cô nuôi” ở một trường tiểu học tại miền núi, rời làng xuống phố, cô Tiếu được nhận vào làm nhân viên cấp dưỡng của trường và gắn bó cho đến bây giờ. “Các em học sinh, hầu hết là người miền núi nên mỗi lần có khó khăn gì cũng đều tìm đến mình để tâm sự, nhất là các em khối lớp 10 mới xuống đây học tập” - cô Tiếu cho hay.

Đám học trò đã lên lớp, cô Sương cùng vài đồng nghiệp trong ca trực tất bật lau dọn nhà ăn, rồi mới đến khu bếp chế biến thức ăn chuẩn bị cho buổi trưa. Ca trực chỉ có 5 người nhưng cô Sương cho biết luôn có hai người đảm nhiệm trực chính, quán xuyến toàn bộ từ công việc nấu ăn, lau dọn bàn ghế, rửa soong nồi,… đến phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của tổ. Tấm bảng ghi theo dõi và phân chia thực phẩm hàng ngày được treo gần khu chế biến thức ăn, luôn thay đổi các món phù hợp với chế độ dinh dưỡng cho học sinh. Tôi chú ý đến những chiếc chảo cỡ lớn đặt dưới khu chế biến được bơm đầy nước. Hàng chục bao tải đựng các loại thực phẩm, rau tươi chẳng mấy chốc đã được rửa sạch và mang đến khu chế biến cách đó chừng vài mét. Toàn bộ thực phẩm trước khi chế biến được cán bộ y tế của trường đến kiểm tra và lấy mẫu lưu xét nghiệm an toàn vệ sinh.

Cô Sương khoe, khu bếp ăn tập thể của trường được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn từ hơn một năm trước. Không quá để bất ngờ. Tôi đã thấy được điều đó qua không gian nhà ăn của trường. Công sức ấy, ít nhiều cũng có phần đóng góp của các cô cấp dưỡng - những bà mẹ thầm lặng của hàng trăm học sinh vùng cao đang theo học tại trường. “Chuẩn bị cơm nhé!” - cô Sương nhắc đồng nghiệp ca trực khi đồng hồ đã báo quá mười giờ trưa. Mỗi người một việc, chỉ sau ba mươi phút, hàng chục mâm cơm đã được sắp xếp gọn trong kệ tủ kính, đợi học sinh tan buổi học đến nhận phần ăn. Trưa, từng tốp học sinh đến nhà ăn tập thể. Cô Sương cùng đồng nghiệp Phạm Thị Ngọc Dung lần lượt phát cơm cho đám học trò và không quên hỏi thăm kết quả buổi học. Công việc cấp dưỡng tuy có vất vả nhưng bù lại, các cô luôn tìm được niềm vui sau mỗi ngày chăm lo cho những “đứa con” của mình. Nói như cô Phạm Thị Ngọc Dung thì “học sinh ngoan và lễ phép luôn là niềm vui và động lực để các cô cấp dưỡng hăng say làm việc”.

Hương thơm cho đời

Đã gần 30 năm sống với nghề, cô Sương bảo càng thấy yêu hơn cái nghề này với học trò miền núi. Như một duyên phận, hơn 20 năm trước, khi công việc ở trường cũ không thuận lợi, cô Sương về Hội An xin vào tổ cấp dưỡng của trường nội trú tỉnh. Ở môi trường làm việc mới, khó khăn là điều tất nhiên. Nhưng với tình cảm mà học trò miền núi dành cho những “mẹ nuôi” của mình, niềm vui cứ thế lớn dần. Hội An những ngày mưa lũ, đường biến thành sông. Các cô cấp dưỡng vẫn bì bõm lội nước đến trường. Khi chiếc áo mưa được cởi ra, nước chảy dài khắp người, ướt sũng. “Rứa mà ai cũng vui vẻ với công việc. Vẫn đều đặn chăm lo bữa ăn cho học trò như con cháu trong nhà” - cô Sương bộc bạch.
Tôi nhớ gần mười năm trước, khu bếp ăn của trường chỉ là dãy nhà cấp bốn chật hẹp bên cạnh khu căng tin. Kho trấu, thứ vật liệu luôn có sẵn ở khu bếp, dùng để nấu ăn. Vậy mà chưa có ngày nào học sinh thiếu bữa cơm, dù đang mùa mưa bão. Bây giờ mọi thứ thuận lợi hơn, tươm tất hơn. Thương các cô, học trò của trường thường đến phụ giúp khi có thời gian rỗi. Zơrâm Thị Gái, cô học trò người Cơ Tu, lớp 12/1 chia sẻ: “Không chỉ giỏi nấu ăn, các cô cấp dưỡng còn rất tâm lý với học sinh. Bữa nào có thời gian rảnh, tụi em thường đến phụ giúp các cô vài việc vặt. Tình cảm của các cô dành cho học sinh của trường thật quá đẹp!”. Thầy giáo Hồ Văn Bình - giáo viên bộ môn thể dục của trường nói đùa rằng, với số lượng 450 học sinh như hiện nay, mỗi cô cấp dưỡng phải “gánh” hơn 40 em mỗi ngày. Bởi vậy, học sinh nội trú xem các cô như những người mẹ cũng là điều dễ hiểu.

Cuối chiều. Khu bếp đã vắng bóng học trò, nhưng các cô cấp dưỡng vẫn nán thêm thời gian, dù nhà ăn đã được lau dọn sạch sẽ từ trước. Trên tủ, một mâm ăn vẫn còn nguyên, được che đậy cẩn thận. “Còn tốp học sinh nam trong đội tuyển bóng đá của trường đang tập luyện chưa về. Chắc tụi nhỏ đói bụng lắm rồi!” - cô Sương nhìn về sân bóng phía sau khu bếp ăn tập thể, mặt đầy vẻ trìu mến.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ nuôi của trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO