Mẹ ở quê vô

SONG NGUYÊN 17/06/2014 11:23

(QNO) - Ngày nhỏ, tôi vẫn thường nghe mẹ nói “chẳng đâu bằng nhà mình”. Đi đâu vài hôm, về đến nhà là mẹ thở phào. Ở quê, mẹ có thể nhổ toẹt miếng trầu nơi góc sân, có thể vứt hạt cơm thừa vì đã có đàn gà chực sẵn. Ở quê mẹ có hàng xóm láng giềng, có nếp sinh hoạt đã quen…

Mẹ vào ngày hôm trước, hôm sau trong con hẻm nhỏ có đám tang của một cụ bà. Kèn tây thổi suốt ngày đêm. Kèn dứt thì đến những tiết mục văn nghệ sôi nổi. Nào “60 năm cuộc đời”, “Mắt nai cha cha cha”… Mẹ tôi lạ lẫm, giật mình, khó chịu vì chưa từng thấy “cái chuyện ma chay chi mà lạ kỳ rứa”. Cả đêm không tài nào ngủ được vì mải nghĩ chuyện lạ, rằng ai đời đám ma mà ăn nhậu, hát hò. Tôi bảo với mẹ ở miền Nam, đám tang người lớn tuổi thường được con cháu tổ chức ca hát, để mong người chết siêu thoát, để xua tan bầu không khí ảm đạm. Mẹ không thông cảm, rằng người ta quan niệm thế nào không biết, nhưng các con không được bắt chước, lề thói quê nhà là phải biết giữ gìn, trân trọng.

Tôi đưa mẹ tới chợ bà Hoa. Mẹ tỏ vẻ yên tâm khi thấy chợ bày bán rất nhiều mặt hàng như ở quê. Dạo một vòng khắp chợ, xem những gì ở chợ bà Hoa không có, mẹ bảo thỉnh thoảng sẽ gửi vào. Ngang khu vực Bảy Hiền, nghe tiếng máy dệt ầm ĩ, mẹ ghé vào tai tôi nói lớn “chỗ này ngày xưa bà Thu sinh sống đây hả con?”. Bà Thu ở cạnh nhà, là láng giềng, đồng hương của tôi. Bà Thu là thợ dệt mấy chục năm ở khu vực Bảy Hiền. Giờ bà đã già, không theo nghề dệt nữa mà cùng con cháu về sống nơi yên tĩnh, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhắc nhớ kỷ niệm thời tuổi trẻ với máy quay tơ, khung cửi, với những người đồng hương Duy Xuyên. Dù rời làng dệt đã lâu, nhưng bà Thu vẫn không bỏ thói quen nói lớn tiếng (vì tiếng máy dệt át tiếng nói âm điệu nhỏ). Đến khu vực Bảy Hiền, mẹ nhận xét không thiếu các món vừa là đặc sản, vừa rất dân dã của người Quảng Nam như bánh xèo, lòng xào nghệ, mít trộn, canh chuối chát hầm xương, mì Quảng, bánh tráng cuốn… Đưa mẹ tới mì Quảng Sâm, mẹ cười “ừ, nấu y chang kiểu quê mình đây”. Từ chuyến đi “thực tế” này, tôi muốn mẹ yên tâm dù ở Sài Gòn nhưng các món ăn xứ mình vẫn tương đối đầy đủ, làm nên một “Quảng Nam thu nhỏ” ở khu vực Bảy Hiền để người xa quê đỡ thiệt thòi.

Sài Gòn bắt đầu mùa mưa. Ngang hàng cá sông, thấy cá rô thóc, cá lòng tong, cá lia thia được bày bán, mẹ bảo sao không trồng mấy bụi lá nghệ, lá gừng để dành kho cá. Tối về, mẹ liền gọi điện thoại, bảo anh tôi ra vườn đào mấy bụi nghệ già, gửi xe đò vào cho tôi. Tôi chạy đi mua đất chuẩn bị trồng nghệ, khiến mẹ tá hỏa: “Trời ơi, chút đất mà cũng phải mua!”. Tôi đưa mẹ đi chơi đây đó. Mẹ ngại phố sá đông đúc, chóng mặt. Mẹ sợ chúng tôi tốn kém, vì cái gì cũng đắt đỏ. Lấy chồng gần hai mươi năm, lại tha hương, không cận kề chăm sóc mẹ được, nhiều khi cũng đau đáu, thương mẹ quá chừng. Mỗi năm, tôi chỉ về quê được một lần. Thời gian bên mẹ cũng ngắn ngủi, rồi mẹ con lại phải chia xa.

Vào thành phố, thấy cuộc sống con cháu bình yên, dù không nói ra nhưng tôi cảm nhận mẹ rất yên tâm. Rồi mẹ đòi về. Mẹ muốn trả lại không gian, thời gian cho con cháu, muốn được về quê cuốc đất trồng rau... Mẹ đòi về, tôi giận “là mẹ cứ tạo ra nỗi khổ cho mình; lâu lâu mới được vào thành phố, phải ở chơi thêm vài ngày”. Sợ tôi buồn, mẹ cười đồng ý. Nhưng tôi kịp nhận ra chưa hẳn ngồi một chỗ, được ăn ngon, được thăm thú là hạnh phúc của người già, huống gì mẹ là người phụ nữ không chịu rảnh tay rảnh chân. Chiều ý mẹ, tôi sẽ mua vé để mẹ về quê sớm hơn dự định. Chợt nghĩ thay vì mời mẹ vô chơi, nhất định tôi sẽ về quê thăm mẹ mỗi năm 2, 3 lần.

SONG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ ở quê vô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO