Mẹ quê

TẦN HOÀI DẠ VŨ 13/02/2013 10:42

Mẹ tôi sinh vào những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX. Có lẽ đó là thế hệ phụ nữ cuối cùng nhuộm răng đen ở quê tôi. Và có lẽ đó cũng là lớp phụ nữ thôn quê cuối cùng không được đi học. Vậy mà, trong đầu óc người mẹ quê của tôi không hiểu nhờ đâu lại có thể chứa bao nhiêu câu chuyện kể, hàng trăm hàng ngàn bài ca xưa; cả một cái vựa tâm hồn đầy ắp vốn văn nghệ dân gian. Cho nên hoàn toàn không phải là chuyện tình cờ khi tôi trở thành người nghiên cứu văn hóa dân gian. Là số phận chăng, khi tôi, hoàn toàn không ngờ tới, lại được thừa hưởng cái gia tài tinh thần vô giá từ mẹ.

Cũng như bao bà mẹ ở quê nghèo xứ Quảng, mẹ tôi dành cả cuộc đời tần tảo cho đàn con. So với các anh chị em trong nhà, tôi là đứa con ít được gần mẹ nhất. Từ bốn, năm tuổi tôi đã được ông nội đón về nuôi, khi cả gia đình cha mẹ tôi đều phải tản cư lên vùng cao Quế Sơn, ở làng Trung Phước. Bốn năm sống với ông nội ở làng quê Giao Thủy, tôi là một đứa bé quê hạnh phúc. Năm lên chín tuổi, tôi lại vừa trở thành một “đứa bé thành phố” khi theo cha mẹ về sống ở Hội An. Cho đến tận bây giờ, nghĩ lại, tôi vẫn thấy thực sự may mắn khi đã có những năm tháng tuổi thơ đầy màu sắc và thấm đẫm niềm vui.

Bóng chiều xưa. Ảnh: HUỲNH HÀ
Bóng chiều xưa. Ảnh: HUỲNH HÀ

Rồi vừa qua cái tuổi mười sáu, tôi lại rời gia đình ra Huế, để phải vừa tự lo kiếm cơm ăn, vừa đi học. Khi ra đi, mẹ  lặng lẽ đặt vào tay tôi 700 đồng, rơm rớm nước mắt: “Má chỉ có thể cho con chừng này thôi. Con làm sao mà sống và ăn học được ở nơi xa”. Mẹ nói mà như tự trách mình. Ôi tấm lòng của những người mẹ quê nghèo, tiễn con vào đời chẳng có thứ hành trang nào ngoài tấm lòng nhân hậu. Mẹ có biết đâu, chính tấm lòng nhân hậu ấy là thứ hành trang quý nhất mà con được thừa hưởng và suốt đời mang theo.

Tôi chẳng bao giờ dám đặt ngang hàng mẹ tôi với những bậc hiền phụ của các chí sĩ, danh nhân quê hương như bà Võ Thị Quyền (vợ cụ Trần Cao Vân), bà Lê Thị Tỵ (vợ cụ Phan Châu Trinh) hay bà Nguyễn Thị Sắt (vợ cụ Huỳnh Thúc Kháng)… Nhưng tôi nghĩ, giữa những người mẹ quê xứ Quảng, dù làm vợ một bậc chí sĩ kiệt hiệt hay vợ một nông dân nghèo không tên tuổi, vẫn có một mẫu số chung. Đó là tấm lòng hy sinh suốt cả đời cho chồng cho con; lặng lẽ làm một người vợ, một người mẹ để nâng đỡ bước chân chồng, con. Chính nhờ thế mà qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chưa nơi nào có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng như đất Quảng.

… Giữa những người mẹ quê xứ Quảng, dù làm vợ một bậc chí sĩ kiệt hiệt hay vợ một nông dân nghèo không tên tuổi, vẫn có một mẫu số chung. Đó là tấm lòng hy sinh suốt cả cuộc đời cho chồng cho con.

Thân phận của những người phụ nữ ở nông thôn ngày xưa bị giam hãm trong cảnh đói nghèo và không có tự do, là thân phận của cái cò cái vạc. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút từng cho rằng, người phụ nữ là hình ảnh của con cò. Qua ca dao, dân ca xứ Quảng, chúng ta nhận ra rằng, trong những tiếng ca buồn khổ của người phụ nữ, của những bà mẹ quê, điều đáng nói nhất là vẫn toát lên sự dịu dàng; nó giúp ta hiểu được rằng ở những tấm lòng nhân hậu ấy vẫn tiềm ẩn một sức mạnh tinh thần lặng lẽ mà sắt đá, dẻo dai. Chúng ta vẫn thấy được sự kiên trì, nét cười dịu dàng nhưng quyết liệt của những bà mẹ quê. Chính tiếng cười ấy đã chắp đôi cánh nhân bản cho tâm hồn họ, cuộc đời họ bay lên, vượt khỏi cái hoàn cảnh đau khổ, xót xa của những con cò, cái vạc. Cùng với đôi cánh nhân bản, cũng bay lên tiếng hát của tình thương: tình yêu thương bao la, vô điều kiện, thấm nhuần tính chất quên mình của những bà mẹ quê. Đó là ý thức hy sinh. Hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng tư; lấy niềm vui của chồng con làm hạnh phúc của chính mình.

Mẹ tôi suốt đời hy sinh cho con, và có lẽ là thế hệ phụ nữ Việt Nam cuối cùng tự mình đi cưới vợ lẻ cho chồng. Ngoài bốn mươi, mẹ tôi đã gần như không còn tình thương yêu của chồng, chỉ dành hết tâm trí, sức lực cho đàn con. Con không biết con đã học được từ mẹ quá nhiều điều, cho tới một ngày mẹ lặng lẽ ra đi. Ở nơi xa, con chợt hiểu rằng từ nay sẽ không còn ai thương yêu dạy biểu con như mẹ nữa. Sẽ không còn ai, dù đôi mắt đã mù lòa, chỉ cần sờ vào sau gáy đứa con trai lưu lạc phương xa trở về lặng lẽ đến ngồi bên mẹ, thì đã có thể nhẹ nhàng thốt lên: “Thằng B. hả?”. Chỉ có thế, chỉ có cái tình mẫu tử thiêng liêng mới có thể giúp mẹ có được thứ ánh sáng từ ái thiêng liêng soi chiếu để nhận ra “thằng B.” của mẹ, dù đứa con lưu lạc đã ngót 60 tuổi đời. Bà mẹ quê xứ Quảng của tôi đâu cần nói lời âu yếm, mà có lẽ cho tới tận lúc nhắm mắt lìa đời tôi vẫn không bao giờ quên, vẫn mong muốn được nghe lại trăm ngàn lần câu hỏi ấy: “Thằng B. hả?”, dù biết là vô vọng.

Thằng B. của mẹ, đến tết này đã sắp bước vào tuổi 70, vẫn cứ muốn được là đứa con nhỏ dại, tinh nghịch của mẹ.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO