Những năm gần đây, cứ sau những ngày Tết Nguyên Đán, ta lại chứng kiến cảnh xin ấn, cầu tài lộc, dương sao giải hạn, đi lễ cầu Bà... diễn ra một cách hỗn loạn ở nhiều nơi.
Người dân đi cúng dương sao giải hạn đầu năm. Ảnh: Internet |
1. Người ta đua nhau cầu đảo, đua nhau thức đêm thức hôm để mong mỏi cầu xin tài lộc, trong chốn quan trường lẫn chốn thương trường. Khói hương nghi ngút, lửa từ các đống giấy vàng mã thi nhau rực sáng nơi các tự viện, miếu, chùa tạo ra cảnh tượng hôn ám, như chính trí não mê muội của những người đi cầu lễ. Thánh thần, Tiên Phật đều được đem ra bày bán như trong một hội chợ phiên, và nhiều cơ sở tôn giáo cũng như những nơi thờ tự thánh thần cũng tranh thủ kiếm được những món tiền kếch xù béo bở.
Cảnh tượng buôn thần bán thánh đó cho thấy dân trí ta còn quá thấp, đến mức mê muội, chẳng khác nào thổ dân thời nguyên thủy. Bất kỳ người nào có đọc sách, có chút kiến thức và lương tri đều không thể không thấy đau xót trước quái trạng xã hội này, khi đám đông - trong đó có rất nhiều người có ăn học, hoặc có chức có quyền - hầu như đua nhau cúi đầu trước quỷ ma nhảm nhí.
Tôi chợt nhớ đến câu trào phúng của Trương Trào: “Trong thiên hạ chỉ có ma quỷ là có phúc lớn nhất: lúc còn sống không một xu dính túi, nhưng sau khi chết mỗi khi cúng thì đều có tiền giấy. Trong thiên hạ chỉ có ma quỷ là được coi trọng nhất: lúc còn sống có thể bị khinh dễ làm nhục, nhưng sau khi chết lại có lắm người quỳ lạy lễ bái”.
2. Con người, từ thuở thái sơ đến tận ngày nay, đã và sẽ luôn sợ hãi trước những điều huyền ẩn. Cho nên con người sợ hãi cái chết, vì cái chết là một điều huyền ẩn nhất trong mọi sự huyền ẩn trên cõi đời này. Đó là một cõi xa lạ vừa vô cùng hấp dẫn, vừa vô cùng nguy hiểm. Hấp dẫn, vì con người đã tạo nên nhiều hình ảnh tưởng tượng về nó; có bao nhiêu tôn giáo là có bấy nhiêu bức tranh về thế giới lai sinh. Nguy hiểm, vì khi đã đặt chân đến đó là không có đường về. Ta luôn coi cái chết là một cái gì đó rất đỗi linh thiêng. Sợ hãi trước điều huyền ẩn là thiên hướng tâm linh thường tình của con người. Người nào từng đứng một mình trước biển giữa đêm khuya vắng lặng giữa tiếng sóng vỗ ì ầm vào gành đá, hoặc lắng nghe tiếng gió rít từng cơn giữa canh khuya ở một nơi đìu hiu cô tịch sẽ hiểu được cảm giác kỳ diệu đó. Cái hùng vĩ bao la đầy bí ẩn của trời đất khiến ta kinh sợ, nhưng điều đó có thể giúp tâm thức con người hướng đến những điều thiêng liêng tốt đẹp, và tạo nên những cảm xúc cho thi ca, nghệ thuật. Nhưng tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên từ cõi huyền ẩn đó để cầu xin ơn phước hay tài lộc là điều cực kỳ nhảm nhí do tâm lý mê tín của những người thiếu căn bản học vấn. Chính vì thế nên một đứa bé khi còn sống thì nó rất sợ ta, nhưng khi nó mất thì tự nhiên ta lại đâm ra sợ nó!
Phạm Đình Hổ, trong Vũ Trung tùy bút có ghi lại câu chuyện tại làng Dương Xá ở tổng ông ta ở. Có một đứa trẻ bị đàn ngỗng đuổi, ngã xuống hố chết, sau hiển linh làm thần làng ấy, được dân làng tôn thờ, cúng tế. Ông than dài: “Ta nghe chuyện, lấy làm buồn cười.... Cái người khi sống đã không chống chọi được với loài cầm thú, thì khi chết sao thể giáng phúc cho nhân dân được? Ôi! Cái lễ giáo của đấng tiên vương khi xưa đã mất rồi, thế tục sinh ra lắm điều mê tín, nào có phải riêng một làng ấy thờ thần trẻ con đâu!” (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến).
3. Chẳng hạn những người thân của ta, khi về già, đều trở nên yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần, hầu như không thể tự lo bản thân mà mọi sự đều phải nhờ ta giúp đỡ. Nhưng khi các vị qua đời thì ta lại cầu khẩn họ phù hộ để ta đạt được những điều sở cầu, làm như họ là những người có quyền năng gì to lớn lắm, sau khi đã khuất. Khi một người bước qua cõi chết thì tự nhiên được xem như có một chút uy lực thần bí vô hình nào đó đối với ta. Ánh sáng khoa học hầu như đã soi rọi khắp cả không gian bao la lẫn đại dương tăm tối, khám phá toàn bộ thiên nhiên tỉ mỉ đến từng con sâu cọng cỏ, cũng như sự hoạt động vi tế của não bộ, thậm chí tâm tình con người có lúc tưởng chừng như đã phải mở toang ra trước lưỡi dao giải phẫu tinh vi và lạnh lùng của triết học, nhưng khoa học đành bất lực trước cái chết. Cõi xa lạ đó vẫn vĩnh viễn khép kín trước mọi nỗ lực của khoa học. Nếu con người có thể sống trường sinh bất tử, hoặc một ngày nào đó mà khoa học “giải mã” được cái chết thì có lẽ tôn giáo sẽ không còn lý do để tồn tại.
Thế giới tâm linh mở rộng tâm thức con người để đem lại cho con người những rung động và khát vọng siêu nhiên, khiến cuộc sống bớt khô cằn và tăng thêm ý vị. Đó là vẻ đẹp nhân văn. Nhưng con người lại đem thói mê tín nhảm nhí để bôi bẩn cái thế giới đó bằng những trò xuẩn ngốc như cầu xin tài lộc, hay để đảm bảo cho khối tài sản bất minh hoặc cái ghế ngồi. Khi thói mê tín càng lan rộng thì vẻ đẹp nhân văn sẽ bị hủy diệt, đạo đức sẽ bị suy đồi, và cuộc sống xã hội sẽ trở thành bi kịch.
LIÊU HÂN